Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ)  vào ngày 18/4, số người Afghanistan sống trong cảnh nghèo đói đã tăng gấp đôi lên 34 triệu người sau khi Mỹ rút quân và quốc gia này bị Taliban tiếp quản.

Embed from Getty Images

(Người dân Afghanistan trong những chiếc lều tạm vào đầu năm năm 2023 ở quận Kamber, Kabul/Ảnh: Getty Images)

Sau khi nhà nước Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ vào năm 2021, nhiều quốc gia đã từ chối giao dịch với chính quyền mới của Taliban, từ đó khiến các khoản trợ cấp lớn của nước ngoài bị đình chỉ và các chương trình viện trợ bị cắt giảm.

Nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn kiên trì ở lại và đã có những trợ giúp đáng kể. Tuy nhiên họ đã bị giáng một ‘đòn’ mạnh vào tháng 12 năm ngoái khi chính phủ Taliban ra lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho những tổ chức này.

Trong tháng 4/2023, lệnh hạn chế này đã được áp dụng cho cả các nữ nhân viên người Afghanistan của LHQ. Cơ quan này cho biết họ đang phải đối mặt với một “lựa chọn khủng khiếp” về việc có nên tiếp tục các chương trình viện trợ hay không.

Hôm 18/5, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố dữ liệu ước tính rằng trong năm 2022, có 34 triệu người Afghanistan đang sống dưới mức nghèo khổ.

Con số này thể hiện mức tăng đáng kinh ngạc từ 15 triệu người vào năm 2020, năm cuối cùng Afghanistan nằm dưới sự quản lý của chính phủ do phương Tây hậu thuẫn. Chính phủ này đã sụp đổ chỉ trong vài tuần vào mùa hè năm 2021 sau khi Mỹ rút quân.

Dù không có dữ liệu điều tra dân số hiện tại của Afghanistan nhưng LHQ đã ước tính con số số là 40 triệu người, đồng nghĩa với việc 85% dân số của nước này được dự đoán là rơi vào cảnh nghèo đói.

Báo cáo của UNDP cho hay: “Một số người buộc phải bán nhà, đất hoặc các tài sản có khả năng tạo ra thu nhập. Những người khác đã dùng đến các tập tục đáng sợ là biến thành viên trong gia đình họ thành ‘hàng hóa’, biến trẻ em thành người lao động và những cô con gái nhỏ thành cô dâu.”

LHQ đã chuyển một lượng lớn USD vào Afghanistan để chi trả cho nhân viên và chi phí vận hành – những khoản tiền mặt cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế đang bị chững lại của một quốc gia.

“Rơi vào vực thẳm”

Theo phái bộ của LHQ tại Afghanistan, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2023, khoảng 1,8 tỷ USD đã được ‘nhập khẩu’ theo cách trên.

Phái bộ đã cảnh báo vào đầu năm: “Nếu khối lượng hỗ trợ mà LHQ có thể cung cấp giảm đi thì lượng tiền mặt được chuyển đến cũng sẽ giảm.”

Điều đó có nghĩa là nếu LHQ giảm bớt khối lượng công việc của mình do sự kiềm chế của chính phủ Taliban thì sẽ gây ra tác động kép là viện trợ bị giảm và huyết mạch kinh tế quan trọng đối với những người Afghanistan đang tuyệt vọng sẽ bị cắt đứt.

LHQ cũng đã cảnh báo rằng những lệnh hạn chế của Taliban có thể khiến ‘vòi’ viện trợ bị tắt tại nguồn, khi những nhà tài trợ e dè cam kết tiền mặt cho các dự án không thể thực hiện được.

Lời kêu gọi giúp đỡ Afghanistan của LHQ trong năm 2023 đến nay mới chỉ huy động được 5% trong tổng mục tiêu 4,6 tỷ USD.

“Nếu viện trợ nước ngoài bị cắt giảm trong năm nay, Afghanistan có thể rơi từ vách đá xuống vực thẳm”, Đại diện thường trú của UNDP tại Afghanistan, ông Abdallah Al Dardari, phát biểu.

Nhiều đơn vị đã ngừng hoạt động để phản đối lệnh cấm các tổ chức phi chính phủ thuê phụ nữ Afghanistan vào tháng 12 năm ngoái.

Sau nhiều ngày gây tranh cãi, một sự miễn trừ đã được cấp cho những người làm việc trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên theo UNDP, 150 tổ chức phi chính phủ và các cơ quan viện trợ “đã đình chỉ tất cả hoặc một phần công việc của họ”.

Các nhân viên viện trợ cho hay họ cần những lao động nữ giúp xác định và hỗ trợ các phụ nữ Afghanistan cần được hưởng quyền lợi trên khắp đất nước.

“Lệnh cấm để lại những hậu quả rất tiêu cực,” ông Dardari trả lời các phóng viên trong buổi công bố báo cáo của UNDP tại Kabul.

“Nếu chúng tôi không có những đồng nghiệp nữ đó, ai sẽ gõ cửa, hỗ trợ và nói chuyện với những phụ nữ Afghanistan tại nhà của họ?”

Tác động tiêu cực

LHQ đã yêu cầu tất cả công dân Afghanistan, gồm cả nam và nữ, tránh xa các văn phòng của họ kể từ khi chính quyền Taliban cấm nữ nhân viên LHQ người Afghanistan làm việc vào 2 tuần trước.

“Hiện tại họ đang làm việc tại nhà, họ sẽ tiếp tục là nhân viên của LHQ và họ sẽ tiếp tục được trả lương”, ông Dardari khẳng định.

Lệnh cấm nữ nhân viên Afghanistan làm việc tại LHQ là lệnh mới nhất trong một loạt các hạn chế ngày càng tăng đối với quyền tự do của phụ nữ kể từ năm 2021, khiến các cô gái tuổi ‘teen’ bị cấm đến trường và phụ nữ bị đẩy ra khỏi nhiều công việc của chính phủ.

Trong một tuyên bố rộng rãi trước lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo, thủ lĩnh tối cao của Taliban Hibatullah Akhundzada cho rằng “sự phát triển của Afghanistan là trách nhiệm của người Afghanistan”.

“Chúng ta không nên dựa dẫm vào người khác,” trích lời ông Akhundzada.

Qatar, theo truyền thống, là một nhà tài trợ lớn đã thúc ép chính quyền Taliban chấm dứt lệnh cấm lao động nữ. Nước này cho biết hôm 18/5 rằng họ đã gửi chuyến bay nhân đạo đầu tiên tới Afghanistan sau 10 tháng, mang theo thực phẩm, vật tư y tế và sách vở.

Vy An (Theo AFP)