Doanh nhân Đài Loan Lý Mạnh Cư (Lee Meng-chu) đã “biến mất” sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc vào năm 2019 và mất tự do trong 4 năm vì tội gián điệp, cuối cùng ông đã trở về Đài Loan vào ngày 2/9. Khi đến sân bay, ông bước xuống và hôn “vùng đất của tự do” hai lần một cách đầy xúc động. Ông nói việc mình vô cớ trở thành gián điệp trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một dấu hiệu cảnh báo lớn, bởi vì tự do giống như không khí, và người ta chỉ biết nó quý giá như thế nào khi bị nghẹt thở. Ông kêu gọi tất cả người Đài Loan trân trọng lối sống dân chủ, tự do và bảo vệ Đài Loan.

Dai Loan
Doanh nhân Đài Loan Lý Mạnh Cư đến sân bay Đài Loan vào ngày 2/9. Khi lấy lại được tự do, ông xúc động bước xuống và hôn “vùng đất tự do”. (Ảnh: Li Xian / VOA)

Ông Lý Mạnh Cư, 51 tuổi, bị hải quan ĐCSTQ bắt giữ khi nhập cảnh Thâm Quyến từ Hồng Kông trong chuyến công tác tới Trung Quốc vào năm 2019, sau đó ông “bị mất tích”. Lý Mạnh Cư bị kết án 1 năm 10 tháng tù và tước quyền chính trị trong 2 năm vì tội “gián điệp Đài Loan”, cuối tháng 7 năm nay, bản án bổ sung đã hết hạn và ông được phép rời khỏi Trung Quốc. Nhưng điều kiện kèm theo là ông chỉ có thể đến nước thứ 3, ví dụ như Nhật Bản, mà không được lập tức quay trở về Đài Loan một cách trực tiếp.

Sau khi nghỉ ngơi ở Nhật Bản hơn một tháng, ông Lý Mạnh Cư quyết định quay trở lại Đài Loan. Khi bay đến Đài Loan vào ngày 2/9, ông đã cố tình đeo chiếc khẩu trang có hình lá cờ của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) để làm thủ tục hải quan và xúc động quỳ xuống hôn “mảnh đất tự do”. Một số người bạn của ông Lý Mạnh Cư đã đón ông tại sân bay Tùng Sơn, đeo vòng hoa hoa chào mừng ông và hô lên “Chào mừng Mạnh Cư trở lại Đài Loan!”

Mất 4 năm tự do vì chuyến công tác đến Trung Quốc

Dai Loan 3
Ông Lý Mạnh Cư, một doanh nhân Đài Loan bị giam ở Trung Quốc 4 năm, trở về Đài Loan từ Tokyo vào ngày 2/9. (Ảnh: Li Xian / VOA)

Ông Lý Mạnh Cư trả lời phỏng vấn của truyền thông Đài Loan tại sân bay, ông nhớ lại lần trải nghiệm “bị mất tích”. Ông cho biết chuyến đi đó chỉ là một chuyến công tác tạm thời, mục đích là lấy mẫu máy ảnh từ văn phòng Thâm Quyến nhưng gặp phải sự kiểm tra hành lý nghiêm ngặt ở hải quan, nhân viên hải quan phẫn nộ vì một một chồng thẻ nhỏ dùng để cổ vũ tiếp viên hàng không Đài Loan bãi công, trên các tấm thẻ đó viết các chữ “yêu, hòa bình, bao dung, liên lạc”, và 5 tấm thẻ “Hồng Kông cố lên”, nên ông đã bị đưa vào một căn phòng nhỏ màu đen để thẩm vấn.

Trong 72 ngày đầu tiên, ông Lý Mạnh Cư bị cô lập với thế giới bên ngoài tại “Nơi cư trú giám sát được chỉ định” và buộc phải làm hơn 100 bản chép tay tự khai. Phía Trung Quốc cũng lục soát nội dung điện thoại di động của ông và tìm thấy hồ sơ hoạt động thời sinh viên cách đây gần 20 năm, sau đó “mọi thứ đều trở thành bằng chứng phạm tội, đó chính là quá trình thêu dệt để buộc tội”.

