Lúc 5h30 sáng ngày 24/2, Tổng thống Nga Putin đã có phát biểu truyền hình thông báo Nga sẽ phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Sau đó quân đội Nga không chỉ đóng quân ở miền đông Ukraine mà còn không kích vào một số cơ sở quan trọng ở Ukraine, đã biến xung đột Nga – Ukraine thành chiến tranh. Trong hành động của Putin tại Ukraine, có ít nhất 3 vấn đề lớn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

id13603030 8cZMQlyL1UtLvBwI9HTO7ECjR59U90Q6 600x400 1
Ngày 21/2, Tổng thống Nga Putin (phải) đã ký văn kiện công nhận hai vùng ly khai Ukraine ở miền đông là “nước cộng hòa”, đồng thời cũng ký hiệp ước viện trợ lẫn nhau với đại diện của hai nước cộng hòa này. (Ảnh chụp màn hình video)

Một là vấn đề thể hiện quan điểm đối với tuyên bố của Nga công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở đông Ukraine

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Luhansk ở miền đông Ukraine, đồng thời cho quân đội Nga tiến vào hai nước cộng hòa này để thực hiện “gìn giữ hòa bình” theo “yêu cầu” của họ.

Ukraine là nước độc lập chủ quyền, quốc tế vẫn ghi nhận hai khu vực mà Nga công nhận là “nước cộng hòa” nói trên thuộc lãnh thổ của Ukraine.

Việc bất kỳ chính phủ nước ngoài nào đơn phương công nhận nền độc lập của hai vùng thuộc quốc gia khác, chắc chắn là hành động vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của quốc gia đó.

Vì vậy, việc Nga đơn phương tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa nói trên và gửi quân sang đó đã bị nhiều nước đứng đầu như Mỹ lên án mạnh mẽ, theo đó đã có một số biện pháp trừng phạt.

Trước đó hôm 19/2, Ngoại trưởng Vương Nghị của ĐCSTQ đã tham dự Hội nghị An ninh Munich và trả lời câu hỏi của chủ tọa Ischinger: “Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia đều cần được tôn trọng và bảo vệ, bởi vì đây là nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, và Ukraine không phải là ngoại lệ”.

Nhưng sau khi ông Putin chính thức có hành động xâm lược Ukraine, trong cuộc họp báo chiều ngày 24/2, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã né tránh hơn 11 câu hỏi về hành động của Nga ở Ukraine, trong đó đặc biệt tập trung vào vấn đề Bắc Kinh có cho rằng hành động của Nga là xâm lược, là vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine hay không.

Tại sao ĐCSTQ lại tránh thể hiện rõ quan điểm trong những vấn đề này? Vì quá khó để trả lời.

Nếu Putin có thể công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ở miền đông Ukraine và gửi quân đến “gìn giữ hòa bình”, liệu Mỹ và các đồng minh có thể công nhận nền độc lập của Đài Loan và gửi quân đến “gìn giữ hòa bình”?

Theo như tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị tại Hội nghị Munich thì dĩ nhiên ĐCSTQ phải lên án Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng nếu ĐCSTQ làm như vậy sẽ bất hòa với Nga.

Hiện nay trong bối cảnh bị quốc tế bị cô lập, ĐCSTQ đang cố gắng tăng cường toàn diện quan hệ với Nga. Ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh (4/2), ĐCSTQ và Nga đã ký 15 văn kiện hợp tác, và Nga đã nhận được đơn hàng trị giá 500 tỷ nhân dân tệ liên quan đến các nguồn năng lượng mà ĐCSTQ đang thiếu hụt như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên.

Sau khi Putin bất ngờ tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ở miền đông Ukraine và cử quân đội đến đồn trú, ĐCSTQ không dám ủng hộ hay bác bỏ vấn đề quan trọng liên quan đến nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh này, đành chỉ đành lấp lửng né tránh.

Hai là vấn đề thái độ ghê tởm chủ nghĩa cộng sản của Putin

Ngày 21/2, ông Putin đã có bài phát biểu dài gần một giờ trên truyền hình quốc gia. Ông nói:

– “Những sự kiện trong thời kỳ Xô Viết không thể thay đổi, nhưng những điều này nên được nói thẳng… Đối với chúng tôi, Ukraine không chỉ là một nước láng giềng: đó là một phần không thể tách rời trong không gian lịch sử, văn hóa, tinh thần của chính chúng tôi”.

