Hôm thứ Hai (1/1), nhà sản xuất thiết bị chip ASML cho biết, do các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, Chính phủ Hà Lan đã thu hồi một số giấy phép xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.

ASML 1
Công ty ASML. (Ảnh: Shutterstock)

“Gã khổng lồ” in thạch bản, có trụ sở chính tại Veldhoven, Hà Lan, tiết lộ lô hàng bao gồm một số thiết bị in thạch bản.

Trong một tuyên bố trên trang web chính thức của mình, ASML cho biết gần đây, Chính phủ Hà Lan đã thu hồi một số giấy phép vận chuyển đối với các hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i được cấp vào năm 2023, gây ảnh hưởng đến một số ít khách hàng Trung Quốc.

Tuyên bố cho biết, trong các cuộc thảo luận gần đây với Chính phủ Hoa Kỳ, ASML đã làm rõ hơn phạm vi và tác động của các quy định kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. ASML hoàn toàn cam kết tuân thủ tất cả những quy định hiện hành, bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu ở các quốc gia mà công ty này hoạt động.

ASML chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường máy in thạch bản. Hệ thống này sử dụng công nghệ in thạch bản quang học, dùng tia laser để thu nhỏ và in lại các mẫu mạch được thiết kế lên tấm wafer, để tạo ra các vi mạch cấp nanomet và chất bán dẫn cung cấp năng lượng cho nhiều thiết bị khác nhau, như điện thoại thông minh và thiết bị quân sự.

ASML cho biết, dự kiến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất sẽ không có tác động đáng kể đến triển vọng tài chính của công ty.

Một nguồn tin nói với Bloomberg rằng ASML đã được phép xuất khẩu 3 máy in thạch bản tia cực tím (DUV) cấp cao nhất sang Trung Quốc. Nhưng các quan chức Mỹ đã liên hệ với ASML và yêu cầu họ ngừng vận chuyển.

Mỹ đang ngăn cản Trung Quốc phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến, và hợp tác với các đồng minh để hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ nhập khẩu của các công ty Trung Quốc.

Huawei đã ra mắt một chiếc điện thoại thông minh vào năm ngoái, được cho là đã sử dụng chip cao cấp nhất được sản xuất bởi máy in thạch bản (DUV) nhúng của ASML, có tính năng tương tự như iPhone.

Một nguồn tin cũng cho biết, vào cuối năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã gọi điện cho Chính phủ Hà Lan về vấn đề này. Các quan chức Hà Lan đã yêu cầu Hoa Kỳ liên hệ trực tiếp với ASML để thảo luận về việc vận chuyển những chiếc DUV nhúng này.

Sau khi Mỹ đưa ra yêu cầu, vẫn chưa rõ tổng cộng có bao nhiêu máy bị ngừng vận chuyển.

Dưới sự thúc đẩy bởi chính quyền Biden, từ năm ngoái, Hà Lan đã thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát xuất khẩu vào Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu dòng sản phẩm cao cấp thứ hai do ASML cung cấp từ ngày 1/1/2024. Trong năm qua, các công ty Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực dự trữ các thiết bị này.

Theo tờ SCMP ngày 22/12/2023, giá trị của các hệ thống in thạch bản sản xuất chip chủ chốt được Trung Quốc nhập khẩu từ Hà Lan đã tăng 1050% trong tháng 11. Tháng trước, Trung Quốc đã nhập khẩu 16 hệ thống chiếu của Hà Lan trị giá 762,7 triệu USD, tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái, cho thấy lệnh hạn chế của Mỹ còn nhiều lỗ hổng.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của ASML, sau Đài Loan và Hàn Quốc. Nhưng trong quý 3 năm 2023, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ASML, chiếm khoảng 46% doanh thu của công ty này.

Tháng 10/2023, Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng Washington có quyền hạn chế xuất khẩu máy “Twinscan NXT1930Di” của ASML nếu trong đó có sử dụng bất kỳ linh kiện nào của Mỹ.

Thiết bị in thạch bản tia cực tím (DUV) này có thể được sử dụng để sản xuất những con chip tiên tiến hơn. Hoa Kỳ hy vọng ngăn việc xuất khẩu thiết bị này, để làm chậm tiến bộ công nghệ và quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các công ty và nhà cung cấp chất bán dẫn Hà Lan đang có kế hoạch đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Tháng 11/2023, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, ông Mark Rutte, đã dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam.

Trong chuyến thăm, nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan Besi (BESVF) thông báo, công ty đã được chấp thuận thuê nhà máy ở miền Nam Việt Nam, với vốn đầu tư ban đầu là 5 triệu USD.

Ông Henk Jan Poerink, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của Besi, tiết lộ chiến lược của công ty là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông dự định chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bình Minh (t/h)