Bộ trưởng Honduras cho biết quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan bắt nguồn từ ‘chủ nghĩa thực dụng, không phải ý thức hệ’ khi đất nước này đang phải hứng chịu những khó khăn kinh tế.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Honduras cho biết hôm thứ Tư rằng quyết định mở quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ với Đài Loan được thúc đẩy bởi lợi ích kinh tế hơn là ý thức hệ.

Phát biểu với kênh truyền hình Canal 5, ông Eduardo Enrique Reina nói rằng nợ gia tăng và nhu cầu đầu tư nhiều hơn đã thúc đẩy quyết định được Tổng thống Honduras Xiomara Castro công bố hôm thứ Ba.

“Tình hình toàn cầu rất phức tạp. Chúng ta cần cởi mở,” ông Reina nói. “Chúng tôi cần đầu tư. Chúng tôi cần hợp tác.”

Các bình luận của Bộ trưởng nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều quốc gia đang đối mặt, đó là đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Hoa Kỳ – quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan, và Trung Quốc – quốc gia coi hòn đảo t23 triệu dân là lãnh thổ của riêng mình và không có quyền đối ngoại cấp nhà nước.

Nếu Honduras thực hiện theo thông báo trong tuần này, Đài Loan sẽ chỉ còn lại 13 đồng minh ngoại giao chính thức.

Honduras là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Trung Mỹ với gần 75% dân số sống trong nghèo đói.

Ông Reina cho biết Honduras đã yêu cầu Đài Loan tăng gấp đôi khoản hỗ trợ 50 triệu USD mà họ nhận được mỗi năm và xem xét “sắp xếp lại” khoản nợ 600 triệu USD của quốc gia đối với hòn đảo này.

Khi Honduras không nhận được phản hồi tích cực, ông Reina cho biết chính quyền Castro đã chuyển sang theo đuổi quan hệ ngoại giao với chính phủ Trung Quốc, trong một diễn biến mà ông cho rằng bắt nguồn từ “chủ nghĩa thực dụng, không phải ý thức hệ”.

Bộ trưởng cho biết quyết định này được đưa ra sau các cuộc trao đổi với Mỹ và các đồng minh châu Á, đồng thời cho biết thêm rằng ông cũng muốn tăng cường quan hệ với Washington và các nước khác.

Tuy nhiên, động thái này có thể gây ra những hậu quả đối với mối quan hệ giữa Honduras và Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Trung Mỹ này.

Washington coi Bắc Kinh là đối thủ địa chính trị hàng đầu của mình và mối quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên căng thẳng trên nhiều bình diện vì trong những năm gần đây, bao gồm thương mại, vấn đề Đài Loan, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Mỹ  tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cuối ngày thứ Ba, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Bill Cassidy viết trên Twitter rằng Honduras đang tiến “đến gần Trung Quốc cộng sản hơn trong khi thế giới đang rời xa”. 

Ông Reina cũng chỉ ra rằng 171 quốc gia khác có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc chứ không phải với Đài Loan. Mỹ là một trong những quốc gia đó, nhưng cũng là đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan và là nhà cung cấp vũ khí chính.

Ông Reina nói thêm rằng các quan chức Honduras có thể sẽ gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong những ngày tới để chính thức hóa mối quan hệ. Họ đã liên hệ với đại sứ Trung Quốc tại Costa Rica để bắt đầu đàm phán.

Costa Rica là một trong số các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Nicaragua, El Salvador và Cộng hòa Dominica, cũng đã từ bỏ Đài Loan để ủng hộ quan hệ với Trung Quốc trong những năm gần đây.

Xu hướng này thể hiện mong muốn của nhiều nước nghèo tránh chọn bên khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai đều được coi là nguồn thương mại và đầu tư quan trọng.

Lê Vy