Loại chip cực mạnh của Nvidia là yếu tố quan trọng của cuộc chiến trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ – Trung Quốc, vì loại chip cao cấp này có vai trò lớn thúc đẩy phát triển AI. Mỹ lo lắng nếu để các thể chế thù địch như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sở hữu chip như vậy sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí của các nước phi dân chủ, gây nguy hại cho thế giới.

shutterstock 1476322466
Bảng hiệu tòa nhà văn phòng Tập đoàn Nvidia ở Thung lũng Silicon (Ảnh: Sundry Photography / Shutterstock)

Trong bối cảnh AI bùng nổ, gần đây Nvidia đã gia nhập câu lạc bộ công ty nghìn tỷ USD, việc ĐCSTQ đang thúc đẩy phát triển AI nhờ vào chip của Nvidia khiến nhà chức trách Mỹ lo ngại.

Eileen Donahoe, cựu đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và hiện là giám đốc điều hành của Hội đồng Nhân quyền Mỹ, nói với NBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Nếu phe (quốc gia) dân chủ không đi trước về công nghệ, để phe chế độ độc tài vượt lên, vấn đề dân chủ và nhân quyền trên thế giới sẽ bị vào tình thế nguy hiểm”.

Trong tình hình các giám đốc điều hành công ty AI của Mỹ đã cảnh báo chính phủ Mỹ rằng ĐCSTQ hiện không quá tụt hậu về việc phát triển các công nghệ mang tính cách mạng thời đại, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận thấy tính cấp bách của việc thực hiện các bước để đảm bảo Mỹ luôn đi trước.

Hạn chế xuất khẩu chip Nvidia A800 sang Trung Quốc

Vào thứ Tư (28/6) một số phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin cho hay, Chính phủ Mỹ đang xem xét thắt chặt hơn nữa kiểm soát xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc (tiêu biểu như chip Nvidia Đài Loan), để ngăn ĐCSTQ có được chip AI cao cấp.

Tạp chí Phố Wall (WSJ) lần đầu tiên đưa tin vào thứ thứ Tư (28/6) rằng ở mức nhất định thì hạn chế mới nhất có thể là báo hiệu cho các công ty Mỹ ngừng trò chơi mèo vờn chuột nhằm né tránh các hạn chế xuất khẩu của chính phủ.

Các quy định hiện hành xung quanh chip AI liên quan đến hai hạn chế: một hạn chế tập trung vào tốc độ mà các chip có thể giao tiếp với nhau, điều này rất quan trọng vì các hệ thống AI như ChatGPT cần liên kết hàng ngàn chip với nhau; hạn chế kia tập trung vào sức mạnh tính toán của chip.

Một quy tắc do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 10 năm ngoái hạn chế Trung Quốc có được loại chip có khả năng cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để tạo ra công nghệ AI như ChatGPT. Ví dụ chip đồ họa của Nvidia là công nghệ mà ChatGPT của OpenAI và chatbot Bard của Alphabet dùng, do đó Chính phủ Mỹ phải kiểm soán cho Trung Quốc sở hữu thêm chip có khả năng tính toán cực mạnh như A100 và H100 của Nvidia.

Để ứng phó hạn chế của chính phủ đối với việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc, Nvidia sau đó đã tung ra chip AI kém mạnh mẽ hơn là A800 như một giải pháp.

Chip A800 có sức mạnh tính toán tương đương với chip A100, được sử dụng rộng rãi trong điện toán AI, nhưng có băng thông giao tiếp thấp hơn. Reuters đưa tin vào tháng trước rằng các công ty lớn của Trung Quốc như Tencent đã lên kế hoạch sử dụng chip tuân thủ xuất khẩu của Nvidia để giảm được hơn một nửa thời gian đào tạo các hệ thống AI lớn.

H800 của Nvidia được phát triển cho thị trường Trung Quốc, có thể truyền dữ liệu giữa các chip với tốc độ chỉ bằng 50% của H100, Reuters đưa tin. Sê-ri 800 được cho là đã được áp dụng vào các bộ phận đám mây của Alibaba, Baidu và Tencent.

