Các thành viên của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ sẽ giới thiệu một dự luật trong tuần này nhằm thúc đẩy sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan. Đây là một phần trong nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm thể hiện quan điểm cứng rắn trong việc đối phó với Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Dân biểu Dân chủ Ami Bera thuộc tiểu bang California (Ảnh minh họa: Getty Images)

Dân biểu Ami Bera – lãnh đạo Đảng Dân chủ cùng với Dân biểu Steve Chabot – lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại tiểu bang châu Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sẽ giới thiệu “Đạo luật Hòa bình và Ổn định Đài Loan”, một biện pháp “nhằm hỗ trợ cho không gian ngoại giao, kinh tế và vật chất” của đảo quốc tự trị này.

Dân biểu Bera nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Hy vọng rằng chúng tôi có thể thông qua điều gì đó với sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Hạ viện. Theo tôi, đây chính là vấn đề chúng tôi có thể thể hiện sự đồng tâm nhất trí.”

Ông Bera cho biết, ông hy vọng phần lớn Đạo luật Đài Loan này cuối cùng sẽ được bổ sung vào “Đạo luật Eagle”, một Dự luật sâu rộng để đối phó với Trung Quốc mà Dân biểu Greg Meeksm, chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã đưa ra vào tháng trước.

Hôm 8/6, Thượng viện Hoa Kỳ với sự ủng hộ mạnh mẽ đa số 68-32 của lưỡng đảng đã thông qua “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ” (USICA), một Dự luật trị giá khoảng 250 tỷ đô la nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nước này với Trung Quốc, bao gồm hỗ trợ quy mô lớn cho ngành chất bán dẫn và thiết bị viễn thông.

Các nhà lãnh đạo Hạ viện Mỹ hiện không có kế hoạch bỏ phiếu cho Dự luật của Thượng viện. Thay vào đó, các ủy ban của Hạ viện đang soạn thảo dự luật của riêng họ. Dự luật này phải được Hạ viện thông qua, sau đó kết hợp với Dự luật của Thượng viện thành một Dự luật mới. Dự luật mới phải được cả hai viện thông qua trước khi trở thành luật.

Dự luật mới về Đài Loan của Hạ viện Mỹ không ủng hộ việc thay đổi lập trường “mơ hồ về chiến lược” lâu nay của Hoa Kỳ, bất chấp lời kêu gọi của một số thành viên hiếu chiến nhất của Quốc hội Mỹ về việc đưa ra một sự cam kết rõ ràng để bảo vệ Đài Loan trong trường đảo quốc này bị Trung Quốc tấn công.

Chính quyền Biden phản đối sự thay đổi lập trường như vậy.

Hoa Kỳ là hậu thuẫn quốc tế mạnh mẽ nhất của Đài Loan và cũng là quốc gia cung cấp vũ khí chủ yếu cho đảo quốc này, khiến Trung Quốc rất giận dữ. Nhưng giống như hầu hết các quốc gia, Washington không có quan hệ chính thức với Đài Bắc. Bắc Kinh luôn coi đảo quốc tự trị dân chủ này là một phần lãnh thổ của mình và thường xuyên lên án quan hệ của nước ngoài với Đài Loan là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Dự luật của Hạ viện Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại Eo biển Đài Loan. Dự luật yêu cầu chính quyền Biden báo cáo trong vòng 90 ngày về một chiến lược toàn chính phủ để tăng cường khả năng răn đe đối với một cuộc xung đột xuyên Eo biển, đồng thời nhấn mạnh việc hợp tác với các đồng minh.

Ông Bera nói rằng, bất chấp những lo ngại về vấn đề Đài Loan, Hoa Kỳ không nên gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng nước này ủng hộ sự độc lập của đảo quốc tự trị.

Ông khẳng định: “Điều cuối cùng chúng tôi muốn là Trung Quốc không hiểu sai cam kết của Hoa Kỳ và Thế giới về những gì đã thực hiện rất tốt trong quá khứ, đó là chính sách một-Trung Quốc.”

Mặc dù chính quyền Biden phản đối sự thay đổi lập trường của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan, nhưng Washington vẫn cam kết tăng cường mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, vốn đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của Bắc Kinh. 

Dự luật của Hạ viện còn yêu cầu các cơ quan của Mỹ phân tích các phương thức để giúp đỡ Đài Loan về mặt kinh tế và mở rộng việc phát triển. Dự luật này cũng công nhận Đài Loan là một nhà đóng góp quan trọng cho cộng đồng toàn cầu và kêu gọi chính quyền Biden đệ trình một chiến lược để thúc đẩy “việc tham gia một cách có ý nghĩa” của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế.

Hôm thứ Hai (14/6) tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo NATO đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh khi cảnh báo rằng Trung Quốc đưa ra “những thách thức mang tính hệ thống”.

Gia Huy (Theo Channelnewsasia)

Xem thêm: