Đột phá của Huawei về chip có thể khiến Mỹ thắt chặt thêm các hạn chế
- Mộc Vệ
- •
Reuters dẫn quan điểm cho rằng bước đột phá của công ty Huawei trong lĩnh vực chip cao cấp nêu bật khả năng của Trung Quốc trong việc chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng cái giá phải trả cho những nỗ lực đó là không nhỏ, cũng khiến Washington thắt chặt thêm các hạn chế.
Vào tuần trước trong thời gian Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo có chuyến thăm tới Trung Quốc, công ty Huawei của nước này đã bất ngờ ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới nhất, bối cảnh khi Bắc Kinh chuẩn bị thành lập quỹ đầu tư mới trị giá 40 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp chip đang phát triển của Trung Quốc.
Theo một phân tích của TechInsights có trụ sở tại Ottawa – Canada, Mate 60 Pro được trang bị con chip Kiri9000s độc quyền của Huawei do nhà sản xuất chip đúc hàng đầu Trung Quốc là SMIC sản xuất bằng công nghệ 7 nanomet (nm) tiên tiến.
Phát hiện và tuyên bố của những người dùng đầu tiên về khả năng mạnh mẽ của điện thoại cho thấy, bất chấp hoàn cảnh vài năm qua Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến, nước này vẫn đang đạt được một số tiến bộ phát triển chip cao cấp.
Nhà phân tích Dan Hutcheson của TechInsights cho biết, điều đó thể hiện ngành bán dẫn của Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ công nghệ chip mà không cần công cụ EUV, nổi rõ khả năng phục hồi của Trung Quốc về năng lực công nghệ chip. Đây là một thách thức lớn về địa chính trị đối với các nước đang cố gắng hạn chế Trung Quốc trong tiếp cận lĩnh vực quan trọng này.
EUV đề cập đến kỹ thuật in thạch bản cực tím, được sử dụng để chế tạo chip có kích thước 7 nanomet trở lên.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies cũng chỉ ra, phát hiện của TechInsights có thể kích hoạt một cuộc điều tra của Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Vấn đề đang làm dấy lên tranh luận ở Mỹ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, cũng khiến Quốc hội Mỹ đưa các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn trong dự luật cạnh tranh mà họ đang chuẩn bị.
Họ cho biết trong một báo cáo: “Nhìn chung, cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung có thể sẽ leo thang”.
Yêu cầu bình luận của Reuters vào sáng thứ Ba (5/9) đối với vấn đề này đã không được Đại diện của Bộ Thương mại Mỹ phản hồi ngay. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Chính phủ Mỹ muốn biết cấu tạo chính xác của bộ vi xử lý Huawei Mate 60 Pro. “Cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin về đặc điểm và thành phần của nó, tôi sẽ không bình luận về con chip cụ thể có liên quan”, ông Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào hôm thứ Ba. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ “nên tiếp tục áp dụng một loạt hạn chế công nghệ ‘sân nhỏ, hàng rào cao’, tập trung vào các mối lo ngại về an ninh quốc gia… bất kể kết quả ra sao”.
Huawei cũng từ chối bình luận, còn SMIC và đại diện Chính phủ Trung Quốc về vấn đề truyền thông cũng không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Thành tựu còn hạn chế
Kể từ khi Washington cấm SMIC mua máy EUV từ công ty ASML của Hà Lan vào cuối năm 2020, con chip tiên tiến nhất mà SMIC trước đây từng sản xuất được là loại 14nm.
Nhưng năm ngoái TechInsights cho biết họ tin SMIC đã sản xuất thành công chip 7nm bằng cách tinh chỉnh các máy DUV đơn giản hơn mà SMIC vẫn mua được từ ASML.
Một số phân tích còn cho rằng Huawei cũng có thể mua công nghệ, thiết bị từ SMIC để tự sản xuất chip thay vì hợp tác sản xuất.
Nhưng nhà phân tích Tilly Zhang của Gavekal Dragonomics đánh giá thấp thành công này, lý do là tỷ lệ quy chuẩn thấp, số lượng chip sử dụng trên mỗi tấm wafer ít hơn, chi phí gia tăng, cùng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới được thực hiện ở Hà Lan sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của SMIC với các máy DUV chuyên sâu hơn.
“Họ vừa chứng tỏ rằng họ sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn nhiều so với mức giá mà người ta thường cho là xứng đáng… Chỉ có sự kết hợp giữa túi tiền khổng lồ của Huawei và các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ mới giúp cho hãng có thể bán bình thường những chiếc điện thoại di động sử dụng những con chip này trong thị trường”, ông Zhang nói.
Reuters đưa tin hôm thứ Ba rằng Trung Quốc sẽ ra mắt một quỹ đầu tư mới do nhà nước hậu thuẫn nhằm huy động khoảng 40 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip của mình, để tăng cường nỗ lực bắt kịp Mỹ và các đối thủ khác.
Một số công ty nghiên cứu dự đoán rằng tỷ lệ chuẩn trong quy trình 7nm của SMIC là dưới 50%, trong khi tiêu chuẩn ngành là 90% hoặc cao hơn, điều này sẽ hạn chế lượng chip xuất xưởng ở mức khoảng 2-4 triệu chiếc, không đủ để đưa Huawei quay trở lại vị thế ban đầu từng thống trị trên thị trường điện thoại thông minh.
Các nhà phân tích tại Jefferies tin rằng Huawei đang chuẩn bị xuất xưởng 10 triệu chiếc Mate 60 Pro, mặc dù hãng này có thể gặp khó khăn trong việc có được con số đó bằng chip 7nm sản xuất trong nước.
Trong trường hợp đó, Jefferies cho biết họ có thể sẽ chuyển sang chip 10nm, nhưng dự kiến tỷ lệ chuẩn chỉ là 20% (chỉ số lượng chip hoạt động trên mỗi tấm wafer silicon), thấp hơn nhiều so với 90% của hầu hết các thiết bị tiêu dùng.
Nhà nghiên cứu chip tại Trường Kinh doanh Copenhagen, ông Doug Fuller chia sẻ: “Các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ khiến Trung Quốc phải trả chi phí cao để sản xuất”.
Ông nói thêm rằng chi phí này có thể sẽ do Chính phủ Trung Quốc chi trả.
Từ khóa Huawei Mate 60 Pro Huawei Điện thoại Huawei chip Trung Quốc Ngành chip Trung Quốc công ty chip Trung Quốc