Năm nước EU đòi gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine
- Nhật Tân
- •
Bungary, Hungary, Ba Lan, Romania, và Slovakia hôm Thứ Tư 19/7 cùng nhau yêu cầu EU gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, theo Reuters đưa tin. 5 quốc gia này nằm trên tuyến đường Ukraine xuất khẩu nông sản theo đường bộ, khi con đường qua Biển Đen gặp trở ngại do chiến tranh. Kể từ tháng 5, EU đã cho phép 5 nước này có thể ban lệnh cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine vào trong nước để bảo hộ nông dân địa phương, đồng thời cho phép quá cảnh những sản phẩm đó. Nếu không được gia hạn, lệnh sẽ hết hiệu lực sau hạn chót ngày 15/9.
Trước thềm cuộc họp tại Vácsava, Bộ trưởng Nông nghiệp Istvan Nagy cho biết 5 quốc gia sẽ yêu cầu gia hạn lệnh cấm. Ngoài ra, ông nói có thể sẽ thảo luận về khả năng bổ sung một số sản phẩm vào danh sách cấm.
“Chúng tôi sẽ tới Vácsava để củng cố sự hợp tác của 5 quốc gia và ký một tuyên bố hoặc thỏa thuận trong đó chúng tôi sẽ yêu cầu EU gia hạn lệnh cấm sau ngày 15 tháng 9,” ông Nagy nói.
Ông lưu ý rằng vụ thu hoạch ngô và hướng dương chưa bắt đầu ở Hungary trong khi vẫn còn một số ngũ cốc Ukraine trong kho.
Theo ông, lập trường đa số trong 5 thành viên là gia hạn lệnh cấm đến ngày 31/12, và Hungary cũng ủng hộ điểm này.
“Rõ ràng, Ukraine, với quy mô nông nghiệp rất lớn, bất cứ thứ gì họ sản xuất và xuất khẩu sang Châu Âu, đều làm đảo lộn thị trường. Tình hình cũng tương tự với thịt gà, trứng, mật ong,” ông nói. “Trước mắt vẫn là 4 sản. Chúng tôi đang cố gắng duy trì lệnh cấm đối với 4 sản phẩm này, và có thể sẽ có một thỏa thuận rằng các quốc gia, từng quốc gia, có thể yêu cầu EU áp đặt lệnh cấm đối với các sản phẩm bổ sung… đây là những gì chúng tôi đang thảo luận.”
Ảnh hưởng của việc chấm dứt thỏa thuận hành lang ngũ cốc Biển Đen
Nga đã rút khỏi thỏa thuận này sau 1 năm thực hiện, lý do là phía Âu Mỹ vẫn cản trở Nga bán ngũ cốc và phân bón sang các quốc gia khách hàng của họ.
Thỏa thuận được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hồi tháng 7 năm ngoái, cho phép có 1 hành lang an toàn trong thời chiến ở Biển Đen, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu lương thực, với lý do là đảm bảo an ninh lương thực thế giới, chủ yếu là cho các nước Châu Phi. Đổi lại, phương Tây cam kết sẽ không cản trở Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Thời gian qua, Ukraine đã chuyển dần hướng sang xuất khẩu qua đường bộ, và trong quá trình đó đã phá giá thị trường Châu Âu khiến 5 nước phản đối, dẫn tới các biện pháp điều tiết để bảo vệ nông dân địa phương.
Còn phía Nga, sau khi bị làm khó dễ ở đường xuất khẩu sang các nước thuộc phe Âu Mỹ ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế, thì họ chuyển dần sang bán ngũ cốc cho các nước Châu Phi, lấp vào chỗ trống mà Ukraine bán sang cho Châu Âu.
Tức là dù hành lang ngũ cốc Biển Đen có chấm dứt, thì cũng sẽ không thật sự gây ra ảnh hưởng đáng kể tới anh ninh lương thực thế giới.
Trong khi đó, giới chức Châu Âu miêu tả việc các nước khác phải nhập khẩu lương thực từ Nga là thiệt thòi và bị phụ thuộc vào Nga. Họ cũng cho rằng việc Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực và các hoạt động nhân đạo.
Từ khóa thỏa thuận ngũ cốc Nga - Ukraine cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine Dòng sự kiện Xuất khẩu lương thực