Học giả Dư Mậu Xuân (Miles Maochun Yu) người Mỹ gốc Hoa cho biết, từ lâu giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặc biệt ưa thích các hội nghị thượng đỉnh. Chính quyền Biden cần nhận rõ ý định thực sự của Tập Cận Bình để triệt tiêu cơ hội ông Tập lợi dụng hội nghị thượng đỉnh nhằm hóa giải khó khăn.

Du Mau Xuan
Ông Dư Mậu Xuân tại Annapolis bang Maryland Mỹ vào ngày 11/2/2021 (Tal Atzmon/Epoch Times)

Hôm thứ Tư (15/11) tại San Francisco, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden đã gặp nhau trong Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Về vấn đề này, ông Dư Mậu Xuân – cựu cố vấn về Trung Quốc hàng đầu của Chính phủ Mỹ hiện là chuyên gia cấp cao của tổ chức tư vấn Viện Hudson – đã chia sẻ trên tờ Capitol Hill: “Ông Tập Cận Bình không phải là nhà lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu tiên sử dụng các hội nghị quốc tế để mang lại tính hợp pháp cho chế độ trong nước đang gặp khó khăn của họ”.

Ông cho hay ĐCSTQ gọi các cuộc họp là “đối thoại chiến lược” với các đối thủ chính, nhưng hiếm khi sử dụng chúng để giải quyết bất kỳ vấn đề cụ thể nào: “Thông thường, ĐCSTQ sử dụng chúng như sân chơi để duy trì quyền lực trong nước, để đánh lừa các nhà lãnh đạo thế giới khác chấp nhận khuôn khổ chính sách và tường thuật của Bắc Kinh.”

Học được bài học từ lịch sử

Ông Dư Mậu Xuân lấy ví dụ ĐCSTQ thời Mao Trạch Đông cầm quyền đã phát động Cách mạng Văn hóa tàn phá Trung Quốc, khiến tính hợp pháp cai trị của ông ta bị giảm trong mắt người Trung Quốc, nhưng hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã trao cho Mao thêm quyền lực, giúp khôi phục tính hợp pháp của ông ta. Hay như sau vụ Thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, một cuộc đối thoại chiến lược tương tự đã diễn ra giữa các nhà lãnh đạo vốn bị ô danh của ĐCSTQ và tổng thống Mỹ.

Về hiện tại, ông Dư Mậu Xuân cho hay: “Giống như những người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình phải đối mặt với khủng hoảng uy tín trong nước. Các chính sách quản trị tàn khốc đối với COVID-19 và chính sách tài khóa kém cỏi của ông ta đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ”.

“Nỗi thất vọng của người dân Trung Quốc với chế độ độc tài liều lĩnh và tàn nhẫn của ông Tập Cận Bình là có thể cảm nhận được”, ông nói thêm.

Do đó thật dễ hiểu tại sao ông Tập Cận Bình lại háo hức tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo  của thế giới tự do: Để hy vọng giải tỏa bớt xu thế giận dữ ngày càng gia tăng trong nước đối với sự cai trị độc tài của ông ta. ĐCSTQ đang nỗ lực thông qua bộ máy tuyên truyền để truyền tải thông điệp này đến những người dân Trung Quốc sống như bị cầm tù, nhằm thể hiện rằng trên quốc tế thì người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ được tôn trọng và thậm chí được tôn kính.

Cho rằng có thể nhắm vào ‘chỗ hổng’ tại APEC

Chuyên gia Trung Quốc này cảnh báo, ‘trùm Đảng’ của Trung Quốc chắc chắn coi các diễn đàn quốc tế như hội nghị thượng đỉnh APEC là cơ hội tuyệt vời để thể hiện hình ảnh, cũng hy vọng qua đó sẽ đánh vào tinh thần các đồng minh chính của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông nói: “Tiếp xúc thân mật với Tổng thống Mỹ – nước duy nhất có khả năng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc – mục đích của Tập Cận Bình là hạ thấp các đồng minh của Mỹ và làm suy yếu ý chí của họ”.

