Các Ngoại trưởng G7 hôm thứ Ba (18/4) cảnh báo rằng những nước giúp Nga tiến hành chiến tranh ở Ukraine sẽ phải đối mặt với “cái giá nghiêm trọng” phải trả, theo AFP.

Embed from Getty Images

Sau hai ngày đàm phán tại thị trấn nghỉ mát miền núi Karuizawa của Nhật Bản, các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nền kinh tế G7 cho biết không có biện pháp trừng phạt mới nào đối với Moscow về cuộc xâm lược, nhưng cam kết sẽ trừng phạt những người giúp Nga trốn tránh các biện pháp và mua vũ khí.

Các bộ trưởng cũng lưu ý Bắc Kinh về “các hoạt động quân sự hóa” ở Biển Đông và khẳng định chính sách Đài Loan của họ không thay đổi bất chấp những bình luận gây tranh cãi gần đây của Tổng thống Pháp.

Trong khi các cuộc đàm phán tập trung vào vấn đề Ukraine và các thách thức trong khu vực, bao gồm yêu cầu Triều Tiên “kiềm chế” các vụ thử hạt nhân mới hoặc phóng tên lửa đạn đạo, các bộ trưởng đã đề cập đến một loạt các vấn đề chính sách toàn cầu.

Chúng bao gồm giao tranh tiếp diễn ở Sudan giữa quân đội và lực lượng bán quân sự; lên án về những hạn chế ngày càng tăng đối với phụ nữ và dân tộc thiểu số của chính quyền Taliban ở Afghanistan, được các bộ trưởng mô tả là “lạm dụng có hệ thống”.

Các Bộ trưởng yêu cầu “đảo ngược ngay lập tức” các “quyết định không thể chấp nhận được”, bao gồm lệnh cấm phụ nữ làm việc với các tổ chức phi chính phủ và Liên Hợp Quốc ở nước này.

Tuy vậy, chiến tranh Ukraine và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế lẫn quân sự vẫn bao trùm hội nghị.

Các nhà ngoại giao từ Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Ý, Pháp và Liên minh châu Âu hứa sẽ tiếp tục “tăng cường” các lệnh trừng phạt đối với Nga và tăng cường nỗ lực đáp trả những người cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ khác cho Moscow, đồng thời cảnh báo về “những cái giá phải trả nghiêm trọng”. 

Họ cũng chỉ trích “tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm” của Nga và gọi việc Moscow đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là “không thể chấp nhận được”.

Cảnh báo với Trung Quốc

Tuyên bố nói rằng các Bộ trưởng lưu tâm đến làn sóng tranh cãi gây ra bởi những bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần trước sau chuyến đi tới Bắc Kinh, rằng châu Âu nên tránh “những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.

“Không có sự thay đổi nào trong lập trường cơ bản của các thành viên G7 đối với Đài Loan”, tuyên bố cuối cùng cho biết, gọi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là “không thể thiếu” đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna và những người đồng cấp của bà đã tìm cách giảm thiểu sự khác biệt [với ông Macron] trong suốt các cuộc đàm phán G7 và tuyên bố cảnh báo Bắc Kinh về mọi thứ, từ kho vũ khí hạt nhân đến các hoạt động kinh doanh của họ.

Pháp cáo buộc Trung Quốc “mở rộng liên tục và tăng tốc kho vũ khí hạt nhân”, đồng thời bày tỏ lo ngại Bắc Kinh đang phát triển “các hệ thống phân phối ngày càng tinh vi, không minh bạch, thiếu các biện pháp kiểm soát vũ khí thiện chí hoặc giảm thiểu rủi ro”.

Dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhóm cam kết tăng cường hợp tác chống lại “cưỡng chế kinh tế” – hành vi vũ khí hóa các quy tắc xuất nhập khẩu vì mục đích chính trị.

Ngay cả lời cảnh báo về việc hỗ trợ Nga trong vấn đề Ukraine cũng có thể được coi là một thông điệp dành cho Trung Quốc, lặp lại những tuyên bố từ các quan chức phương Tây cảnh báo Bắc Kinh không được trực tiếp vũ trang cho Moscow.

Các cuộc đàm phán đã tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng tới tại Hiroshima, nơi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn giải trừ hạt nhân trở thành một nội dung thảo luận chính.

Cuộc họp ở Karuizawa được tổ chức dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt sau khi ông Kishida bị một thanh niên ném thiết bị nổ vào thứ Bảy, nhưng không gây ra thương tích gì cho vị Thủ tướng.

Lê Vy (theo AFP)