Ngày 18/9, tờ Wall Street Journal đưa tin, dự kiến ​​lĩnh vực công nghệ sinh học có thể sẽ trở thành chiến trường mới tiếp theo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

shutterstock 661931293
Sản xuất dược phẩm (Ảnh minh họa: Gumpanat / Shutterstock)

Trong tuần này, cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc giảm mạnh sau khi Tổng thống Joe Biden tiếp tục ký sắc lệnh hành chính thúc đẩy ngành sản xuất sinh học của Mỹ. Đặc biệt là các công ty Trung Quốc có thu nhập tương đối lớn tại Mỹ bị ảnh hưởng lớn bởi thông tin này.

Trong số đó, công ty WuXi Biologics (Dược Minh) giảm 19% kể từ đầu tuần, Pharmaron Beijing (Khang Long Hóa Thành) giảm 8% và Hangzhou Tigermed (Thái Cách Hàng Châu) giảm 6%.

Lệnh hành pháp của ông Biden không nêu tên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng đề cập đến những rủi ro do các đối thủ nước ngoài, và các đối thủ cạnh tranh chiến lược gây ra trong chuỗi cung ứng công nghệ sinh học.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại về việc Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc về thuốc và vật tư y tế. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại này. Lệnh hành pháp hiện chỉ yêu cầu các bộ phận khác nhau lập kế hoạch, và Trung Quốc (ĐCSTQ) rất có thể sẽ trở thành mục tiêu chính.

Hiện không có cơ sở dữ liệu theo dõi xem có bao nhiêu thành phần dược phẩm đến từ Trung Quốc. Điều này liên quan đến một chuỗi cung ứng phức tạp, mà Ấn Độ là nhà cung cấp chính về các loại dược phẩm gốc cho Mỹ. Nhưng các thành phần dược phẩm hoạt tính chính của Ấn Độ lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, các công ty dược phẩm Hoa Kỳ thường thuê ngoài đối với những công nghệ khám phá thuốc và thử nghiệm tiền lâm sàng tốn kém. WuXi Biologics đã được hưởng lợi từ điều này. Từ năm 2018 – 2021, doanh thu của công ty đã tăng gấp 3 lần, một phần là do dịch bệnh thúc đẩy. Khoảng một nửa doanh thu năm ngoái đến từ Bắc Mỹ.

Lệnh hành pháp của Tổng thống Biden có ít tác động ngay lập tức đến các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc, vì sẽ phải mất nhiều năm mới có thể đưa chuỗi cung ứng về nước. Dù vậy, việc bán tháo trước khi Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt chi tiết, đã phản ánh những lo ngại về thị trường trong tương lai.

Lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung Quốc có thể sẽ tiếp bước lĩnh vực bán dẫn, trở thành chiến trường mới giữa 2 siêu cường.

Tháng 12/2021, báo cáo truyền thông cho rằng các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc có thể bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt, nhưng cuối cùng các biện pháp trừng phạt này đã không được thực hiện.

Tháng Hai năm nay, 2 trong số các công ty con của WuXi Biologics đã bị Hoa Kỳ đưa vào “danh sách chưa được xác minh”, buộc các công ty Hoa Kỳ phải giải quyết nhiều yêu cầu về thủ tục và tài liệu hơn khi kinh doanh với những công ty này.

Mặc dù khó có khả năng tách biệt hoàn toàn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng những lo ngại về bền vững và an ninh của chuỗi cung ứng sẽ không giảm bớt. Trong tương lai, các nhà đầu tư vào công ty công nghệ sinh học Trung Quốc và khách hàng Hoa Kỳ của họ có thể sẽ gặp phải một con đường khó khăn.

Thứ Hai (12/9), ông Biden đã ký một lệnh hành pháp, khởi động “Sáng kiến ​​Công nghệ Sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia”, nhằm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nước ngoài, đảm bảo Hoa Kỳ có khả năng biến tất cả các phát minh thành sản phẩm, và ứng phó với những thách thức về công nghệ sinh học của Trung Quốc.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết, sáng kiến ​​này sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trong nước Mỹ, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn và giảm chi phí sinh hoạt cho các gia đình Mỹ.

Hoa Kỳ cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Công nghệ sinh học và Sản xuất sinh học Quốc gia” vào thứ Tư (14/9). Tại đây, cơ quan chính phủ công bố một loạt các chương trình đầu tư và nguồn lực mới, nhằm tạo điều kiện sử dụng tốt nhất công nghệ sinh học và sản xuất sinh học.

Sắc lệnh hành pháp này được coi là sự bổ sung cho “Đạo luật Khoa học và Chip” trị giá 52 tỷ USD mà ông Biden đã ký vào tháng Tám. Luật chip nhằm mở rộng quy mô sản xuất chất bán dẫn, và xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới, thúc đẩy tiến độ nghiên cứu và phát triển liên quan; đồng thời đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Peter Brookes, một nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), kiêm cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói rằng ĐCSTQ đang tiến hành nghiên cứu công nghệ sinh học lưỡng dụng (dân sự và quân sự).

Ông kêu gọi, cần phải chú ý nhiều hơn đến việc nghiên cứu và đầu tư của ĐCSTQ trong các lĩnh vực như chiến tranh sinh học, nâng cao thể chất của binh lính và sự hợp tác giữa người và robot (Human-Robot Collaboration), v.v.

Bản “Đánh giá Đe dọa Thường niên năm 2022 của Cộng đồng Tình báo Mỹ” của giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cũng cảnh báo: “Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ lưỡng dụng, gồm tin sinh học, sinh học tổng hợp và chỉnh sửa gen, có thể làm thay đổi sự phát triển của vũ khí sinh học mới, khiến cho việc phát hiện, điều tra và điều trị trở nên phức tạp.”

Bình Minh (t/h)