Phát biểu với Fox News Digital, các chuyên gia cho rằng chính sách cố gắng tỏ ra thân thiện với Trung Quốc của chính quyền Biden đã mang lại rất ít lợi ích vật chất và Hoa Kỳ đã không tận dụng được những nhượng bộ nhỏ mà Washington nhận được từ Bắc Kinh.

Ông Gordon Change, giảng viên chính của Viện Gatestone và là chuyên gia về Trung Quốc, giải thích: “Điều duy nhất mà chúng ta nhận được là thời gian. Hoa Kỳ chưa sẵn sàng để bảo vệ chính mình cũng như các đồng minh và đối tác của mình, và bằng cách nhượng bộ Trung Quốc, chúng ta đã kéo dài thêm một chút thời gian.

Tổng thống Biden đã kéo dài thời gian, còn Lầu Năm Góc không làm gì cả. Họ chưa làm được nhiều việc mà họ cần phải làm, do đó chúng ta đã lãng phí thời gian … Ngoài điều đó ra, tôi không nghĩ chúng ta đã đạt được nhiều điều.

Rõ ràng, Hoa Kỳ không còn răn đe được Trung Quốc như chúng ta đã từng làm, vì vậy đây là lúc phải thay đổi một chính sách đã từng có hiệu quả nhưng không còn đủ hiệu quả trong bối cảnh ngày nay.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên vào năm 2022 khi cả hai tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Năm ngoái, ông Tập đã đến thăm Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2018  và gặp Tổng thống Biden tại thành phố San Francisco, tiểu bang California bên lề hội nghị Hợp tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Theo Hãng tin AP, ông Tập và Tổng thống Biden đã đồng ý nối lại thông tin liên lạc giữa quân đội hai nước, đồng thời tích cực giải quyết vấn đề sản xuất và phân phối fentanyl, vốn phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc và Mexico. Fentanyl là một loại thuốc giảm đau gây nghiện mạnh hơn heroin 30 đến 50 lần. Gần như tất cả “hóa chất tiền chất” cần thiết để sản xuất fentanyl đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ về tiến trình làm việc của chính quyền Mỹ với Trung Quốc.

Ông Sullivan lưu ý: “Hoa Kỳ đang cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều phương diện và chúng tôi không giấu giếm điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu hay xung đột. Và chúng tôi đang tìm cách quản lý cuộc cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm, tăng cường ngoại giao để giảm nguy cơ tính toán sai lầm.”

Ông Sullivan cũng nhấn mạnh đến cuộc gặp mặt gần đây giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung và việc nối lại liên lạc giữa quân đội hai nước. Ông nhận định rằng động thái này “không chỉ tốt cho mối quan hệ của chúng tôi mà còn tốt cho sự ổn định trong khu vực và toàn cầu. Điều này sẽ giảm nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, các nhà chỉ trích như ông Chang đã chỉ trích gay gắt chính quyền Biden vì không hành động hiệu quả để ứng phó trước nhiều ca tử vong do Covid-19 và fentanyl, cả hai nguyên nhân đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Hơn 1,1 triệu người Mỹ đã chết do đại dịch Covid-19, theo số liệu được công bố vào tháng 4/2023 và hơn 73.000 người Mỹ chết do sử dụng quá liều fentanyl vào năm 2022.

Ông Chang than phiền: “Đối với tôi, thật không thể hiểu nổi khi chúng ta cho phép điều này xảy ra, nhưng chúng ta đã cho phép giết người Mỹ với số lượng lớn.

Các nhà chỉ trích và các nhà phân tích cũng đã mong đợi Tổng thống Biden hành động mạnh mẽ hơn sau một năm đầy biến động trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Hoa Kỳ đã phát hiện các vật thể bay do thám của Trung Quốc xâm nhập không phận thuộc chủ quyền của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường sự xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Đối lại, chính quyền Biden đã dành thời gian tăng cường các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực và tăng cường quan hệ với các đối tác như Úc, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuần này, Nhật Bản đã đồng ý mua 400 tên lửa Tomahawk tầm xa do Mỹ sản xuất, chỉ một ngày sau khi Tokyo tổ chức một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn cùng với Hoa Kỳ và Hàn Quốc nhằm phô trương sức mạnh đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ chú ý đến một động thái như vậy.

