Sau cuộc nói chuyện “thẳng thắn” giữa hai nguyên thủ quốc gia, Mỹ và Trung Quốc đã đồng nối lại kênh trao đổi ngoại giao quân sự và kiểm soát fentanyl hay chính sách về AI.

Biden Tap Can Binh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco hôm 15/11. (Ảnh cắt từ video)

Theo Reuters báo cáo, lần gặp mặt đầu tiên trong năm nay của nguyên thủ hai cường quốc mạnh nhất —Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình— đã có kết quả sau cuộc nói chuyện “thẳng thắn” hôm Thứ Tư 15/11, theo miêu tả của ông Biden. Trong đó 2 điểm chính là nối lại liên lạc quân đội và kiểm soát sản xuất fentanyl. Ngoài ra, chính sách về trí tuệ nhân tạo AI cũng được đề cập đến.

Trung Quốc đã cắt đứt các liên lạc ngoại giao quân đội với Mỹ kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ bấy giờ là bà Nancy Pelosi tới thăm chính thức Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.

“Chúng tôi đã nối lại kênh trao đổi trực tiếp, cởi mở, và rõ ràng,” ông Biden nói, và lưu ý rằng mọi hiểu lầm hoặc tính toán sai lệch có thể dẫn đến các rắc rối thực sự đối với bất kỳ cường quốc nào có lực lượng quân sự mạnh mẽ. “Những tính toán sai lầm nghiêm trọng của cả hai bên có thể gây ra rắc rối thực sự, thực sự với một quốc gia như Trung Quốc hoặc bất kỳ nước lớn nào khác”.

Ngoài gia, hai bên cũng đồng ý trao đổi trực tiếp hơn và thường xuyên hơn. “Tôi và ông ấy đồng ý rằng người này sẽ nhận điện thoại trực tiếp ngay từ người kia để chúng tôi có thể nói chuyện lập tức,” ông Biden nói.

Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình đã gặp nhau khoảng 4 giờ ở ngoại ô San Francisco, đề cập đến các vấn đề khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng và đồng ý cam kết liên lạc chặt chẽ hơn.

“Một trong những trao đổi mang tính xây dựng nhất và hiệu quả nhất,” ông Biden bình luận, và thừa nhận vẫn còn tồn tại một số bất đồng ý kiến giữa hai bên.

Ông Biden nói với báo chí rằng ông vẫn bảo lưu quan điểm rằng ông Tập Cận Bình là “tên độc tài” và chế độ cộng sản Trung Quốc là không ưu việt bằng chế độ dân chủ của Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc rất không hài lòng.

“Ồ, coi xem, ông ta là vậy mà. Ý tôi là, một nhà độc tài, theo nghĩa là ông ta điều hành một quốc gia cộng sản,” ông Biden nói.

Phía truyền thông Trung Quốc bình luận rằng đây là “cuộc nói chuyện trên nền tảng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.”

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình có nói trong cuộc gặp mặt với ông Joe Biden rằng “Trung Quốc không có kế hoạch vượt mặt hoặc thay thế Mỹ. Tương tự, Mỹ cũng không nên có kế hoạch chèn ép hoặc kiềm chế Trung Quốc.”

Theo Reuters, một quan chức cấp cao của Mỹ nói ông Biden đã yêu cầu cả hai nước thể chế hóa các cuộc đối thoại giữa quân đội, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc khi người đó được nêu tên (hiện nay ông Lý Thượng Phúc của Trung Quốc đã bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng).

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình nhất trí rằng Trung Quốc sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến sản xuất chất ma túy fentanyl, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Hoa Kỳ. “Nó sẽ cứu được nhiều mạng sống,” Ông Biden nói và cho biết thêm ông đánh giá cao “cam kết” của ông Tập Cận Bình về vấn đề này.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ truy lùng trực tiếp các công ty hóa chất cụ thể sản xuất tiền chất fentanyl, theo một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tập hợp các chuyên gia để thảo luận về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Biden cho rằng sự thành công của cuộc gặp mặt lần này nhờ “chỉ là nói chuyện, chỉ là thẳng thắn (blunt) với nhau để không có hiểu lầm” (blunt — nói thẳng tưng ra không trạng thái không cần nể nang đối phương).

