Cho dù chịu lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ nhưng những thực thể từ Trung Quốc vẫn mua được chip NVIDIA mà Mỹ đang ngăn chặn, có thể nói Bắc Kinh vẫn tìm được những cách lách lệnh cấm này.

san xuat chip ban dan My han che Trung quoc san xuat chip ban dan 2369851311
(Ảnh minh họa: AP911_Studio/Shutterstock)

Công ty Hàn Quốc buôn lậu chip bị cấm sang Trung Quốc

Gần đây, một công ty Hàn Quốc bị phát hiện đã buôn lậu 96.000 con chip của Mỹ vào Trung Quốc trị giá khoảng 11 triệu USD, trong đó 53.000 con (khoảng 9 triệu USD) là chip bị kiểm soát xuất khẩu. Vụ việc một lần nữa nêu bật khó khăn của Trung Quốc trong việc tự cung cấp chip cao cấp, nhưng cũng phản ánh những khó khăn mà lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ phải đối mặt.

Đài VOA Mỹ ngày 1/2 dẫn thông tin được Hải quan Hàn Quốc tiết lộ, con chip điều khiển có liên quan là loại xử lý thông tin của một nhà sản xuất nổi tiếng của Mỹ, dùng để chuyển đổi tín hiệu analog từ các bộ lặp (repeater) thành tín hiệu số. Vì nó có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt nên vào năm 2020 đã được chỉ định là vật liệu chiến lược, muốn nhập khẩu hoặc xuất khẩu phải có giấy phép.

Con chip này chỉ được lưu hành thông qua các đại lý chính thức tại Hàn Quốc và bên mua phải nộp các tài liệu như xác nhận của người dùng cuối và bảo đảm cấm tái xuất khẩu. Công ty A là nhà phân phối linh kiện điện tử, không có đủ năng lực nhập khẩu, nên đã thông qua một nhà phát triển thiết bị viễn thông ở Hàn Quốc để nhập khẩu chip nhiều hơn mức thực tế cần thiết, lấy số lượng dư thừa rồi tuồn lậu vào Trung Quốc.

Các phương thức buôn lậu cũng được lên kế hoạch cẩn thận. Các con chip này được đóng gói thành các mẫu nhỏ tuồn lậu sang Trung Quốc theo đường hàng không mà không khai báo hải quan, số lượng theo 144 lô được vận chuyển trong thời gian từ tháng 8/2020 – 8/2023.

Đây là lần đầu tiên hải quan Hàn Quốc phát hiện chip sản xuất ở nước ngoài được nhập lậu vào Trung Quốc qua ngả Hàn Quốc. Ông J, một người Trung Quốc làm việc trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng ông không có căn cứ về việc này và không thể đưa ra kết luận; nhưng nhìn vấn đề từ góc độ Trung Quốc, theo những gì ông được biết thì kênh mua lậu chính là “qua bên thứ ba”, có thể đăng ký một công ty bán khống ở Singapore, Malaysia, Việt Nam hoặc một số quốc đảo ở nước ngoài nào đó để điều chuyển.

Có hai điểm đến cho chip sau khi vào Trung Quốc. Ông J cho rằng, trước hết chuyển lưu cá nhân được lưu hành giữa các công ty hoặc tại các thị trường như Huaqiangbei (Hoa Cương Bắc) – Phóng viên VOA đã tìm kiếm loại chip bị cấm NVIDIA A100 trên mạng thương mại điện tử Baidu Trung Quốc và phát hiện ra rằng có hơn 30 công ty đang bán, nhiều công ty trong số đó có trụ sở tại Huaqiangbei. Huaqiangbei tọa lạc tại thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông, là trung tâm phân phối sản phẩm điện tử lớn nhất tại Trung Quốc.

Thứ hai, “sản phẩm do các công ty có sự hậu thuẫn của nhà nước đưa vào thường được cung cấp trong nước và không được lưu thông trên thị trường”, ông J nói.

Trung Quốc né lệnh cấm mua chip NVIDIA của Mỹ

Theo Reuters đưa tin hôm 15/1, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ sang Trung Quốc, việc xem xét hồ sơ đấu thầu cho thấy, trong năm qua các cơ quan quân sự Trung Quốc, viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) nhà nước và các trường đại học đã mua được lượng nhỏ chip NVIDIA.

Ở Trung Quốc, việc mua hoặc bán chip cao cấp của Mỹ không phải là bất hợp pháp. Hồ sơ đấu thầu công khai cho thấy hàng chục thực thể Trung Quốc đã mua và nhận chip NVIDIA kể từ sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu. Chúng bao gồm các chip A100 và H100 mạnh hơn của NVIDIA (vào tháng 9/2022 đã bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông) cũng như các chip A800 và H800 chậm hơn mà NVIDIA sau đó đã phát triển cho thị trường Trung Quốc, nhưng vào tháng 10 năm ngoái đã bị cấm xuất khẩu.

Các bộ xử lý đồ họa (GPU) do NVIDIA sản xuất cho hoạt động AI được biết là vượt trội hơn nhiều so với các sản phẩm đối thủ khác, vì chúng có thể xử lý hiệu quả hơn lượng lớn dữ liệu cần thiết cho các tác vụ học máy.