Ông Matt Mclnnis, giảng viên chính của chương trình Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh, đã nói với Fox News Digital rằng ông sẽ không nhất quyết coi cách tiếp cận tổng thể của chính quyền Biden đối với Trung Quốc là cách tiếp cận nhượng bộ, nhưng ông lập luận rằng Nhà Trắng thể hiện “quá nhiều lo ngại về việc khiêu khích Trung Quốc.

Chính quyền Biden đã tiếp tục nhiều chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc và thực sự đang thực hiện một số biện pháp mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực đối với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng nỗi sợ hãi cố hữu về việc khiêu khích [Trung Quốc] đang khiến chúng ta, đặc biệt là trong năm nay, phải có một số nhượng bộ, vốn sẽ gây bất lợi [cho Hoa Kỳ].

Ngoài sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xâm nhập Hoa Kỳ và việc thiếu phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Washington đã không thuyết phục được Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên khi quốc gia cộng sản bị quốc tế cô lập này tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự ngày càng lớn. Nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un của Triều Tiên đang tìm cách thiết lập đất nước mình như một cường quốc hợp pháp trên thế giới.

Nhà bình luận chính trị Chang nhận định rằng cách tiếp xúc mềm mỏng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã khiến hệ thống quốc tế bị phá vỡ khi “những tác nhân xấu giờ đây cảm thấy rằng họ có thể làm những gì họ muốn.” Ông đã trích dẫn sự leo thang căng thẳng trong tuần qua giữa Iran và Pakistan như một ví dụ.

Ông Chang đã chỉ trích chính sách “mơ hồ về chiến lược” của chính quyền Biden, vốn đã được phát ngôn viên Nhà Trắng trích dẫn trong nhiều phản hồi liên quan đến các tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc.

Sự mơ hồ về chiến lược” khiến Mỹ không có chính sách rõ ràng về vấn đề Đài Loan. Mặc dù Hoa Kỳ công nhận Chính sách Một Trung Quốc và có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, nhưng Washington vẫn có quan hệ không chính thức với Đài Bắc và Lầu Năm Góc tiếp tục trang bị vũ khí cho Đài Loan cũng như chuẩn bị cho một cuộc xâm lược của Trung Quốc có thể xảy ra.

Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều cung cấp sự hỗ trợ từ cửa sau cho Nga. Triều Tiên cung cấp các loại vũ khí đạn dược cơ bản thông dụng cho Nga để đổi lấy những vũ khí tiên tiến hơn từ Moscow 

Trung Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ đối với Nga sau cuộc nổi dậy thất bại của nhóm lính đánh thuê Wagner chống lại Bộ Quốc phòng Nga vì những bất đồng liên quan đến tiến trình chiến tranh ở Ukraine.

Trung Quốc còn tăng cường quan hệ và khuyến khích Iran, quốc gia đang bị phương Tây cấm vận. Tehran tiếp tục tăng cường các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Trung Đông và tài trợ cho các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở và tài sản quân sự của Mỹ và các đồng minh trong khu vực này.

Mặc dù lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại quốc tế ở Biển Đỏ, nhưng Trung Quốc lại tìm cách đưa Iran vào khối kinh tế BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Ông Mclnnis kết luận: “Chúng ta càng hạn chế bản thân mình, thì điều đó sẽ đặt ra những chuẩn mực mới mà Trung Quốc có thể khai thác và gây áp lực lên chúng ta. Cuối cùng, chúng ta sẽ tự ngăn cản chính mình và không nhận được nhiều lợi ích để đổi lấy điều đó.