Vấn đề quân sự và vấn đề Đài Loan

Quân đội Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc chạm trán suýt trở thành va chạm gay gắt trong năm qua. Giới truyền thông đã chứng kiến các sự vụ liên quan tới Đài Loan, và vụ khinh khí cầu được cho là dùng với mục đích gián điệp.

Nội chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc kết thúc năm 1949 với phe Đảng Cộng sản thắng lợi, và chiếm lĩnh Trung Quốc lục địa, trở thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (được quen gọi là Trung Quốc). Phe Quốc dân Đảng tháo chạy sang Đài Loan với cái tên nguyên gốc Trung Hoa Dân Quốc (được quen gọi là Đài Loan).

Giai đoạn đầu Mỹ hậu thuẫn Đài Loan chống lại chính quyền cộng sản. Mỹ đã đặt cả các đầu đạn hạt nhân ở Đài Loan, biến Đài Loan trở thành một mắt xích trong hệ thống chống cộng toàn cầu của Mỹ và đồng minh. Nhưng sau đó, Mỹ thay đổi quan điểm, bắt tay với Trung Quốc khi Trung Quốc quay lại chống Liên Xô.

Mỹ đã đồng ý với Trung Quốc quan điểm “một Trung Quốc” theo nghĩa Mỹ không thừa nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập, trong đó bao gồm việc Mỹ không chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tuy nhiên Mỹ bảo lưu khả năng rằng Mỹ có thể can thiệp bằng quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, nhưng không thực sự tiến hành sáp nhập hòn đảo vào thể chế cộng sản ở Trung Quốc Đại Lục, và Bắc Kinh chưa từng bao giờ kiểm soát hòn đảo này.

Đài Loan về mặt thực tế vẫn luôn luôn là một quốc gia độc lập, theo thể chế dân chủ. Tuy không có quan hệ chính thức về ngoại giao, nhưng nhiều năm qua thế giới nói chung vẫn giao tiếp với Đài Loan như một quốc gia độc lập.

Giai đoạn chính sách “mập mờ” của Mỹ này kéo dài một cách bình ổn cho đến khi Trung Quốc quật khởi và trở thành thế lực đối đầu với Mỹ. Những năm qua, Trung Quốc ngày càng mở rộng uy hiếp của mình trong khu vực. Mỹ đã tiến hành các biện pháp kiểm soát và cấm vận kinh tế, kể từ thời ông Donald Trump làm tổng thống. Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi năm ngoái tới Đài Loan được Trung Quốc hiểu là dấu hiệu leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương.

Rất nhanh, Đài Loan sẽ có bầu cử tổng thống vào tháng 1 sang năm. Trong các ứng viên, người của phe Đảng Dân Tiến nhiều khả năng sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Trung Quốc, còn người của Quốc dân Đảng đối lập có thể sẽ theo đuổi đường lối hòa hảo hơn với Đại Lục.

Về cuộc họp hôm Thứ Tư giữa hai nguyên thủ quốc gia, một quan chức Mỹ mô tả cuộc trao đổi về Đài Loan, theo Reuters báo cáo.

Theo quan chức Mỹ kể, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Joe Biden rằng Trung Quốc ưu tiên lựa chọn con đường thống nhất một cách hòa bình với hòn đảo Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, nhưng ông Tập vẫn nói rằng nếu cần thì ông có thể sử dụng vũ lực.

Ông Biden nhấn mạnh hòa bình và ổn định cho Đài Loan, và lập nói hãy giữ nguyên trạng thái hiện nay ở Đài Loan, yêu cầu Trung Quốc hãy tôn trọng tiến trình bầu cử ở Đài Loan.