– “Ukraine hiện nay được tạo ra hoàn toàn bởi Nga, hay nói chính xác hơn là nước Nga thời Bolshevik – Cộng sản… Quá trình này bắt đầu gần như ngay lập tức sau cuộc cách mạng năm 1917. Lenin và các cộng sự của ông đã hành động theo một cách rất tàn nhẫn đối với nước Nga đó là gây chia cắt một phần lãnh thổ lịch sử của chính nước Nga”.

– “Sau đó, Stalin sáp nhập vào Ukraine một số lãnh thổ trước đây thuộc về Ba Lan, Romania và Hungary. Năm 1954 vì một lý do nào đó mà Khrushchev đã sáp nhập vùng Crimea từ Nga vào Ukraine… Đây là cách hình thành lãnh thổ Ukraine như hiện nay”.

– “Sau cuộc cách mạng, nhiệm vụ chính của những người Bolshevik là tìm cách duy trì quyền lực, chính xác là bằng mọi giá”.

– “Những sai lầm lịch sử mang tính chiến lược trong các thời kỳ xây dựng đất nước của các nhà lãnh đạo Bolshevik, lãnh đạo Xô Viết Cộng sản khác nhau đã làm tan rã đất nước thống nhất của chúng ta”.

Theo quan điểm của Putin, nếu Lenin, Stalin và Khrushchev không thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, thì sẽ không có Ukraine ngày nay.

Trước đây đã nhiều lần ông Putin bày tỏ chán ghét cực độ đối với chủ nghĩa cộng sản. Ví dụ:

Ngày 31/10/2017, ông phát biểu tại buổi lễ khánh thành “Bức tường thương tiếc” tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị ở Liên Xô:

– “Đối với chúng ta và thế hệ kế cận của chúng ta, việc ghi nhớ giai đoạn lịch sử đau thương này là vô cùng quan trọng… Hồi đó người dân thuộc nhiều lĩnh vực: công nhân, nông dân, kỹ sư, quan chức, giới tôn giáo, công chức, học giả, giới hoạt động văn hóa… đều đã phải chịu đàn áp tàn bạo. Cuộc thanh trừng đã bất chấp đối với những người tài, những người đã đóng góp cho tổ quốc, và những người trung thành vô hạn với tổ quốc… đều phải chịu cáo buộc liên quan những tội danh hoang đường. Hàng triệu người bị buộc tội là ‘kẻ thù của nhân dân’, bị xử bắn hoặc tra tấn tinh thần, bị đày ải trong các nhà tù, trại tập trung”.

– “Quá khứ khủng khiếp này không thể xóa khỏi ký ức dân tộc, đặc biệt là không thể biện minh bằng bất cứ cách nào, nhân danh bất kỳ cái nào gọi là lợi ích tối cao của người dân… Đàn áp chính trị là thảm kịch đối với toàn thể người dân chúng ta, đối với toàn xã hội chúng ta, đó là đòn đánh nặng nề vào nhân dân ta, gồm cả cội nguồn, văn hóa và sự tự nhận thức của chúng ta. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn đang gánh chịu hậu quả của cuộc đàn áp này… Nhiệm vụ của chúng ta là: không được phép lãng quên”.

Putin yêu cầu tất cả người dân Nga “hiểu, ghi nhớ và phán xét” tội trạng của Liên Xô Cộng sản gây ra cho người dân Nga. Tuy nhiên đây cũng chính xác là những gì ĐCSTQ đã gây ra cho người dân Trung Quốc kể từ khi nắm quyền, đó cũng là những gì ĐCSTQ muốn làm mọi cách để khiến người dân Trung Quốc phải lãng quên.

Lần này hành động của ông đối với Ukraine càng thể hiện rõ thái độ rõ ràng ý đồ điều chỉnh lại những gì của quá khứ do các lãnh đạo Liên Xô theo chủ nghĩa cộng sản gây ra. Đây chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào ĐCSTQ trong ảo tưởng hợp lực cùng Putin để đạt được mục tiêu riêng.

Ba là vấn đề quan hệ với các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, quan hệ ngoại giao với Liên Xô chỉ có được “kỳ trăng mật” ngắn ngủi, sau đó rơi vào tình trạng đối đầu nghiêm trọng. Năm 1969, tưởng như Liên Xô đã có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc.

