Kế hoạch của chính quyền Biden nhằm nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ lâu nay với Đài Loan đã làm dấy lên hy vọng bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, nhưng các nhà quan sát cho rằng vẫn còn phải xem Joe Biden sẵn sàng mạo hiểm với cơn thịnh nộ của Trung Quốc đến mức nào.

Embed from Getty Images

Nhà Trắng dưới thời chính quyền Biden cho đến nay đã tiếp tục duy trì các chính sách xích lại gần Đài Bắc của cựu TT Donald Trump. Trong tuần qua, Hoa Kỳ đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) với Đài Loan trong “những ngày tới”.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã đưa ra cam kết hôm thứ Năm (10/6) trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đài Loan John Deng và cũng cho biết Nhà Trắng rất muốn làm việc với Đài Loan “về các vấn đề cùng quan tâm trong các tổ chức đa phương”.

Đáp lại, ông Deng cho biết hòn đảo hoàn toàn cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại với Mỹ và thúc đẩy toàn cầu hóa.

Ông nói: “Là một đối tác đáng tin cậy và có thể tin cậy, chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, Đài Loan mong muốn hợp tác liên tục với Mỹ và các nền kinh tế khác.”

Đài Loan, quốc gia bắt đầu các cuộc đàm phán TIFA với Mỹ vào năm 1994, từ lâu đã hy vọng sử dụng nền tảng này để đàm phán một thỏa thuận thương mại Mỹ – Đài Loan.

Các cuộc đàm phán trước đó bị đình trệ dưới thời chính quyền Trump do đại diện thương mại Robert Lighthizer khi đó cho rằng việc Đài Loan chặn hàng xuất khẩu của Mỹ là không công bằng.

Cam kết của bà Tai được các chính trị gia Đài Loan coi là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với hòn đảo và có thể là một điều gì đó dẫn đến bình thường hóa quan hệ – một động thái mà nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã kêu gọi trong những năm gần đây.

Nhưng một diễn biến như vậy chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh, nước tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, tức giận. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Hoa Kỳ không tiếp xúc chính thức với hòn đảo, và mỗi khi các cuộc trao đổi như vậy xảy ra, nước này thường tổ chức các cuộc tập trận hoặc cử máy bay để đe dọa và kiểm tra phản ứng của Đài Loan.

Washington đã chính thức công nhận ngoại giao đối với Bắc Kinh thay cho Đài Bắc vào năm 1979, cũng như công nhận chính sách “một Trung Quốc”. Tuy vậy, Mỹ vẫn duy trì các quan hệ không chính thức thường xuyên với hòn đảo.

Ker Chien-ming, một nhà lập pháp của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền (DPP), cho biết quan hệ Mỹ – Đài Loan đang tiến triển ổn định dưới thời Trump và Biden.

“Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã thông qua một số dự luật có lợi cho Đài Loan và việc cử ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến Đài Loan vào tuần trước để thông báo về việc Hoa Kỳ tài trợ 750.000 liều vắc-xin cho chúng tôi đều là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan trở nên sâu sắc hơn,” Ker nói.

Tuy vậy, Li Da-jung, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cho biết việc tiếp tục chính sách làm sâu sắc hơn quan hệ với hòn đảo là vì lợi ích chiến lược của chính phủ Biden.

“Vẫn còn phải xem liệu ông ấy [Biden] có chọn bình thường hóa quan hệ Mỹ – Đài hay không vì nó sẽ chọc tức Bắc Kinh một cách nghiêm trọng”, ông Li nói.

Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, cho biết các quan chức cấp cao về an ninh quốc gia của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều nhận thấy rõ rằng một Đài Loan vững mạnh là điều cần thiết để duy trì hiện trạng trên eo biển Đài Loan và duy trì lợi ích của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông nói: “Vì vậy, tất cả đều tin rằng Washington nên kiên quyết giữ vững chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ và sẽ không mang tới ảo tưởng để Đài Bắc có thể nhầm lẫn thiện chí và sự ủng hộ của Mỹ như một bước tiến trong chủ nghĩa chính trị”.

Huang cho biết việc sử dụng máy bay quân sự của các Thượng nghị sĩ phải được Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc chấp thuận, nhưng nói rằng nó được cân bằng bởi các yếu tố khác như thời gian ngắn ngủi họ dừng ở trên đảo.

“Rõ ràng đó là một động thái có tính toán. Các Thượng nghị sĩ nhưng không phải quan chức cấp cao, các cuộc họp ngắn tại sân bay chứ không có cuộc gặp tại văn phòng, và thông báo hiến tặng vắc-xin đều được giữ cân bằng với thực tế rằng một máy bay của Không quân Mỹ đã hạ cánh xuống Đài Bắc,” ông nói.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: