RTđưa tin, Nhà Trắng tin rằng Trung Quốc chưa từng cấp vũ khí cho Nga để dùng trong chiến tranh Ukraine. Sự việc diễn ra ngay trước cuộc gặp mặt của nguyên thủ hai quốc gia Mỹ Trung.

231114 jake 01 scaled
Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh Nhà Trắng trong cuộc họp báo Thứ Ba 14/11 (ảnh cắt từ video)

Khi được chất vấn về vấn đề nhạy cảm này tại cuộc họp báo hàng ngày vào hôm Thứ Ba, một ngày trước cuộc gặp mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra vào Thứ Tư 15/11, ông cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng theo thông tin mà ông biết, thì Tòa Bạch Ốc tin rằng Trung Quốc chưa từng cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trong chiến tranh Ukraine.

Theo lịch gặp mặt thượng đỉnh của hai quốc gia Mỹ-Trung sẽ diễn ra khi ông Tập Cận Bình cùng phái đoàn của mình tham dự APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình dương) được cử hành ở San Francisco.

Vào cuối tháng 7, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã công bố một báo cáo về cái mà họ gọi là sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga “liên quan đến cuộc chiến của nước này ở Ukraine.” Tài liệu nêu chi tiết việc Trung Quốc mua năng lượng của Nga và dùng đồng nhân dân tệ trong thương mại với Nga, đi ngược lại các lệnh trừng phạt mà Mỹ thúc đẩy.

Tài liệu cũng miêu tả việc cung cấp các hàng hóa lưỡng dụng (cả quân sự và dân sự), chẳng hạn như các chip dùng trong thiết bị định vị, và coi đó là hình thức trá hình hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga.

Washington đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Moscow. Tháng trước, Mỹ đã phát lệnh trừng phạt kinh tế 42 công ty Trung Quốc, vì bị cáo buộc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, bất chấp các hạn chế thương mại do Mỹ đưa ra.

Phía Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc này, và nói họ không có ý định can dự vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trung Quốc thường lên tiếng về giải pháp hòa bình, mặc dù chưa từng thành công.

Bên cạnh vấn đề Đài Loan, thì lập trường của Trung Quốc về chiến tranh Ukraine cũng là một trong những luận điểm của mâu thuẫn Mỹ-Trung, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tiến hành bao vây và công kích Nga về mọi phương diện — quân sự, kinh tế, ngoại giao, cũng như trên truyền thông báo chí.

Bắc Kinh đổ lỗi cho sự mở rộng của NATO ở châu Âu đã gây ra chiến tranh Ukraine và phản đối việc Mỹ và các đồng minh sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương như một công cụ gây áp lực địa chính trị, và các quan chức Trung Quốc miêu tả rằng Washington vẫn còn ở trong “tâm lý của thời Chiến tranh Lạnh.”

Lập trường của Trung Quốc là rất gần với lập trường của Nga. Moscow vẫn luôn tuyên bố chiến tranh Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây chống Nga, cuộc chiến đang được tiến hành trong nỗ lực duy trì quyền bá chủ của Mỹ trên trường thế giới.

Theo một dự đoán được đăng vài ngày trước của Reuters, dẫn lời quan chức Mỹ (không nêu tên) thừa nhận rằng Mỹ vẫn luôn có những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, nhưng kết quả không như mong đợi: “Chúng ta đều thấy rõ chuyện này: Chúng ta biết trắng rằng các nỗ lực [của người Mỹ chúng ta] nhằm uốn nắn Trung Quốc trong các thập kỷ qua đều đã thất bại. Nhưng mà chúng ta dự kiến sẽ thấy Trung Quốc vẫn ở đó như một tay chơi chủ đạo trên vũ đài từ giờ cho đến cuối đời của mình.”

Lần họp mặt này, theo dự đoán, tuy Mỹ “sẽ không giữ lại gì cả, tất cả chủ đề đều sẽ được đặt lên bàn.”

Nhưng mà theo các nhà phân tích mà Reuters nói đến, thì hai nguyên thủ quốc gia sẽ có các cử chỉ bày tỏ thiện chí của mình khi gặp mặt trực tiếp —hai quan chức Mỹ nhận định— để các trao đổi có thể diễn ra dễ dàng hơn.

Dự kiến sẽ có các hoạt động ngoại giao tốt hơn, hứa hẹn thảo luận về các vấn đề như khí hậu và sức khỏe toàn cầu, ổn định kinh tế, nỗ lực chống ma túy, và thậm chí nếu tốt thì có thể nối lại một số kênh quân sự sau nhiều đợt đóng băng ngoại giao ở cấp cao.

Nhưng mà, sẽ khó có được các tiến bộ sâu hơn.

Nhật Tân