Liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron đã mất thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (19/6). Điều này có thể dẫn đến chính phủ treo và ông Macron sẽ không thể ban hành được các chính sách quan trọng.

Embed from Getty Images

Theo kết quả sơ bộ, liên minh Ensemble của ông Macron khả năng sẽ giành được 230 ghế, đạt đa số tương đối trong Quốc hội. Tuy nhiên, liên minh trung hữu này, trong đó có đảng Phục hưng của ông Macron và nhiều đảng khác, sẽ không đạt được 289 ghế cần thiết để giành thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội Pháp 577 thành viên. Năm 2017, sau khi thắng cử tổng thống, đảng Cộng hòa Tiến bước của ông Macron (đã được đổi tên thành đảng Phục hưng vào tháng 5/2022) đã giành được tới 308 ghế trong Quốc hội.

Với việc không đạt được thế đa số tuyệt đối, ông Macron sẽ cần thêm một đảng khác để giúp liên minh của ông vượt qua được các phản đối từ liên minh cánh tả NUPES để thúc đẩy các sáng kiến lập pháp.

NUPES đang đứng thứ hai trong cuộc bầu cử hôm 19/6 và khả năng sẽ giành được 188 ghế. Lãnh đạo của liên minh này, ông Jean -Luc Melenchon là người phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của ông Macron và thay vào đó kêu gọi chi tiêu công nhiều hơn thông qua việc giảm tuổi về hưu từ 62 xuống 60.

Đảng cánh hữu Vận động Quốc gia của bà Marine Le Pen khả năng cũng sẽ giành được chiến thắng lớn nhất từ trước tới nay. Đảng này khả năng sẽ đạt được từ 75 đến 95 ghế, tăng đáng kể so với 7 ghế trong Quốc hội hiện tại.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã gọi kết quả bầu cử hôm 19/6 là “cú sốc cho nền dân chủ”. Ông nói thêm rằng nếu các đảng phái khác không hợp tác, thì “điều này sẽ ngăn chặn khả năng của chúng tôi trong việc cải cách và bảo vệ nước Pháp”.

Ông Macron vừa tái đắc cử tổng thống Pháp sau khi thắng áp đảo bà Le Pen trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Tư.

Lần cuối cùng môt đảng phái của tổng thống Pháp tân cử không thể giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội liền sau đó là vào năm 1988.

Một quốc hội treo sẽ đòi hỏi một mức độ chia sẻ quyền lực và nhượng bộ giữa các đảng phái, điều mà nước Pháp chưa từng trải qua trong vài thập kỷ gần đây. Tổng thống Macron có thể cuối cùng sẽ phải kêu gọi bầu cử sớm nếu sự bế tắc lập pháp không được giải quyết.

Hải Đăng (Theo Reuters và RT)