Ông tiết lộ rằng trước khi kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng đoạn video “thú tội” của ông, ông đã liên tục bị ghi hình đi lại 8 hoặc 9 lần, “nói đến khi họ hài lòng mới thôi”.

Ông Lý Mạnh Cư bị bỏ tù và thụ án 1 năm 10 tháng, sau khi mãn hạn vẫn bị cấm xuất cảnh 2 năm, ông không còn cách nào khác là phải đi đến hơn 100 thành phố ở Trung Quốc để du lịch, giao lưu với người dân Trung Quốc và giảm bớt sự cô đơn của mình. Hai tuần trước khi bản án bổ sung hết hạn vào tháng 7 năm nay, một sĩ quan Cục An ninh Quốc gia Thâm Quyến nói với Lý mạnh Cư rằng anh ta sợ ông sẽ trở thành mục tiêu thổi phồng của truyền thông, ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử của Đài Loan, do đó buộc ông phải hứa sẽ đến Nhật Bản trước để tránh giai đoạn nhạy cảm, cuối cùng ông có thể rời Trung Quốc một cách suôn sẻ.

Nạn nhân của chính sách ngoại giao con tin, cảnh báo về những rủi ro khi đến Trung Quốc

Dai Loan 2
Ông Lý Mạnh Cư đưa ra những thứ mà ông bị Hải quan Trung Quốc coi là bằng chứng phản quốc khi bị bắt 4 năm trước. (Ảnh: Li Xian / VOA)

Ông Lý Mạnh Cư nhận định rằng ông là dê thế tội trở thành “ngoại giao con tin” của ĐCSTQ và bị bức hại, bởi vì Trung Quốc đã cảnh báo Chính phủ Đài Loan không can thiệp vào công việc của Hồng Kông vào thời điểm đó. Cũng có khả năng ĐCSTQ muốn thông qua việc bắt giữ ông để lập uy đối với phong trào “chống dẫn độ”“thế lực nước ngoài”. Ông nói rằng học giả Đài Loan Thi Chính Bính (Shi Cheng-ping) và công dân Belize – Lee Henley HuXiang cũng “bị mất tích” ở Trung Quốc, đều là nạn nhân của ngoại giao con tin.

Ông nhấn mạnh, ĐCSTQ đã thực thiLuật Chống gián điệpvào tháng 7 năm nay. Theo định nghĩa của luật này, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “cái gọi là gián điệp của ĐCSTQ”. Ông hy vọng thông qua trải nghiệm và kinh nghiệm của chính mình để nhắc nhở người dân Đài Loan cẩn thận về rủi ro khi ra vào Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.

Ông nói: “Những sự việc này của tôi có thể làm tấm gương cho đồng bào trong nước. Tôi muốn nói với mọi người rằng tự do giống như không khí, và các bạn chỉ trân trọng nó khi bạn cảm thấy ngột ngạt. Tôi chính là không hiểu chuyện gì đã xảy ra, mấy tấm thẻ trong hành lý, tôi cảm thấy không có vấn đề gì, và đã mất 4 năm tự do của cuộc đời như vậy đó, công việc đang tốt đẹp thì bị gián đoạn. Do đó mọi người nhất định phải trân trọng lối sống dân chủ, tự do của mình.”

Ông nói rằng mặc dù việc trao đổi và liên lạc giữa hai bờ eo biển không thể bị gián đoạn, nhưng hàng trăm ngàn người Đài Loan ra vào Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao mỗi năm “phải cẩn thận” và phải mang theo điện thoại di động trống đã xóa dữ liệu.

Sau khi sửa đổi, “Luật Đối ngoại” “Luật Chống gián điệp” của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/7 năm nay, Chính phủ Mỹ đã nâng cảnh báo du lịch tới Trung Quốc lên cấp độ 3, kêu gọi người Mỹ “cân nhắc lại liệu có nên đi hay không”, cảnh báo này chỉ đứng sau lệnh cấm cấp độ cao nhất “không được đi”. Mỹ khuyên công dân nên đánh giá cẩn thận các rủi ro khi đi đến Trung Quốc, bao gồm các rủi ro về việc thực thi pháp luật tùy tiện, lệnh cấm xuất cảnh và giam giữ trái pháp luật của chính quyền Trung Quốc.

Theo Lý Hiền / VOA