Biden Tap Can Binh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco hôm 15/11. (Ảnh cắt từ video)

Ông Dư Mậu Xuân phân tích rằng thời điểm ông Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh tuần này đã được lên kế hoạch kỹ, nhằm củng cố chiến lược nhất quán của ĐCSTQ là “lấy đối đầu thúc đẩy hợp tác”. Ví dụ, việc quân đội ĐCSTQ gần đây quấy rối máy bay và tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông, hay như việc ĐCSTQ không ngừng đe dọa quân sự đối với Đài Loan, là nhằm khơi dậy lo lắng ở Washington, buộc Nhà Trắng phải đưa ra những nhượng bộ chiến lược quan trọng.

“Ông Tập Cận Bình biết rằng tổng thống Mỹ lâu nay đã tìm cách thiết lập đường dây nóng quân sự Mỹ-Trung để tránh những tính toán sai lầm chiến lược. Tiêu biểu như mùa hè năm nay, Tổng thống Biden đã thúc giục Ngoại trưởng Blinken tới Bắc Kinh để giải quyết vấn đề này”, ông Dư Mậu Xuân cho hay, “Tập Cận Bình nhận thấy đó là một điểm có thể nhắm vào”.

Đường dây nóng quân sự Mỹ-Trung đã được chứng minh vô nghĩa

Chuyên gia về Trung Quốc này cho biết danh sách các vấn đề nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc rất dài và trên nhiều phương diện, tất cả những vấn đề đã được thảo luận nhiều lần trong nhiều năm. Ông nói: “ĐCSTQ không sẵn sàng tham gia thảo luận một cách nghiêm túc chứ đừng nói đến thay đổi. Trái lại đảng này sử dụng các diễn đàn cấp cao như APEC ở San Francisco trong tuần này để nâng cao hình ảnh của họ”.

Ông Dư Mậu Xuân cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo Mỹ thường chỉ tiếp xúc với Trung Quốc ở cấp độ thương mại, tìm kiếm kết quả cụ thể và trực tiếp. Nhưng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đối phó với đối thủ của họ ở cấp độ lý thuyết và chiến lược, ít chú ý đến hành động cụ thể. Ông lưu ý: “Việc ông Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh tuần này không phải để thảo luận các vấn đề cụ thể, chỉ để thúc đẩy tầm nhìn toàn cầu của ông ta đối chiếu với chính sách của ĐCSTQ. Washington nên nhận rõ chiến thuật của Bắc Kinh”.

Ông Dư Mậu Xuân kiến nghị chính quyền Tổng thống Biden không nên cho phép ông Tập Cận Bình sử dụng hội nghị thượng đỉnh để thúc đẩy chương trình nghị sự của ĐCSTQ, thay vào đó nên tiếp cận cuộc gặp từ ý thức việc ông Tập Cận Bình lợi dụng hội nghị này, giữ niềm tin vào năng lực của Mỹ trong khả năng thay đổi chế độ độc tài tại Trung Quốc.

“Tập Cận Bình biết rằng Chính phủ (Mỹ) hiện tại đã quên rất nhiều (bài học) lịch sử: mọi đường dây nóng quân sự với Bắc Kinh trong quá khứ đều đã minh chứng là hoàn toàn vô ích”, chuyên gia về Trung Quốc nói.

Ví dụ: Trong vụ đánh bom đại sứ quán [ĐCSTQ] ở Belgrade (Serbia) năm 1999 và vụ va chạm năm 2001 giữa máy bay quân sự Mỹ và máy bay đánh chặn của ĐCSTQ, hồi đó lãnh đạo quân sự ĐCSTQ đã từ chối trả lời các cuộc gọi từ Washington. Ông Dư Mậu Xuân chia sẻ: “Ngay cả khi ông Tập Cận Bình đồng ý thiết lập đường dây nóng ở San Francisco thì những lúc nổ ra khủng hoảng cũng không có khả năng các tướng lĩnh của ông Tập sẽ tiếp nhận liên lạc từ Mỹ”.