Ngày 20/8/1969, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Dobrynin (Anatoly Fyodorovich Dobrynin) được lệnh khẩn cấp gặp Trợ lý An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ tại Washington khi đó là Henry Kissinger, để tìm kiếm quan điểm của Mỹ về ý định tấn công hạt nhân Trung Quốc. Một mặt Mỹ phản đối, mặt khác đã tiết lộ tin tức này cho giới truyền thông.

Ngày 28/8/1969, tờ Washington Star đăng bài “Liên Xô muốn tấn công hạt nhân vào Trung Quốc”. Bài báo viết: “Theo thông tin đáng tin cậy, Liên Xô dự định sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân vài triệu tấn để tấn công các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc…” Thế giới đã chấn động sau khi tin tức này được đưa ra, sau đó Liên Xô Cộng sản buộc phải hủy bỏ kế hoạch tấn công hạt nhân.

Ngày 16/9/1969, tờ Saturday Post ở London đã đăng một bài báo của nhà báo tự do Victor Louis người Liên Xô – nhân vật được xem như là phát ngôn viên của KGB, cho biết rằng “Liên Xô có thể tiến hành một cuộc không kích vào căn cứ Lop Nur ở Tân Cương của Trung Quốc”. Một lần nữa mây đen về cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô vào Trung Quốc lại bao phủ.

Mỹ lần nữa lại thể hiện rõ với Liên Xô phản đối tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc. Mỹ cũng đưa ra mệnh lệnh với mật mã đã được Liên Xô giải mã: một khi Liên Xô thực hiện tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, Mỹ sẽ đồng loạt tấn công hạt nhân vào 134 mục tiêu chiến lược của Liên Xô. Vậy là một lần nữa Liên Xô lại buộc phải hủy bỏ kế hoạch tấn công hạt nhân.

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon vào tháng 2/1972, ĐCSTQ bắt đầu cải thiện quan hệ với Mỹ. Tháng 1/1979 khi Đặng Tiểu Bình đến thăm Mỹ đã nói cụ thể: “Nhìn lại mấy chục năm qua, tất cả các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có”. Kể từ đó, Đặng Tiểu Bình đã xác định đặt quan hệ với Mỹ là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ.

Hơn 40 năm sau khi Mỹ – Trung thiết lập quan hệ ngoại giao, với sự giúp đỡ về kinh phí, công nghệ, tài năng, thị trường và dịch vụ của Mỹ, ĐCSTQ đã thoát khỏi tình trạng khó khăn ở bờ vực sụp đổ mà Cách mạng Văn hóa của họ gây ra, khiến nền kinh tế Trung Quốc vươn lên thứ hai trên thế giới.

Nhưng kể từ khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra vào năm 2018, quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Với ảnh hưởng của “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ, quan hệ của ĐCSTQ với nhiều nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Canada, Litva… cũng xấu đi nghiêm trọng. Để tránh bị cô lập về mặt ngoại giao chưa từng có, ĐCSTQ đã cố gắng đoàn kết Nga chống lại Mỹ.

Nhưng Putin và ĐCSTQ không thể chung đường, Putin chỉ đang sử dụng ĐCSTQ để tối đa hóa lợi ích của Nga.

Sau khi bùng nổ khủng hoảng Nga – Ukraine, nếu ĐCSTQ chọn đứng về phía Nga thì chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù của toàn bộ thế giới tự do mà Mỹ đứng đầu.

Kết

Hành động của Putin đối với Ukraine đã khiến ĐCSTQ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đến nỗi trong những dịp ngoại giao có liên quan phải đưa ra những tuyên bố lấp lửng nực cười, chẳng hạn như: Trung Quốc rất chú ý đến diễn biến mới nhất của tình hình Ukraine, tất cả các bên phải kiềm chế và tránh mọi hành động có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng; Trung Quốc hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực thúc đẩy giải quyết bằng ngoại giao, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp tục đối thoại và tham vấn để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

ĐCSTQ không dám bày tỏ ủng hộ hay phản đối trong các hành động của Putin liên quan đến 3 vấn đề nghiêm trọng: ủng hộ nền độc lập của hai vùng ly khai ở đông Ukraine được gọi là ‘nước cộng hòa’, gửi quân đến để “gìn giữ hòa bình”, phát động tấn công quân sự xâm lược Ukraine.

ĐCSTQ nỗ lực “đu dây” để không làm mất lòng bên nào, nhưng động thái đó lại cho thấy bộ mặt thật của chính họ.

Vương Hữu Quần, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)