Từ ngày 27/2, một nhóm học giả Đức đã tổ chức khảo sát xã hội học ở Nga, theo đó chỉ ra có nhóm người không nhỏ ở Nga ủng hộ cuộc chiến xâm lược Ukraine.

p3135761a745364349
Quân Nga đang chuẩn bị tấn công khu vực Donbas ở miền đông Ukraine. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga).

Nghiên cứu khảo sát là của Phòng Thực nghiệm Xã hội học Cộng đồng – Đại học Bremen (Đức). Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu ở Nga, mỗi cuộc khoảng 40 đến 50 phút, theo đó trong số 134 cuộc phỏng vấn có 30 người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Nga Putin trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Phân loại như sau: 

Người tin vào tuyên truyền của nhà cầm quyền

Nhóm nghiên cứu nhận thấy có những người theo xu hướng tin vào những lời tuyên truyền sáo rỗng theo kịch bản của nhà cầm quyền Nga. Đó là những người thường không xem được tin từ truyền thông ngoài luồng. Lý do họ biện minh cho cuộc chiến của nhà cầm quyền là để bảo vệ người dân ở Donbas khỏi bị khủng bố bởi chế độ Ukraine bị chụp mũ là “chủ nghĩa dân tộc”, “phát xít”, “chủ nghĩa Quốc xã” hoặc “chủ nghĩa phát xít”. 

Những người này lo lắng về thương vong dân sự của người Ukraine, nhưng họ tin rằng quân đội Ukraine phải chịu trách nhiệm. Điều thú vị là đi cùng thực trạng cuộc chiến tranh leo thang và kéo dài, những người này càng có xu hướng nghi ngờ niềm tin ban đầu của họ.

Người muốn khôi phục vị thế huy hoàng của Nga

Nhóm học giả Đức nghiên cứu nhận thấy rằng có những người Nga ủng hộ cuộc chiến xâm lược Ukraine này một cách có ý thức và động cơ về mặt tư tưởng.

Những người này từ trước đã có thái độ đối với chính sách đối ngoại của Nga, chủ yếu là những người có quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc hoặc đế chế. Họ mơ về một nước Nga mạnh mẽ cuối cùng sẽ đánh bại ‘kẻ thù vĩnh cửu’ của Nga là phương Tây. Những người này không chỉ ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga vào Ukraine mà thậm chí còn nhiệt liệt hưởng ứng. 

Những người thuộc nhóm này không sợ các lệnh trừng phạt, theo quan điểm của họ thì điều đó sẽ chỉ giúp Nga thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào phương Tây. Họ cũng có thể chỉ trích Putin trong các vấn đề đối nội, nhưng họ rất ủng hộ ông ta trong các vấn đề đối ngoại. Vì vậy, nhóm học giả Đức cho rằng không có lý do gì để tin rằng những người như vậy sẽ thay đổi thái độ đối với chiến tranh.

Người không tin chính quyền nhưng coi NATO là mối đe dọa

Nhóm người này cũng không ưa gì chiến tranh nhưng tin rằng chiến tranh là cần thiết để phản ứng trước thực trạng NATO đông tiến nên phải “hành động đặc biệt” để đảm bảo an ninh cho Liên bang Nga.

Nhóm học giả Đức nhận thấy rằng những người này nghi ngờ về tuyên truyền quân sự của chính quyền Nga và không tin tưởng vào các phương tiện truyền thông nhà nước Nga. Nguồn thông tin của nhóm người này có được đa dạng hơn, bao gồm cả của phe đối lập nhà cầm quyền Nga và của truyền thông Ukraine. Họ có xu hướng tin rằng chiến tranh sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, người dân Nga bị bần cùng hóa và xã hội Nga bị chia rẽ, và thậm chí nhiều người còn lo sợ sẽ có nội chiến. Họ cũng có đánh giá đa dạng như vậy trong các vấn đề đối nội. 

Người liên quan đến Đông Ukraine

Một số ít người Nga ủng hộ chiến tranh có người thân và bạn bè ở Đông Ukraine, họ cho rằng “cuộc chiến mới” này là cơ hội để kết thúc “cuộc chiến cũ”. Kể từ năm 2014 khi người Ukraine lật đổ chính phủ thân Nga và chế độ bù nhìn Ukraine do Putin hậu thuẫn, thương vong liên tục ở Donbas và các khu vực khác khiến họ thờ ơ với thảm cảnh mới hiện nay ở Đông Ukraine.

Người ủng hộ vì… không thể làm khác 

Mặc dù có những người Nga cũng biết chỉ trích nhất định đối với ngòi nổ, quá trình và hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng họ vẫn ủng hộ cuộc xâm lược. Một nhà giáo dục nữ 49 tuổi khẳng định: “Tôi sinh ra ở Liên Xô và lớn lên với tinh thần yêu nước, vì vậy tôi ủng hộ đất nước của tôi chủ yếu là vì tôi không thể làm khác”. Dù cô cũng đồng cảm với người Ukraine và ác cảm với chiến tranh, nhưng không tin vào khả năng thay đổi.

Nhóm học giả Đức cũng đã phát hiện ra rằng ở Nga có những người phản đối chiến tranh nhưng lại ủng hộ các “hoạt động đặc biệt”. Câu trả lời của họ có thể khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh chính trị, môi trường truyền thông và bối cảnh của cuộc trò chuyện; một số người đã ủng hộ việc Putin dùng quân đội đối với bên ngoài dựa trên yếu tố lịch sử và chính trị nước Nga.

Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, những người Nga đã ủng hộ cuộc chiến sẽ không dễ để thay đổi thành phản đối cuộc chiến, trái lại tiếp tục tìm lý do để hợp lý hóa quan điểm của họ.