Có một tâm lý trái ngược đang diễn ra trong cách suy nghĩ của nhiều người Việt, đó là biến nạn nhân trở thành thủ phạm.

Ngồi lắng nghe các cụ già hoài cổ, chúng ta hẳn sẽ cảm thấy khó tin khi biết rằng, vào thời các cụ, cách đây chục năm, người ta chẳng phải lo khóa cửa khóa ngõ gì hết. Nếu ai đó có bị trộm, thì chắc hẳn là mọi người đều bày tỏ sự cảm thông với người ta. Ấy vậy mà bây giờ, cửa nhà thì mở, khách thì ngồi trong phòng nói chuyện, mà không ít người vẫn nơm nớp lo sợ cho cái xe được khóa cổ khóa càng để ở ngoài sân…

Nhưng lo sợ, không chỉ bởi vì trộm cướp hoành hành, mà còn bởi vì nếu bạn mất xe, thì người đầu tiên đáng trách chính là bạn. Thời buổi này rồi, ai còn bất cẩn như thế chứ! Sao lại không để ý? Sao lại quên khóa từ? Sao không mang đi gửi? Để thế thì mất là phải rồi! Đáng đời! Thậm chí nếu bạn không lo sợ mất xe, thì bạn cũng phải lo sợ mất… mũ chứ!

Có thể bạn sẽ cảm thấy cách tư duy như vậy là bình thường. Nhưng thực ra, việc nạn nhân bỗng chốc biến thành kẻ có tội, thậm chí thành thủ phạm là một điều hết sức bất thường.

Thủ phạm là kẻ đã thực hiện điều ác, ví như trộm cắp, cướp giật, ép buộc người ta; còn nạn nhân chính là người chịu thiệt hại về mặt tinh thần hay vật chất từ những hành động đó. Logic tưởng chừng quá rõ ràng này lại đang bị đảo ngược trong xã hội chúng ta.

Còn nhớ mấy năm trước xảy ra chuyện các nữ giáo viên “có ngoại hình ưa nhìn” ở xã Hồng Lĩnh bày tỏ bức xúc vì phải tiếp rượu cho quan khách, sau khi làm lễ tân tại sự kiện do thị xã tổ chức, thì họ nhận được một câu trả lời nghiêm khắc từ một vị bộ trưởng rằng:

“Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm. Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã.”

Điều đó có nghĩa là, khi một vụ cướp xảy ra, thì điều cần xác định đầu tiên chính là trách nhiệm của nạn nhân, chứ không phải là trách nhiệm của thủ phạm? Kỳ thực, áp lực mà các cô giáo sẽ phải chịu khi từ chối lệnh của cấp trên là gì? Liệu khi họ bị oan sai vì “giữ phẩm chất” thì trường hợp của họ có được giải quyết không? Ai sẽ dám đứng ra làm chứng rằng vì họ “giữ phẩm chất” mà bị sa thải?

Đây chính là một ví dụ điển hình cho tâm lý ngụy biện “biến nạn nhân trở thành thủ phạm” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt. Điều đáng nói ở đây là thói quen chụp mũ một cách ẩn giấu này đang ngày càng được chấp nhận và sử dụng rộng rãi hơn.

Chưa hết, cuối năm 2019 đầu năm 2020, khi cuộc biểu tình Hồng Kông diễn ra và nhiều sinh viên bị chà đạp dưới gót giày của Trung Cộng bạo ngược, nhiều tiếng nói đồng cảm từ cộng đồng người Việt đã vang lên. Nhưng cùng lúc đó, cũng có những người dè bỉu sinh viên Hồng Kông “tự đập nồi cơm” của mình.

Kỳ thực điều ấy cho ta thấy rằng rất nhiều người Việt đều có trong tâm một khoảng trống khi tiếp cận với tin tức từ một nơi chỉ cách Hà Nội 2 giờ bay. Những sinh viên có chỉ số IQ cao nhất thế giới hy sinh tuổi thanh xuân của mình trên đường phố mịt mù hơi cay. Những nhân viên y tế trẻ tuổi lao vào giữa hiểm nguy để sơ cứu người biểu tình. Người đầu bếp can trường bất chấp đe dọa của cảnh sát một mực ở lại PolyU để lo bữa ăn cho đám thanh niên. Cậu bé 11 tuổi trốn mẹ xuống đường ủng hộ người biểu tình đòi nhân quyền… Vì sao?

Và cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi một sự chuyển dịch lớn đang diễn ra trong lòng thế giới, khi các tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, thu hoạch tạng từ Pháp Luân Công bị phơi bày, thì đâu đó ta vẫn có thể bắt gặp những lời nói “bênh vực” thủ phạm: Bởi vì nước họ quá đa dạng chủng tộc; Bởi vì không có lửa làm sao có khói; Bởi vì nếu tội ác này là sự thật thì quốc tế đã phải lên án từ chục năm trước rồi; Bởi vì…

Kỳ thực nói ra những lời “ngụy biện” như thế là bởi vì tư duy đổ lỗi cho nạn nhân đã trở thành một tâm lý chung không tự nhận thức được của rất nhiều người Việt.

Lại nhớ từ tận năm 2003, nghệ sĩ Đức Khuê đã lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói “Giá trị đảo lộn hết cả, chẳng biết đằng nào mà lần” trong tiểu phẩm “Bệnh nói nhiều”, và cái “sự thật” ấy là một điều đau lòng cần dám nhận ra và dám đối diện.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: