G7 tuyên bố huy động 600 tỷ USD để chống lại “Vành đai và Con đường”
- Bình Minh
- •
Hội nghị thượng đỉnh G7 đã khai mạc vào Chủ nhật (ngày 26/6) tại Đức. Các nhà lãnh đạo G7 đã chính thức khởi động “Mối quan hệ đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu” tại hội nghị thượng đỉnh, cam kết huy động 600 tỷ USD quỹ công và tư, để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển, nhằm chống lại dự án ”Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Ngoài ra, các nguyên thủ của Mỹ và Anh cho biết, G7 cũng sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến vùng núi Bavarian của Đức vào đầu ngày Chủ nhật, cùng các nhà lãnh đạo khác tham dự cuộc họp thường niên của G7.
G7 ra mắt cơ sở hạ tầng toàn cầu và quan hệ đối tác đầu tư, để huy động 600 tỷ USD trong 5 năm
Hôm Chủ nhật (26/6), Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã chính thức khởi động “Mối quan hệ đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu” (PGII), nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển thông qua “Vành đai và Con đường”.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby, cho biết ông Biden và các nhà lãnh đạo khác sẽ công bố những dự án đầu tiên. Hoa Kỳ coi các dự án này là một giải pháp thay thế cho việc bán các dự án cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình với mục đích gài bẫy nợ.
Hoa Kỳ luôn lên án dự án cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là gài bẫy nợ cho các nước đối tác và cố gắng biến họ thành nước phụ thuộc vào kinh tế của ĐCSTQ.
Một nghiên cứu kéo dài 4 năm của AidData có trụ sở tại Hoa Kỳ mới đây cho biết, 165 quốc gia trên thế giới đang nợ Trung Quốc tổng cộng ít nhất 385 tỷ đô la thông qua các dự án thuộc “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI).
Nó cho thấy 42 quốc gia thu nhập thấp đến trung bình (LMIC) có tỷ lệ nợ đối với Trung Quốc vượt quá 10% GDP của họ, bao gồm Lào, Papua New Guinea, Maldives, Brunei, Campuchia và Myanmar.
Hôm Chủ nhật (ngày 26/6), Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố về sự ra mắt chính thức của dự án PGII của các nhà lãnh đạo G7. Ông cho biết PGII sẽ “huy động hàng trăm tỷ đô la, để cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, từ đó thay đổi cuộc sống trên toàn thế giới, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chúng ta, tạo ra cơ hội mới cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thúc đẩy an ninh quốc gia của chúng ta.”
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ đặt mục tiêu huy động 200 tỷ USD tài trợ tư và công trong vòng 5 năm, để tài trợ cho cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển.
Mục tiêu chung của Hoa Kỳ và các đối tác G7 là huy động 600 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu vào năm 2027. “Và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Hoa Kỳ và các đối tác G7 sẽ tìm cách huy động thêm vốn từ các đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền, v.v.”, Nhà Trắng cho biết.
“Tôi muốn nói rõ một điểm, đây không phải là viện trợ hay hoạt động từ thiện, đây là khoản đầu tư sẽ đền đáp lại cho mỗi người”, ông Biden nói và bổ sung thêm rằng dự án sẽ cho phép các quốc gia “thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ”.
Dự án cơ sở hạ tầng mà các nhà lãnh đạo G7 đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái trong bối cảnh ngày càng lo ngại về những thách thức từ ĐCSTQ, hiện đã chính thức ra mắt dưới một cái tên mới là PGII, từ bỏ tên gọi “Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” của ông Biden vào thời điểm đó.
Giải thích về dự án cơ sở hạ tầng này, khi đó Nhà Trắng cho biết, G7 hy vọng dự án sẽ cung cấp một mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, và là giải pháp thay thế cho “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.
Dự án “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, liên quan đến các hoạt động phát triển và đầu tư ở hơn 100 quốc gia, gồm đường sắt, cảng và đường cao tốc.
Theo Reuters, các quan chức Nhà Trắng cho rằng kế hoạch của ông Tập nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại “Con đường Tơ lụa” cổ xưa đã không mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều nước đang phát triển, trong khi cơ hội công việc cấp cao đều được trao cho công nhân Trung Quốc, đồng thời lao động cưỡng bức và việc sử dụng lao động trẻ em ngày càng tăng.