Sau biện pháp mới được cho là có thể ảnh hưởng đến doanh thu, cổ phiếu của Nvidia đã giảm 4,3%. Nvidia cho biết vào tháng 8 năm ngoái rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu đó của Mỹ có thể làm giảm 400 triệu USD doanh thu công ty trong tháng 10. Nhưng công ty cho biết trong cuộc họp trực tuyến về tài chính tháng 11 rằng bằng cách bán sản phẩm thay thế cho Trung Quốc giúp công ty bù đắp được phần lớn ảnh hưởng đó.

Nhưng ngân hàng đầu tư toàn cầu Jefferies có trụ sở tại New York cho biết, do tính phổ biến của chip A800 trong các công ty Trung Quốc nên hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn của Mỹ có thể gây tổn hại cho Nvidia.

Theo Reuters, Giám đốc tài chính Colette Kress của Nvidia đã phát biểu tại một hội nghị nhà đầu tư vào thứ Tư, “Về lâu dài, một khi biện pháp hạn chế bán GPU trung tâm dữ liệu của chúng tôi (chip xử lý đồ họa) cho Trung Quốc được thực thi, sẽ dẫn đến việc ngành công nghiệp Mỹ mất đi vĩnh viễn cơ hội dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới [Trung Quốc], đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tài chính trong tương lai của chúng tôi”.

Cũng có thể hạn chế đối với dịch vụ đám mây

Quy tắc mới sắp tới của Mỹ cũng có thể hạn chế việc cung cấp đối với dịch vụ đám mây, vì một số công ty AI của Trung Quốc có thể thuê chip cao cấp thông qua các dịch vụ đó để lách luật kiểm soát xuất khẩu.

Trong bối cảnh phương Tây cảnh giác với các dịch vụ của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc khi mở rộng ra toàn cầu thường chọn các nhà cung cấp đám mây của Mỹ thay vì các nhà cung cấp đám mây trong nước như Alibaba hoặc Tencent. Việc hạn chế quyền truy cập vào các dịch vụ đám mây của Mỹ có thể làm phức tạp thêm các kế hoạch mở rộng phát triển của công ty Trung Quốc, vì ĐCSTQ quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước.

Doanh nghiệp Trung Quốc khó theo kịp Google và Microsoft

Biện pháp hạn chế của Mỹ trong bán chip có khả năng AI cho Trung Quốc (như chip dùng cho OpenAI) cũng sẽ khiến các công ty Trung Quốc khó theo kịp tốc độ phát triển trong lĩnh vực này của các công ty Mỹ như Google và Microsoft. Mặc dù các công ty Trung Quốc có thể dự trữ được một số chip cao cấp hoặc tìm kiếm cách để tăng tốc những loại chip chậm hơn, nhưng những hạn chế tăng cường của Mỹ đối với chip tốc độ cao sẽ khiến các công ty Trung Quốc bị kiềm hãm phát triển trong cuộc đua AI.

Tờ WSJ dẫn nguồn tin tiết lộ rằng hành động sắp tới của Chính phủ Mỹ sẽ là một phần của quy tắc cuối cùng nhằm mở rộng biện pháp kiểm soát xuất khẩu được công bố vào tháng 10 năm ngoái. Trong đó, loại chip bị hạn chế xuất khẩu bao gồm chip logic sử dụng bóng bán dẫn không phẳng được sản xuất bằng công nghệ 16 nanomet hoặc tiên tiến hơn. Tóm lại đơn vị nanomet càng nhỏ thì khả năng của chip càng mạnh.

Nhiều nước khác đang tham gia cùng Mỹ cấm một số công nghệ chip nhất định đưa vào Trung Quốc. Theo một thông tin trước đây của Bloomberg, Chính phủ Hà Lan có kế hoạch ngay trong tuần này ban hành biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, theo đó hạn chế việc xuất sang Trung Quốc 3 loại máy in thạch bản (lithography) từ ASML Holding NV – ‘gã khổng lồ’ về máy in thạch bản. Từ tháng 7 này, Nhật Bản sẽ cùng với Mỹ và Hà Lan hạn chế xuất khẩu 23 loại chip sang các nước bao gồm cả Trung Quốc.