Năng lực ngoại giao của TT Biden bị đặt dấu hỏi sau khi Kabul sụp đổ
- Đức Thiện
- •
Với nhiều thập kỷ tham gia chính trị và cũng từng đó năm hoạch định chính sách đối ngoại, ông Joe Biden luôn tự tin về năng lực ngoại giao của mình. Tuy nhiên, sự sụp đổ chóng vách của chính phủ Afghanistan trong tay Taliban trước sự ngỡ ngàng của bộ sâu Biden đã làm rấy lên câu hỏi về năng lực hoạch định ngoại giao thực sự của vị tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Trong các cuộc tranh biện với những đối thủ trẻ tuổi trong Đảng Dân chủ ở cuộc đua đề cử ứng viên tổng thống năm 2020, ứng cử viên Joe Biden đã nhấn mạnh vào kinh nghiệm nhiều năm hoạch định chính sách ngoại giao của mình, nhấn mạnh vào việc công du toàn cầu, gặp gỡ các lãnh đạo thế giới trong nhiều năm làm thượng nghị sĩ và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và sau đó là phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama.
“Chúng ta đang sống trong thời khắc nguy hiểm nhất của một thế hệ”, đó là đoạn mào đầu sân khấu trong chiến dịch tranh cử của ông Biden tại Iowa vào cuối năm 2019.
“Đây là thời khắc yêu cầu sự lãnh đạo mạnh mẽ, chắc chắn và kiên định. Chúng ta cần một người đã được thử thách và đã được tin tưởng khắp thế giới. Đây là thời khắc cho Joe Biden – một vị tổng thống có kinh nghiệm lãnh đạo”, đoạn mào đầu nhấn mạnh.
Sau khi giành được đề cử của Đảng Dân chủ, ông Biden đã tấn công ông Tổng thống Donald Trump về chính sách đối ngoại.
Trong một cuộc vận động tranh cử, ông Biden lập luận: “[Nước Mỹ] chúng ta đang tự đưa mình vào vị thế bị cô lập với thế giới hơn bao giờ hết”.
Và khi ông đắc cử và loan báo một số thành viên hàng đầu trong đội ngũ an ninh quốc gia, tổng thống tân cử Joe Biden đã nhấn mạnh rằng: “Nước Mỹ đã quay lại. Sẵn sàng lãnh đạo thế giới, không thoái lui trách nhiệm đó. Một lần nữa, [nước Mỹ] sẽ ngồi ở vị trị lãnh đạo. Sẵn sàng đương đấu với kẻ thù, và không bài bác đồng minh, sẵn sàng ủng hộ những giá trị của chúng ta”.
Nhưng khi những hình ảnh, thước phim về Taliban nhanh chóng tiếp quản Afghanistan và lính Mỹ vội vã sơ tán các nhà ngoại giao, công dân Mỹ và đồng minh khỏi Kabul được lan truyền khắp thế giới trong vài ngày qua, thì hình tượng về một Joe Biden tinh thông về đối ngoại đã bị phủ mờ.
Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn đối với Tổng thống Joe Biden, khi mà những gì một tháng trước ông đã hứa sẽ không xảy ra, bây giờ đã thực sự xảy ra.
“Sẽ không bao giờ có trường hợp quý vị nhìn thấy mọi người được đưa đi từ mái nhà của đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan”, ông Biden nói hôm 8/7 khi được các phóng viên hỏi về những sự tương đồng giữa việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan với sự kiện sơ tán quân đội, quan chức dân sự Mỹ và đồng minh khỏi Sài Gòn khi chính quyền Nam Việt Nam sụp đổ vào năm 1975.
Ông Biden liên tiếp đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump về vấn đề Afghanistan. Tổng thống của Đảng Dân chủ nói rằng ông đã phải kế thừa thỏa thuận của ông Trump với Taliban về việc rút lính Mỹ khỏi quốc gia Nam Á. Nhưng ông Biden hoàn toàn có quyền hủy bỏ thỏa thuận đó, như ông đã làm với hầu hết các chính sách khác của người tiền nhiệm hoặc ông có thể thực hiện kế hoạch rút quân một cách khôn ngoan hơn.
Cựu Tổng thống Trump mới đây đã khẳng định: “Vấn đề không phải là chuyện chúng ta rời khỏi Afghanistan. [Mà] vấn đề là chúng ta đã rời đi theo cách cực kỳ kém cỏi!”
Ông Trump cho rằng ông Biden đã thực hiện rút quân một cách bừa bãi không theo kế hoạch mà chính quyền Trump đã vạch ra, cũng như không căn cứ vào thực tế diễn tiến trên chiến trường Afghanistan.
Tổng thống Biden trong bài phát biểu trước quốc dân về tình hình Afghanistan vào chiều thứ Hai (16/8, giờ Mỹ) đã phải thừa nhận rằng sự sụp đổ của Kabul đã diễn ra nhanh hơn chính quyền của ông dự tính.
“Điều này thực sự đã diễn tiến nhanh hơn chúng tôi dự tính”, ông Biden nói tại Nhà Trắng.
Bình luận về cách ông Biden xử lý tình hình Afghanistan, chuyên gia nghiên cứu chính trị kỳ cựu Wayne Lesperance đã nói với Fox News: “Tổng thống Biden đã không ngừng thể hiện bản thân ông ta là bậc thầy về chính sách đối ngoại trong suốt các cuộc đua bầu cử tổng thống sơ bộ và tổng tuyển cử. Nhưng những gì đã xảy ra do quyết định rút lính Mỹ khỏi Afghanistan của ông ta là thất bại đáng kể về an ninh quốc gia Mỹ và hoạch định tình báo”.
“Tiền của và máu mà 20 năm [Mỹ đổ vào Afghanistan] đã bị Taliban quét sạch chỉ trong vài tuần. Có lẽ đây là kết quả không thể trách được. Nhưng, nó xảy ra trước mắt Biden, và ông ta cho đến nay đã không có bất kỳ phản ứng thực sự nào về những gì tất cả chúng ta đang chứng kiến tại Afghanistan. Hậu quả là, niềm tin vào chính sách đối ngoại của ông ta đã tan biến”, ông Lesperance nhấn mạnh.
Ông Lesperance cho rằng khả năng “trong vài tuần tới, chúng ta sẽ thấy được những hình ảnh cụ thể về đời sống của người dân dưới sự cai trị của Taliban ra sao, đặc biệt là hình ảnh về [cuộc sống của] phụ nữ và các bé gái”.
“Mặc dù tất cả 4 vị tổng thống [Mỹ] gần nhất đều dính dấp vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại Afghanistan, nhưng trách nhiệm sau cùng thuộc về chính quyền Biden và thất bại của chính quyền Biden là đã không dự liệu trước được việc chính phủ và quân đội Afghanistan không có khả năng ngăn chặn Taliban”, ông Lesperance chỉ rõ.
Cựu Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua đã đặt ra câu hỏi sắp tới ông Joe Biden sẽ đầu hàng ai, ông Trump cho hay: “Đầu tiên, Joe Biden đã đầu hàng COVID và dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Sau đó, ông ta đã đầu hàng Taliban và nhóm này đã nhanh chóng tiếp quản Afghanistan và phá hủy niềm tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ… Tiếp theo, Joe Biden sẽ đầu hàng ai hay điều gì?”
Đức Thiện
Xem thêm:
Từ khóa Kabul sụp đổ Afghanistan Joe Biden Taliban Dòng sự kiện chính sách đối ngoại Chính quyền Biden