Sau khi PGII ra mắt, Hoa Kỳ sẽ tập trung vào một số dự án hàng đầu, như dự án phát triển năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở Angola với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, công ty Hoa Kỳ AfricaGlobal Schaffer và nhà phát triển dự án Hoa Kỳ Sun Africa.
Washington cùng với các thành viên G7 và Liên minh châu Âu cũng sẽ cung cấp 3,3 triệu USD, hỗ trợ kỹ thuật cho Viện Pasteur de Dakar của Senegal (một quốc gia ở châu Phi). Vì viện này đang phát triển một cơ sở sản xuất đa chủng loại vắc-xin, với quy mô công nghiệp tại Senegal, để cuối cùng có thể sản xuất COVID-19 và các loại vắc-xin khác.
Ông Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận về vấn đề Nga – Ukraine và thách thức từ Trung Quốc
Đức là chủ tịch luân phiên của G7 và là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh. Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (26/6), rằng ông Biden đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.
Ngoài việc 2 nguyên thủ nói về vấn đề Nga – Ukraine, ông Biden cũng hoan nghênh Đức tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Điều này sẽ tăng cường sức mạnh răn đe và thế trận phòng thủ lâu dài của liên minh NATO.
“Cuối cùng, 2 nhà lãnh đạo còn thảo luận về những thách thức mà Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra và cam kết chung của chúng tôi, về việc cung cấp các giải pháp minh bạch và tiêu chuẩn cao, nhằm giải quyết sự cách biệt toàn cầu về cơ sở hạ tầng quan trọng”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, cho biết cần phải đạt được sự cân bằng giữa việc bảo vệ các giá trị chung của phương Tây và việc hợp tác kinh doanh với Trung Quốc.
“Mỗi quốc gia trong G7 tập trung ở đây hôm nay đều có nhiều mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có thể tiếp tục làm như vậy nữa hay không”, ông Johnson nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “State of the Union” của CNN. “Tôi nghĩ rằng cần phải tìm một sự cân bằng … Điều này có thể khó khăn, nhưng đó là điều chúng ta phải cố gắng và thử thực hiện. “
“Đoàn kết” là thông điệp mà ông Biden muốn truyền tải trong cuộc nói chuyện với ông Scholz.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả chúng ta cùng sát cánh với nhau. Chúng ta sẽ tiếp tục ứng phó với những thách thức kinh tế mà chúng ta phải đối mặt, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể vượt qua nó”, ông Biden nói.
Ông Scholz trả lời, tin tốt là “tất cả chúng ta đều cố gắng duy trì sự đoàn kết, điều mà ông Putin không bao giờ mong đợi.”
G7 sẽ cấm vàng của Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trong khối G7 sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, lệnh trừng phạt mới nhất này của phương Tây hy vọng sẽ cô lập thêm Moscow về mặt kinh tế.
Vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh (28/6), Các quan chức Mỹ cho biết, G7 sẽ chính thức công bố lệnh cấm đối với vàng của Nga.
Động thái này được đưa ra nhằm cắt đứt hơn nữa các con đường tài trợ cho cuộc xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga “sẽ giáng đòn trực tiếp vào giới tài phiệt Nga và trung tâm của cỗ máy chiến tranh của ông Putin.”
“Chúng ta cần phải cắt đứt nguồn tài chính của ông Putin. Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng ta đang làm điều đó.”
Một quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ cho biết: “Đối với năng lực giao dịch với hệ thống tài chính toàn cầu của Nga mà nói, vàng là mặt hàng xuất khẩu chủ chốt và là nguồn thu chính của họ.”
Chính phủ Anh cho biết, năm ngoái, giá trị xuất khẩu vàng của Nga trị giá 12,6 tỷ bảng Anh (15,45 tỷ USD), những người Nga giàu có đã mua vàng miếng, nhằm giảm tác động tài chính của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết, sau năng lượng, vàng là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Moscow, việc cấm nhập khẩu sẽ khiến Nga khó tham gia vào thị trường toàn cầu.
Trong số vàng xuất khẩu của Nga, 90% được chuyển đến các nước G7.
Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh vào Chủ nhật, các nhà lãnh đạo G7 còn thảo luận về cách đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng và giải quyết lạm phát.
Từ khóa G7 sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Một vành đai một con đường Dòng sự kiện Hội nghị thượng đỉnh G7 PGII