Ngày 5/7, các “chuyên gia” chính sách đối ngoại vốn ủng hộ Ukraine đã kêu gọi đưa nước này gia nhập NATO, điều mà nhiều người cho rằng sẽ tăng nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga.

Ukraine đề xuất gia nhập NATO
(Ảnh minh họa: Vitalii Vodolazskyi/Shutterstock)

Cựu sĩ quan Alexander Vindman (người từng là trung tâm trong vụ luận tội đầu tiên của cựu Tổng thống Donald Trump), cựu Đại sứ Nga Michael McFaul, cựu Dân biểu Tom Malinowski thuộc Đảng Dân chủ, và các “chuyên gia” chính sách đối ngoại khác đã đăng một bài bình luận trên Tạp chí Politico trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO.

“Tại Vilnius, liên minh (NATO) nên đưa ra một lộ trình rõ ràng dẫn đến việc Ukraine trở thành thành viên của NATO vào ngày sớm nhất có thể. Giống như với Phần Lan và Thụy Điển, quá trình này có thể bỏ qua Kế hoạch Hành động Thành viên (the Membership Action Plan) do sự tương tác chặt chẽ, liên tục giữa NATO và Ukraine. Những người đứng đầu nhà nước và chính phủ  của [các quốc thành viên] NATO nên giao nhiệm vụ cho Hội đồng trong phiên họp thường trực để trình bày các khuyến nghị về thời gian và phương thức của quá trình Ukraine gia nhập, nhằm đưa ra quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo ở Washington vào năm 2024”, trích bài đăng trên Tạp chí Politico.

Ông Stephen Wertheim, một thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), nhận định việc đưa Ukraine vào NATO sẽ có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột trên diện rộng hơn ở châu Âu.

“Một số bên cũng đã ký một bức thư ngỏ vào năm ngoái kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine. Đây không phải là điều ngẫu nhiên: việc kết nạp Ukraine vào NATO, giống như áp đặt vùng cấm bay, sẽ có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga”, ông Wertheim viết.

Ông Dan Caldwell, Phó chủ tịch Trung tâm đổi mới nước Mỹ (Center for Renewing America), cho rằng ít nhất 12 trong số những người ký vào bài đăng đã nhận tiền từ các nhà tài phiệt Ukraine.

Ông Caldwell giải thích: “Ít nhất 12 trong số những người ký vào bài viết này làm việc tại các tổ chức đã nhận hoặc hiện đang nhận tiền từ các nhà tài phiệt Ukraine, các công ty Ukraine như Burisma hoặc trực tiếp từ chính phủ Ukraine. Ví dụ, đây là ông John Herbst và bà Evelyn Farkas vào năm 2018.”

Các cuộc vận động chính sách đối ngoại thường liên quan đến những vấn đề xung đột lợi ích. Ông Ben Freeman, một nhà nghiên cứu tại Viện Quincy về Nghệ thuật Quản lý Nhà nước Có trách nhiệm, đã lưu ý rằng 21/27 tổ chức tư vấn ủng hộ Ukraine đã nhận được tài trợ từ các tổ hợp công nghiệp-quân sự.

Ông Freeman đã viết: “Mặc dù các chuyên gia think tank (tổ chức tư vấn chính sách) có thể có hàng ngàn lý do để ủng hộ việc tăng chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ, nhưng một số người vẫn có động cơ khác nữa: chủ của họ được tài trợ bởi các nhà thầu quân sự thu lợi từ chiến tranh.”

Trong lúc cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine vẫn tiếp diễn, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenksy đã gặp nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg để thảo luận về các tội ác môi trường bị cáo buộc của Nga.