Reuters, dẫn theo các nguồn tin riêng giấu tên, cho biết Mỹ mới đây đã chỉ thị cho các nhà kinh doanh dầu mỏ và các công ty lọc dầu khắp thế giới phải cắt giảm giao dịch với Venezuela hoặc bản thân họ sẽ phải đối mặt với chế tài ngay cả khi các giao dịch này không nằm trong danh sách trừng phạt mà Mỹ đã ban hành.

Embed from Getty Images

Nhà máy lọc dầu Citgo tại Lemont, Illinois
– công ty con của Công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezudela. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Động thái mới nhất của Mỹ nêu trên đến khi những nỗ lực của Washington nhằm lật đổ Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro và ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã bị đình trệ. Đây cũng là dấu hiệu tiếp theo về cách mà chính quyền Trump dựa vào các công ty ngoài nước Mỹ để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình.

Mỹ đã áp đặt các chế tài mới lên ngành dầu mỏ Venezuela từ đầu năm nay, nhưng một số công ty quốc tế vẫn tiếp tục cung cấp cho nước này nhiên liệu từ Ấn Độ, Nga và Châu Âu.

Washington đặc biệt muốn chấm dứt cung cấp xăng và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế được sử dụng để pha loãng dầu nặng của Venezuela nhằm làm cho dầu của nước này đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Các nguồn tin giấu tên nói rằng Mỹ sẽ cho phép ngoại lệ đối với xăng máy bay và dầu diesel vì các lý do nhân đạo.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước Ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) vào đầu tháng Hai đã thông báo lệnh cấm sử dụng hệ thống tài chính của cơ quan này vào giao dịch dầu mỏ với Venezuela sau tháng Tư.

Nhưng cho tới tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho các công ty nước ngoài rằng phạm vi của các chế tài mà Washington áp đặt lên ngành dầu mỏ Venezuela sẽ mở rộng hơn.

Các nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng Bộ Ngoại giao đã nói rõ rằng bất kỳ loại giao dịch dầu mỏ nào với Venezuela cho dù đó là trực tiếp, gián tiếp hay trao đổi, sẽ đều bị coi là vi phạm chế tài.

Các doanh nghiệp thương mại lớn nhất chiếm 10% giao dịch dầu mỏ toàn cầu, trụ sở tại Châu Âu như Vitol, Gunvor, Mercuria, Trafigura và Glencore, được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định mới nhất của Washington.

Reuters cho biết họ đã liên lạc với OFAC để yêu cầu cung cấp thêm thông tin, nhưng không nhận được phản hồi.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tham gia cùng với các công ty trong ngành năng lượng về những rủi ro tiềm năng mà họ phải đối mặt khi kinh doanh với PDVSA.”

Reuters nhận định rằng chính quyền Trump đang ngày càng sử dụng nhiều hơn quyền lực dầu mỏ. Tại một sự kiện dầu mỏ lớn vào tháng này tại Houston, Texas, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bất ngờ xuất hiện và đưa ra một tầm nhìn về làm việc với các công ty năng lượng để cô lập Iran và Venezuela.

Theo các số liệu của Refinitiv Eikon và công ty PDVSA, tổng sản lượng xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu của Venezuela đã giảm xuống còn 920.000 thùng/ngày trong tháng đầu tiên bị Mỹ chế tài. Trong ba tháng trước đó, sản lượng xuất khẩu dầu của chế độ Maduro vẫn đạt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Bất chấp những áp lực từ Mỹ, Nga vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống Maudro.

Trong một leo thang căng thẳng mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Moscow phải rút tất cả binh lính của họ khỏi Venezuela. Ông Trump nói rằng “tất cả các lựa chọn” đều mở để khiến điều đó xảy ra.

Hôm 28/3, Nga đã đáp trả tuyên bố của ông Trump khi nói rằng Moscow đã gửi “các chuyên gia” tới Venezuela theo thỏa thuận hợp tác quân sự với chế độ Caracas.

Như Ngọc