Nhu cầu của Trung Quốc về vấn đề sử dụng chip NVIDIA bị cấm cũng làm nổi bật việc họ thiếu các lựa chọn thay thế từ nguồn chip của các công ty Trung Quốc để có thể thay được chip NVIDIA, mặc dù các sản phẩm từ Huawei đang nổi lên. Trước lệnh cấm, NVIDIA nắm giữ 90% thị trường chip AI Trung Quốc.

Những bên mua bao gồm hai đơn vị chịu hạn chế xuất khẩu của Mỹ là Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc – đã bị Mỹ cáo buộc có liên quan đến các vấn đề quân sự của Trung Quốc cùng những vấn đề khác.

Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân vào tháng 5 năm ngoái đã mua 6 chip NVIDIA A100 để dùng cho luyện mô hình “học sâu” (deep learning). Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc vào tháng 12/2022 đã mua chip NVIDIA A100 – chưa rõ mục đích sử dụng.

Các cuộc đấu thầu được công bố vào tháng trước cũng cho thấy Đại học Thanh Hoa mua hai con chip H100, trong khi một phòng thí nghiệm thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã mua một con.

Bên mua cũng bao gồm một thực thể quân sự giấu tên của Trung Quốc có trụ sở tại Vô Tích tỉnh Giang Tô – theo dữ liệu quân sự một cuộc đấu thầu. Họ đã tìm kiếm ba chip A100 vào tháng 10 năm ngoái và một chip H100 trong tháng này.

Việc xem xét các tài liệu cho thấy cả NVIDIA và các nhà bán lẻ được công ty phê duyệt đều không nằm trong số các nhà cung cấp được xác định. Không rõ các thực thể  liên quan lấy nguồn chip NVIDIA như thế nào.

NVIDIA cho biết họ tuân thủ tất cả các luật kiểm soát xuất khẩu hiện hành và yêu cầu khách hàng của mình cũng làm như vậy. Người phát ngôn của công ty cho biết: “Nếu chúng tôi biết khách hàng bán lại trái phép cho bên thứ ba, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp ngay lập tức”.

Reuters nhận định, các gói thầu quân sự của Trung Quốc thường được sửa đổi nhiều, không thể biết được ai thắng thầu hay lý do mua hàng. Hầu hết các cuộc đấu thầu đều cho thấy những con chip này đang được sử dụng cho AI. Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch mua đều được thực hiện với số lượng rất nhỏ, thiếu xa lượng cần thiết để khởi đầu xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn AI phức tạp.

Thật trùng hợp, trong một báo cáo đánh giá về các tài liệu đấu thầu quân sự của Trung Quốc công bố vào năm 2022, Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi (CSET) của Mỹ đã chỉ ra rằng, “Một số bằng chứng cho thấy chính phủ và quân đội Trung Quốc cũng đang sử dụng các công ty bình phong để có được chip AI từ công ty Mỹ”.

Mỹ cần tiếp tục nâng cấp các biện pháp kiểm soát

Để ngăn chặn ngành công nghệ Mỹ giúp Trung Quốc đạt được mục đích quân sự, Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 10/2022 đã đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc. Một năm sau, chính quyền Tổng thống Biden công bố phiên bản nâng cấp của chính sách này là lệnh cấm chip, bổ sung thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đẩy nhanh việc rút khỏi thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ.

Vào ngày 29/1, người phát ngôn của Teradyne – nhà cung cấp thiết bị kiểm tra chất bán dẫn của Mỹ, cho biết rằng sau các quy định của Mỹ về chuỗi cung ứng, vào năm ngoái Teradyne đã chuyển ra khỏi Trung Quốc hoạt động sản xuất trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Trước đó trong báo cáo thường niên năm 2022, Teradyne kỳ vọng công ty sẽ cảnh báo các nhà đầu tư về tác động tiềm tàng của các quy định mới của Chính phủ Mỹ vào tháng 10/2022. Teradyne cho biết vào tháng 10/2023 rằng, các hạn chế đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của họ cho một số công ty ở Trung Quốc cũng như hoạt động sản xuất và phát triển của họ.

Hiện Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc. Ngày 29/1 năm nay, Nhà Trắng công bố đề xuất yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tiết lộ tên và địa chỉ IP của khách hàng nước ngoài. Đề xuất này nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng hệ thống điện toán đám mây của Mỹ để đào tạo mô hình [AI], đồng thời cắt đứt khả năng thực thể Trung Quốc sử dụng từ xa sức mạnh điện toán chip cao cấp thông qua các dịch vụ đám mây. Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, “Có những con chip này trong các trung tâm dữ liệu đám mây của Mỹ, vì vậy chúng tôi cũng phải xem xét việc cắt đứt các nguy cơ tiềm ẩn”.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt dù sao cũng không thể bịt hết được các lỗ hổng, do bản thân các con chip có kích thước nhỏ. Năm ngoái, một bài báo đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) tựa đề “Các công ty Trung Quốc đang né tránh các lệnh trừng phạt về chất bán dẫn của Mỹ” đã chỉ ra, không giống các sản phẩm lưỡng dụng quân – dân sự khác, các con chip tiên tiến được sản xuất với số lượng hàng triệu chiếc, có thể đóng gói được số lượng lớn chỉ trong một hộp đựng giày, thậm chí cả (hàng nghìn con chip) cần cho quy mô xây dựng một siêu máy tính hiện đại cũng có thể buôn lậu được. Vì vậy Mỹ nên tiếp tục nâng cấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: