Hiệp hội các học giả Mỹ (NAS) đã thông báo trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba (26/7) rằng Viện Khổng Tử (CI) đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ xác định là “phái bộ nước ngoài”, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lách kẽ hở chính sách của Mỹ bằng xây dựng các “trường đại học kết nghĩa” hoặc đổi tên gọi để hoạt động như cũ.

469263 600x400 1
Hình ảnh người dân ở Toronto biểu tình vào ngày 11/6/2014 chống Viện Khổng Tử của ĐCSTQ (Nguồn: Zhou Xing/Epoch Times).

Vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo yêu cầu các Viện Khổng Tử phải đăng ký là “phái bộ ngoại giao”, nghĩa là các Viện Khổng Tử được xác định là công cụ của ĐCSTQ.

Nỗ lực hồi sinh ở Mỹ với tên gọi khác

Khi những chỉ trích về các Viện Khổng Tử trong xã hội Mỹ ngày càng gia tăng, các trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ đã lần lượt đóng cửa các Viện Khổng Tử. NAS cho biết 118 Viện Khổng Tử từng hoạt động ở Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 18, nhưng thực tế thỏa thuận cũng đã chấm dứt.

Nhưng hôm thứ Ba, nhà nghiên cứu cấp cao tại NAS là Rachelle Peterson chia sẻ truyền thông rằng sau đó nhiều trường đại học Mỹ đã xây dựng “quan hệ kết nghĩa” với các trường của ĐCSTQ.

Trong số cả trăm tổ chức của Mỹ đã đóng cửa các Viện Khổng Tử thì có một số đã mở cửa trở lại với các tên khác nhau dưới sự sắp xếp của “trường kết nghĩa” thuộc quản lý của Hanban (Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Quốc tế của ĐCSTQ phụ trách Viện Khổng Tử), qua đó tiếp tục nhận được tài trợ từ ĐCSTQ. Theo một báo cáo được NAS công bố ngày 15/6 cho thấy Hanban cũng đã đổi tên thành ‘Trung tâm Giao lưu và Hợp tác Ngoại ngữ – Bộ Giáo dục Trung Quốc (CLEC)’, và tách ra thành một tổ chức độc lập là “Tổ chức Quốc tế Đào tạo tiếng Trung Trung” (CIEF) chịu trách nhiệm cấp vốn và giám sát các tổ chức hoạt động như Viện Khổng Tử trước đó.

Ví dụ, báo cáo của NAS chỉ ra vào tháng 7/2020, Đại học Bang Georgia đã đóng cửa Viện Khổng Tử, nhưng trong cùng tháng đó đã ký một thỏa thuận mới với Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (đối tác cũ mở Viện Khổng Tử của trường) với tên gọi là “Dự án Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc”. Thỏa thuận dự án mới được ký kết mặc dù bao gồm các điều khoản như “bảo vệ tự do trí tuệ”… nhưng người tham gia vẫn do Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh cử đến.

Viện Khổng Tử tại Đại học Western Michigan đóng cửa ngày 31/12/2020, nhưng trường này cũng đã ký một thỏa thuận mới tương tự với Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh, chỉ sau một ngày đóng cửa Viện Khổng Tử thì hôm sau thỏa thuận mới này có hiệu lực. Theo thỏa thuận mới này, Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh có trách nhiệm cử người đến Mỹ trả lương và các chi phí khác cho họ, còn Đại học Western Michigan cung cấp địa điểm và hỗ trợ vấn đề xin thị thực.

Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh còn chịu trách nhiệm “cung cấp các khóa học”“lựa chọn giáo trình”, như vậy không khác gì cách hoạt động của Viện Khổng Tử, trong khi các học giả thỉnh giảng do trường cử đến chịu trách nhiệm “giám sát và điều phối tất cả các cán bộ giảng dạy do Đại học Ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh tuyển chọn”.

Báo cáo của NAS chỉ ra tổng cộng ít nhất 28 trường đại học đã dùng các chương trình tương tự để thay thế Viện Khổng Tử.

Chuyên gia Peterson của NAS cho biết dưới chỉ dẫn của CLEC hoặc CIEF, ít nhất 58 trường học của Mỹ đã duy trì mối quan hệ hợp tác với các “trường kết nghĩa” của họ ở Trung Quốc và ít nhất 5 trường đã chuyển Viện Khổng Tử ban đầu của họ sang “chương trình mới” để giúp Viện Khổng Tử vẫn tồn tại nhưng với tên gọi khác.

Chuyên gia NAS: Viện Khổng Tử là căn cứ tuyên truyền và gián điệp khoa học công nghệ của ĐCSTQ

Các Viện Khổng Tử thường kết nối với các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, tuyên bố cung cấp “trao đổi” ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho sinh viên Mỹ, nhưng giới tình báo Mỹ cảnh báo rằng mục đích thực sự là tuyên truyền cho ĐCSTQ.

Tại cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ vào năm 2019, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết Viện Khổng Tử là “điều đáng lo ngại” và là một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thâm nhập vào Mỹ thông qua “chiến lược quyền lực mềm”. Ông nói: “Viện Khổng Tử là căn cứ để truyền bá chính sách của ĐCSTQ và thúc đẩy kiểm duyệt gây hạn chế tự do học thuật”.

Fox News đưa tin, một trong những tác giả của báo cáo là nhà nghiên cứu Ian Oxnevad tại NAS nói rằng đây là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thực hiện phiên bản “Viện Khổng Tử 2.0” ở Mỹ.

“Thương hiệu (Viện Khổng Tử) này đã sụp đổ nhưng chương trình không biến mất… Họ dán nhãn mới và dùng nó dưới bộ mặt mới, đây là ‘bình mới rượu cũ’”, chuyên gia Oxneward nói.

Ông cũng cho biết mối đe dọa của Viện Khổng Tử và “chương trình mới” liên quan là nhằm xâm nhập vào sinh viên Mỹ với nỗ lực “định hình nhận thức của sinh viên Mỹ về Trung Quốc”; “Đó là căn cứ tuyên truyền và đó cũng là nơi để Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế, qua đó đánh cắp bí mật học thuật và gửi về Trung Quốc”.

Chuyên gia Oxneward cho biết ĐCSTQ cũng sẽ sử dụng chúng để “giám sát những người bất đồng chính kiến dù những người đó có đến từ Trung Quốc Đại Lục hay không, ngoài ra ĐCSTQ còn dùng hệ thống này để giám sát các giảng viên do họ lựa chọn”.