Ông Tập Cận Bình lập luận rằng Mỹ phải chấm dứt việc gửi vũ khí cho Đài Loan, và Mỹ phải hỗ trợ tiến trình “thống nhất” một cách hòa bình mà Trung Quốc đưa ra.

Ngoài ra, ông Biden cũng nhắc lại một thông điệp trước đây của ông, yêu cầu Trung Quốc hãy dùng ảnh hưởng của mình với Iran để thúc giục Tehran không tiến hành các cuộc tấn công ủy nhiệm vào các mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông khi cuộc xung đột Israel-Hamas tiếp diễn ở Gaza.

Biểu hiện tôn trọng song phương

Ông Biden đã đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại điền trang Filoli, một ngôi nhà và khu vườn ở nông thôn cách San Francisco khoảng 48 km về phía Nam, nơi họ sẽ di chuyển sau đó để tham dự hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Ông Tập Cận Bình đến cuộc họp để tìm kiếm sự hợp tác từ Hoa Kỳ khi nền kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi sau thời kỳ tăng trưởng chậm chạp.

Ông Biden đã tiếp đón với giọng điệu chào đón nhằm thể hiện sự tôn trọng và coi ông như một nhân vật chính trong các điểm nóng toàn cầu.

“Trái Đất đủ rộng lớn để hai nước đều thành công”, ông Tập nói với ông Biden khi họ cùng các phái đoàn ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn dài.

Ông Biden nói Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa họ “không dẫn đến xung đột” và quản lý mối quan hệ của họ một cách “có trách nhiệm”. Ông nói các vấn đề như biến đổi khí hậu, chống ma túy và AI đòi hỏi sự quan tâm chung của họ.

Sau phiên đàm phán buổi sáng và trước khi đi ăn trưa với ông Tập Cận Bình,  ông Biden nói trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter) rằng điều quan trọng là họ phải hiểu nhau “từ lãnh đạo này đến lãnh đạo khác.”

“Có những thách thức toàn cầu quan trọng đòi hỏi sự lãnh đạo chung của chúng ta. Và hôm nay, các bên chúng ta đã đạt được tiến bộ thực sự,” ông Biden cho hay.

Sau bữa trưa, các nhà lãnh đạo cùng nhau đi dạo một đoạn ngắn trong khu vườn được cắt tỉa cẩn thận của dinh thự sau cuộc trao đổi kéo dài khoảng 4 giờ. Ông Biden vẫy tay chào các phóng viên và giơ hai ngón tay cái lên khi được hỏi cuộc đàm phán đang diễn ra như thế nào.

Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết các nhà lãnh đạo “đã tổ chức một cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề song phương và toàn cầu, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực còn khác biệt.”

Ông Tập Cận Bình ôn chuyện với ông Biden rằng nhiều điều đã xảy ra kể từ cuộc gặp cuối cùng của họ cách đây một năm ở Bali, “Thế giới đã thoát ra khỏi đại dịch COVID nhưng vẫn đang chịu những tác động to lớn của nó. Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng đà tăng trưởng vẫn còn chậm chạp.”

Ông Tập Cận Bình gọi mối quan hệ Mỹ-Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, đồng thời tỏ ý rằng ông và Biden “gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với nhân dân hai nước, đối với thế giới và đối với lịch sử.”

“Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn,” ông Tập Cận Bình chia sẻ quan điểm. “Việc một bên này buộc bên kia phải theo mô hình của mình là điều phi thực tế, xung đột và đối đầu gây ra hậu quả khó lường cho cả hai bên.”

Các nhà lãnh đạo của nhóm 21 quốc gia APEC —và hàng trăm CEO ở San Francisco đi cùng đoàn tham dự— đang nhóm họp trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tương đối yếu kém, mối thù lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước láng giềng và cuộc xung đột ở Trung Đông đang chia cắt Hoa Kỳ khỏi các đồng minh.

Nhật Tân