Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài ngày, cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng nền tự do của Hồng Kông ngày càng xấu đi, và dần trở thành một thành phố bình thường của Trung Quốc Đại Lục, điều này khiến ông cảm thấy đau lòng.

Mike Pompeo
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thường lên tiếng về Hồng Kông trong nhiệm kỳ của mình. Dù đã rời nhiệm sở cách đây 3 năm, nhưng ông vẫn lo ngại về tình hình ở Hồng Kông. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Pompeo thường lên tiếng về Hồng Kông trong nhiệm kỳ của mình. Dù đã rời nhiệm sở cách đây 3 năm nhưng ông vẫn lo ngại về tình hình của thành phố này.

Dù còn đương nhiệm hay đã rời nhiệm sở, ông Pompeo vẫn rất chú ý đến tình hình ở Hồng Kông. Tháng 10/2021, sau khi rời nhiệm sở, ông Pompeo được mời tham dự một sự kiện do nhà thực nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di tổ chức.

Khi phát biểu, ông Pompeo thẳng thắn nói rằng ông đã khóc quá nhiều lần vì những gì xảy ra ở Hồng Kông. Ông đã chứng kiến ​​những người biểu tình liều lĩnh xuống đường để rồi bị quân đội Trung Quốc và cảnh sát Hồng Kông đàn áp.

Ông cũng thấy người dân Hồng Kông tụ tập cùng nhau hát. Chỉ là thông qua hình thức này, họ yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện lời hứa của mình. Lời hứa trong “Tuyên bố chung Trung-Anh” không chỉ là lời hứa với người dân Hồng Kông, mà còn với đất nước và người dân Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng những người biểu tình này mới là tương lai của Hồng Kông, chứ không phải ĐCSTQ.

Ông Pompeo đề xuất 3 lập trường lớn đối đầu với ĐCSTQ. Thứ nhất, không nên đàm phán với chế độ ĐCSTQ, vì ĐCSTQ không hiểu các nước dân chủ và chỉ biết làm theo lệnh của ông Tập Cận Bình.

Thứ hai, cần phân biệt giữa chế độ ĐCSTQ và người dân Trung Quốc. Người dân vô tội, mọi sai trái là do chính phủ độc tài.

Thứ ba, cần có thái độ “không tin tưởng và xác minh” đối với ĐCSTQ. Vì đảng này đầy dối trá, không chỉ với người dân Hồng Kông, mà còn với cả Hoa Kỳ, như về nguồn gốc của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), từ đó che giấu tội ác mà mình đã phạm phải.

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do, ông Pompeo đã mô tả cảm xúc của mình về Hồng Kông bằng từ “đau lòng”.

Ông cho rằng Hồng Kông hiện giờ ngày càng có ít không gian tự do hơn. Nếu năm đó các nước phương Tây làm nhiều hơn, thì có thể họ đã giúp người dân Hồng Kông giữ được nhiều quyền tự chủ và tự do hơn, nhưng hiện tại thì đã quá muộn.

Ông chỉ ra rằng Bắc Kinh đã phá hủy nền pháp quyền ở Hồng Kông. Thành phố này không còn được các nhà đầu tư quốc tế ưa chuộng vì Hồng Kông giờ đây không khác gì các thành phố khác ở Trung Quốc Đại Lục.

Ông nói rằng từ lâu Hồng Kông đã là một nơi rất đặc biệt. “Tuyên bố chung Trung-Anh” đảm bảo rằng Hồng Kông sẽ được hưởng chính sách một quốc gia, hai chế độ, người Hồng Kông quản lý Hồng Kông và mức độ tự trị cao sẽ không thay đổi trong vòng 50 năm.

Cựu Ngoại trưởng cho biết, ĐCSTQ đã cố tình vi phạm và đánh đập những người trẻ tuổi và những người biểu tình một cách ác ý. Cuối cùng, họ đã phá hủy nền tảng pháp quyền lâu đời đã được cộng đồng doanh nghiệp công nhận và đầu tư.

Nền pháp trị đã không còn tồn tại, khiến tình hình ở Hồng Kông tiếp tục xấu đi, và ngày càng ít công ty sẵn lòng đầu tư vào thành phố này.

Mới đây, chính quyền Hồng Kông đã gây áp lực lên tòa án, nhằm áp đặt lệnh cấm ca khúc chống dẫn độ “Glory to Hong Kong” (Nguyện vinh quang quy Hương Cảng). Google và công ty con YouTube cho biết, họ đã quyết định tuân thủ lệnh của tòa án và sẽ chặn bài hát. Điều này có nghĩa là cư dân mạng Hồng Kông không thể phát bài hát này trên YouTube.

Ngày 8/5, một tòa án ở Hồng Kông đã ra phán quyết cấm “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”, bài hát phổ biến trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019. Chính quyền yêu cầu các nền tảng internet xóa bài hát này. Lệnh cấm đã vấp phải sự chỉ trích từ Hoa Kỳ.

AFP cho biết “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” là bài hát đầu tiên bị cấm ở Hồng Kồng kể từ khi thành phố này trở về Trung Quốc vào năm 1997. Điều này đã gây lo ngại về quyền tự do ngôn luận và không gian sáng tạo nghệ thuật của Hồng Kông.

Ông Pompeo cho biết, từ góc độ kinh doanh, ông hiểu rằng nếu muốn hoạt động tại đây, các công ty phải tuân thủ luật pháp địa phương, nhưng chính phủ Hoa Kỳ cũng có vai trò trong vấn đề này.

Ông nhấn mạnh, ĐCSTQ không được phép thống trị các nền tảng xã hội này, và không được phép hạn chế việc phổ biến thông tin. Khi Trung Quốc làm điều này, Chính phủ Mỹ nên hành động, dù là dưới hình thức trừng phạt hay luật pháp.

Ông nói rằng trước đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty Mỹ phải hành xử theo “Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài” trên khắp thế giới.

Khi Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện điều đó, ông tin tưởng rằng các công ty này cũng sẽ tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, dù họ là công ty lớn hay công ty nhỏ. Hoa Kỳ có khả năng điều chỉnh hoạt động của các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc, kể cả ở Hồng Kông.

Bình Minh (t/h)