Ngày 17/8, các đội cứu hỏa Canada đã chiến đấu để ngăn chặn cháy rừng lan đến thành phố Yellowknife ở phía bắc, nơi có tổng cộng 20.000 cư dân đang rời đi bằng ô tô và máy bay sau khi lệnh sơ tán được ban bố.

Embed from Getty Images

(Cháy rừng ở Canada/Ảnh minh họa: Getty Images)

Các quan chức cho biết ngọn lửa đang di chuyển chậm, hiện cách thành phố 15 km về phía tây bắc và có thể lan đến vùng ngoại ô vào thứ Bảy (ngày 19/8) nếu không có mưa.

Dịch vụ cứu hỏa tại khu vực đăng trên Facebook rằng những ngày khó khăn đang ở phía trước khi hướng gió vào hai ngày 18-19/8 sẽ đẩy ngọn lửa về phía Yellowknife.

Tại tỉnh British Columbia ở Thái Bình Dương, nơi đã hứng chịu những đám cháy dữ dội bất thường trong năm nay, các quan chức cảnh báo người dân cần chuẩn bị cho những tình huống hỏa hoạn khắc nghiệt.

Giám đốc dịch vụ phòng cháy Cliff Chapman nói với các phóng viên: “Hiện tượng thời tiết này có khả năng sẽ trở thành thách thức về hỏa hoạn lớn nhất trong vòng 24 đến 48 giờ của mùa hè [năm nay].”

Tại Yellowknife, hàng trăm người đã xếp hàng bên ngoài một trường trung học địa phương để chờ được đưa đến sân bay trong kế hoạch sơ tán tới tỉnh Alberta lân cận vào ngày 17/8.

Thủ tướng Justin Trudeau đã triệu tập một cuộc họp với Nhóm Ứng phó Sự cố để thảo luận về các vụ cháy vào ngày 17/8. Nhóm này bao gồm các quan chức cũng như bộ trưởng cấp cao, và họ sẽ cùng họp lại trong những trường hợp khủng hoảng.

Bộ trưởng Quốc phòng Bill Blair phát biểu với Tập đoàn Phát thanh Canada (CBC) sau buổi họp rằng Chính phủ liên bang đang theo dõi chặt chẽ các cuộc sơ tán và sẵn sàng nhanh chóng đưa cư dân di chuyển bằng máy bay nếu các tuyến đường bộ bị cắt.

Đây là mùa cháy rừng tồi tệ nhất ở Canada với hơn 1.000 đám cháy đang bùng phát trên khắp đất nước, trong đó có 265 đám cháy ở khu vực Tây Bắc.

Theo các quan chức, hạn hán là một yếu tố góp phần vào số lượng và cường độ của các vụ cháy năm nay, khi phần lớn Canada đã chứng kiến tình trạng khô hạn bất thường.

Ông Shane Thompson, Bộ trưởng Môi trường Lãnh thổ, cho biết lệnh sơ tán đã được ban hành vào cuối ngày 16/8 để mọi người có thời gian ra ngoài trước khi thời tiết trở nên xấu.

Ông nói với CBC: “Điều khẩn cấp là, ngọn lửa thay đổi một cách khủng khiếp… các điều kiện hiện đang thuận lợi cho chúng ta, nhưng điều đó sẽ thay đổi vào thứ Bảy (ngày 19/8).”

Theo ông Thompson, tổng cộng có khoảng 65% dân số của các vùng lãnh thổ, hay 46.000 người, sẽ được sơ tán.

Khu vực Tây Bắc có cơ sở hạ tầng hạn chế và chỉ có một con đường hai làn chạy từ Yellowknife đến tỉnh Alberta ở phía nam.

Tỉnh Alberta đã thành lập 3 trung tâm tiếp nhận sơ tán chính thức cho những người rời đi bằng đường bộ. Tuy nhiên trung tâm gần nhất vẫn cách Yellowknife hơn 1.100 km.

Hạn chót để người dân rời khỏi Yellowknife là trưa thứ Sáu (ngày 18/8).

Thị trưởng Yellowknife Rebecca Alty cho hay các đội đặc nhiệm đang chặt bỏ cây cối gần thành phố để ngăn ngọn lửa lan rộng. Họ cũng lên kế hoạch sử dụng chất chống cháy và đảm bảo hệ thống phun nước hoạt động.

Hai hãng hàng không lớn nhất của Canada cho biết họ đang bổ sung các chuyến bay từ Yellowknife và sẽ giới hạn giá vé, sau khi mạng xã hội phẫn nộ về các mức giá tăng vọt.

Một số người di tản sẽ được đưa đến thành phố Calgary, tỉnh Alberta. Ông Iain Bushell, Trưởng Bộ phận quản lý tình trạng khẩn cấp của Calgary, tuyên bố thành phố có thể sắp xếp chỗ ở và cung cấp thức ăn cho 5.000 người.

“Miễn là họ cần, chúng tôi sẵn sàng cung cấp chỗ ở và giúp đỡ họ”, ông Bushell phát biểu trong một cuộc họp ngắn trên truyền hình.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, dịch vụ cứu hỏa khu vực Tây Bắc thông tin rằng một đám cháy đe dọa Hay River, cộng đồng có khoảng 3.000 người, đã bị dập tắt trong đêm.

Cho đến nay, khoảng 134.000 km2 đất ở Canada đã bị cháy, gấp hơn 6 lần mức trung bình trong vòng 10 năm. Gần 200.000 người đã buộc phải sơ tán tại một số thời điểm trong mùa này.

Ông Mike Westwick, nhân viên thông tin hỏa hoạn tại các vùng lãnh thổ, nói với CBC rằng: “Các khu vực này chưa bao giờ chứng kiến bất cứ điều gì như thế về cháy rừng… đó là một tình huống không thể tưởng tượng được đối với rất nhiều người.”

Các đám cháy cũng đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công nghiệp và năng lượng. Nhà sản xuất kim cương De Beers cho hay khu mỏ Gahcho Kue của họ, cách Yellowknife khoảng 280 km về phía đông bắc, vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù một số nhân viên đến từ các cộng đồng xung quanh đã được sơ tán.

Vào tháng 5/2016, một trận hỏa hoạn lớn đã phá hủy 10% các công trình ở thành phố sản xuất năng lượng Fort McMurray, phía bắc Alberta, buộc 90.000 cư dân phải sơ tán và cắt sản lượng dầu hơn một triệu thùng mỗi ngày.

Vào tháng 6/2021, 90% công trình kiến trúc ở làng Lytton thuộc British Columbia bị thiêu rụi, một ngày sau khi nơi này ghi nhận nhiệt độ nóng nhất chưa từng có ở Canada.

Kể từ năm 2009, Canada đã chi tiêu nhiều tiền cho việc chữa cháy và dập tắt các đám cháy rừng hơn cả việc duy trì nhân viên và chương trình chữa cháy của mình.