Các video xuất hiện trên mạng cho thấy các cuộc biểu tình mới nổ ra khắp Iran năm ngày sau khi cô Mahsa Amini bị cảnh sát bắt giữ và tử vong vào đầu tuần đó.

Người phụ nữ trẻ 22 tuổi người Kurd bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ ở thủ đô Tehran với lý do cáo buộc cô vi phạm đạo luật hà khắc của Iran yêu cầu phụ nữ phải trùm khăn che đầu bao phủ toàn bộ tóc.

Cô Amini, được cho là bị đánh sau khi bị bắt và đã chết tại bệnh viện sau ba ngày hôn mê. Các nhà chức trách Iran cho rằng cô bị “suy tim đột ngột” nhưng lời giải thích này đã bị gia đình cô bác bỏ.

Hôm thứ Tư (21/9), các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trên khắp Iran, bao gồm cả thủ đô Tehran, thành phố Shiraz và tỉnh Mazandaran.

Phát biểu với đài BBC, các nhà hoạt động cho biết, tại các thành phố Urmia, Piranshahr và Kermanshah, lực lượng an ninh đã nổ súng bắn đạn thật, khiến ba người tử vong.

Nhà báo Golnaz Esfandiari đăng đoạn video trên Twitter, được cho là được quay tại quảng trường chính của thành phố Kerman, cho thấy đám đông đang cổ vũ và hô vang “cái chết cho kẻ độc tài” trong bối cảnh một phụ nữ đang cắt tóc của mình để phản đối chính quyền. Đoạn clip lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, cho đến nay đã có hơn 1,9 triệu lượt người xem.

Trên Twitter, nhà báo Esfandiari bình luận: “Cảnh tượng chưa từng có ở Iran: người phụ nữ ngồi trên nóc hộp hạ tầng kỹ thuật và cắt tóc của mình tại quảng trường chính ở thành phố Kerman để phản đối cái chết của cô Mahsa Amini sau khi cô bị cảnh sát đạo đức bắt giữ. Mọi người vỗ tay và hô vang ‘Cái chết cho kẻ độc tài’.”

Cô Masih Alinejad, nhà vận động nhân quyền người Iran kiêm nhà báo, hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, cũng đăng một đoạn phim trên Twitter mà cô cho biết là từ tỉnh Mazandaran nằm ở miền Bắc Iran. Đoạn phim cho thấy, trước sự cổ vũ của đám đông, những người phụ nữ đang đốt khăn trùm đầu của họ, trong đó có một người phụ nữ để tóc trần nhảy múa trước ngọn lửa.

Nữ nhà báo Alinejad bày tỏ cảm xúc: “Những người dũng cảm của tỉnh Mazandaran, nơi sinh của tôi, đang nhảy múa vì sự tự do mà họ xứng đáng được hưởng. Tôi khóc khi nhìn thấy những người phụ nữ đốt khăn trùm đầu của họ. Cô Mahsa Amini bị giết vì chiếc khăn trùm đầu này nhưng cô đã trở thành bước ngoặt đối với phụ nữ Iran và là bước ngoặt có ảnh hưởng lớn đối với chế độ [Iran].”

Một đoạn clip khác cũng do nhà báo Alinejad đăng trên Twitter cho thấy, các nữ sinh viên đại học ở thủ đô Tehran của Iran đang cởi bỏ khăn trùm đầu màu đen của họ trong khi hô vang “chúng tôi không muốn bị cưỡng ép đội khăn trùm đầu”.

Họ được cổ vũ bởi những người biểu tình khác, bao gồm các nam sinh viên, trong đó có một số người cầm trên tay các bảng phản đối chính quyền.

Các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra giữa cảnh sát và những người biểu tình ở một số thành phố. Tại Rasht, thành phố lớn nhất nằm trên bờ biển Caspi của Iran, được mệnh danh là thành phố mưa, video cho thấy cảnh sát chống bạo động buộc phải rút lui khi họ chiến đấu với đám đông lớn.

Chính quyền Iran cáo buộc một trợ lý cảnh sát bị những người biểu tình ở thành phố Shiraz giết chết. Tuy nhiên, chưa có tổ chức nào xác minh độc lập vụ việc này.

Iran đã được cai trị bởi chế độ thần quyền cực kỳ bảo thủ kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979, cuộc cách mạng lật đổ vị vua cuối cùng của nước này. Đầu năm nay, theo thông tin do chồng của một nhà vận động nhân quyền người Iran cung cấp, cô bị kết án 8 năm tù giam và 70 đòn roi.

Hôm thứ Hai (19/9), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

Sau cuộc phỏng vấn với đài CBS trong chuyến đi, Tổng thống Raisi bị cáo buộc là đã phủ nhận vụ thảm sát Holocaust (vụ thảm sát người Do Thái của Đức Quốc xã). Trong cuộc phỏng vấn, ông không khẳng định rằng vụ thảm sát 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai đã diễn ra, thay vào đó ông đề nghị, vấn đề này cần phải được “điều tra và nghiên cứu”.

Gia Huy (Theo Newsweek)