Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo Bắc Kinh đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu, tiến hành các hoạt động mua cổ phần các “hãng tin công cộng và phi công cộng”, tài trợ cho những người có ảnh hưởng, triển khai đội ngũ dư luận viên, kiểm duyệt, thu thập số liệu, và mua bí mật các hãng tin nước ngoài. Mỹ cảnh báo xu hướng này có thể dẫn đến “thu hẹp mạnh mẽ” quyền tự do ngôn luận toàn cầu, Reuters đưa tin.

p3144221a483037124 ss
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Báo cáo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi giữa hai nước về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng dấu ấn toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách chống phá những hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc mà họ cảm thấy đang lan ra ở truyền thông thế giới.

Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, bình luận rằng báo cáo của Mỹ nhằm mục đích làm gia tăng sự đối đầu về ý thức hệ và “bôi nhọ các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc”.

Ông nói: “[Báo cáo của Mỹ] được viết với tâm lý Chiến tranh Lạnh, nó chỉ là một công cụ khác để kiềm chế Trung Quốc và củng cố quyền bá chủ của Mỹ. Trung Quốc cực lực phản đối những động thái như vậy.”

Trích dẫn các báo cáo công khai và “thông tin chính phủ mới thu được”, Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao cho hay Bắc Kinh đã tạo ra hệ thống hoàn thiện về thông tin của riêng mình bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài.

Trung Quốc cũng đã đầu tư vào mạng lưới vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Việc thu thập số liệu của Trung Quốc ở nước ngoài “đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh việc kiểm duyệt toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể”, báo cáo viết, và: “Nếu không được kiểm soát, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể dẫn đến… sự thu hẹp mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận toàn cầu”.

Theo báo cáo, bất chấp chi phí nguồn lực chưa từng có dành cho chiến dịch này, Bắc Kinh đã gặp phải “thất bại lớn” khi nhắm mục tiêu vào các nước dân chủ, do sự phản đối của truyền thông địa phương và xã hội dân sự đối với những thứ tin tức bị bóp méo bởi bộ máy Bắc Kinh.

Nhật Tân