Theo bằng chứng mới nhất cho thấy, trước khi báy bay MH370 của Malaysia Airlines rơi xuống Ấn Độ Dương, cơ trưởng chuyến bay có thể đã cho máy bay hạ cánh, cho thấy tai nạn có khả năng là do cố ý, nghi vấn cơ trưởng bị trầm cảm.

shutterstock 182048990
SÂN BAY QUỐC TẾ KUALA LUMPUR – 17/3: Cô gái Hồi giáo giấu tên viết thông điệp và lời cầu nguyện cho chiếc Boeing 777-200ER MH370 của Malaysia Airlines vào ngày 17/3/2014 tại KLIA, Sepang, Malaysia. (Nguồn: ahmad.faizal/ Shutterstock)

Ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã biến mất bí ẩn chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, trên máy bay có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, trong đó có 154 hành khách Trung Quốc.

Trong quá trình bay, máy bay MH370 đột ngột quay đầu ngược với đường bay dự kiến, ​​rồi bay trở lại bán đảo Malaysia và eo biển Malacca, sau đó biến mất. Nhà chức trách Malaysia tuyên bố MH370 tiếp tục bay sau khi mất liên lạc và thời gian bay kéo dài hơn 6 giờ, hệ thống liên lạc của máy bay cũng bị ai đó ngắt như là “hành động cố ý”. Sau nhiều nỗ lực không có kết quả, công tác tìm kiếm đã bị dừng lại vào tháng 1/2017.

Tháng trước, một ngư dân của Madagascar đã phát hiện mảnh vỡ của càng hạ cánh máy bay MH370, cho thấy cơ trưởng đã hạ bộ càng trước khi máy bay lao xuống biển, điều này củng cố giả thuyết cho rằng máy bay có thể đã bị rơi một cách cố ý.

Mảnh vỡ này là một phần của chiếc Boeing 777, còn được gọi là cửa trunnion, đã trở thành bằng chứng vật lý đầu tiên cho thấy cơ trưởng có thể đã cố tình cho rơi máy bay.

Tờ Daily Telegraph ngày 12/12 đưa tin, chuyên gia hàng không Blaine Gibson của Mỹ và Richard Godfrey của Anh mới cho biết trong một báo cáo: “Việc hạ càng hạ cánh cho thấy vấn đề hành động chủ ý của phi công, cũng nhằm để máy bay chìm nhanh nhất có thể sau khi va chạm”.

Phân tích của họ chỉ ra rằng rất có thể chiếc MH370 lao xuống nhanh là chủ ý từ phi công, vì bộ phận hạ cánh đã được hạ xuống khi máy bay lao xuống nam Ấn Độ Dương. “Vụ va chạm ở tốc độ cao và thiết bị hạ cánh mở rộng ra cho thấy rõ ràng là có ý nhằm che giấu bằng chứng về vụ tai nạn”, theo báo cáo.

Họ cho biết khi MH370 hạ cánh thì cánh tà (thiết bị gắn trên cánh thường được dùng nhất để cất cánh và hạ cánh chậm) không mở ra như vẫn thấy trong trường hợp hạ cánh xuống mặt nước. Ví dụ vào năm 2009, Cơ trưởng Sullenberger nhẹ nhàng hạ cánh chuyến bay 1549 của US Airways trên sông Hudson ở New York sau khi cả hai động cơ đều hỏng, nhờ đó tất cả hành khách đều an toàn, Sullenberger được người Mỹ gọi là anh hùng.

Các phân tích cho rằng vụ rơi máy bay MH370 hoàn toàn không phải “hạ cánh mềm trên đại dương”.

Bạn của phi công Zaharie Ahmad Shah điều khiển máy bay MH370 cho biết Shah “cô đơn” và “buồn”. Chuyên gia hàng không William Langewiesche đã viết trên tờ The Atlantic rằng “các nhà điều tra trong cộng đồng hàng không và tình báo nghi ngờ rằng anh ta bị trầm cảm”.

Chuyên gia hàng không Richard Godfrey của Anh cho biết trong một báo cáo trước đó rằng các chuyển động và thay đổi tốc độ của máy bay dường như cho thấy nó đang cố gắng tránh để lại manh mối.

Sau khi nghiên cứu dữ liệu chuyến bay cách đây 3 năm, các nhà điều tra Pháp xác nhận rằng chiếc máy bay đã “rẽ bất thường”, vì chỉ có con người mới có thể điều khiển hệ thống lái nên đường rẽ bất thường này chỉ có thể hoàn thành bằng tay, do vậy là có người chủ động điều khiển.

Cho đến nay đã phát hiện khoảng 36 mảnh vỡ trôi nổi liên quan đến MH370 được gửi cho nhà chức trách Malaysia để điều tra.