Nga xâm lược Ukraine dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu
- Trí Đạt
- •
Việc Nga xâm lược Ukraine đang ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện quân sự toàn cầu, và các nước phương Tây đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của họ. Các nhà phân tích chiến lược quốc tế cho rằng ngoài nguyên nhân trực tiếp là Nga xâm lược Ukraine, việc các nước phương Tây tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể cũng là một thách thức đối với ĐCSTQ.
Úc tăng quân trên quy mô lớn, Bộ trưởng quốc phòng ám chỉ dã tâm của ĐCSTQ không chỉ nhắm đến Đài Loan
Vào ngày 10/3/2022, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo rằng Úc sẽ đầu tư 38 tỷ đô la Úc để mở rộng quân đội vào năm trước 2040 nhằm tăng sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF) lên 80.000 người. Ông cho biết đây là đợt mở rộng quân sự lớn nhất của Úc trong thời bình.
Ông Morrison nhấn mạnh rằng việc mở rộng quân sự lớn nhất của Úc trong thời bình có nghĩa là Úc “bỏ phiếu tín nhiệm đối với lực lượng quốc phòng của mình”; đồng thời, điều đó cho thấy rằng Chính phủ Úc nhận thức rõ ràng rằng với tư cách là một quốc gia dân chủ tự do ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Úc hiện đang đối mặt với các mối đe dọa và tình hình an ninh quốc gia.
Ông Morrison cho biết, sở dĩ Úc có thể thành lập liên minh AUKUS với Anh và Mỹ, là vì Úc cam kết duy trì khả năng quốc phòng của chính mình. Ông nói, Úc “sẽ không giao nhiệm vụ phòng thủ cho người khác”.
Ông Morrison đề cập rằng lực lượng bổ sung sẽ được sử dụng để hỗ trợ các tàu ngầm mới trong tương lai, các hạm đội hải quân đối phó với tên lửa tầm xa và chiến tranh thông tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, người tháp tùng ông Morrison gặp mặt giới truyền thông, giải thích rằng Úc cần mở rộng quân đội để tăng khả năng răn đe.
Ông Dutton giải thích rằng nếu bạn hiểu lịch sử, bạn sẽ hiểu rằng dã tâm của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ giới hạn ở Ukraine; tương tự, một số người nghĩ rằng “dã tâm” tồn tại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chỉ nhắm vào Đài Loan, vì vậy họ nghĩ rằng Úc và các đồng minh không cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng cường khả năng răn đe. Ông Dutton chỉ phê bình suy nghĩ này là bỏ qua những bài học của lịch sử.
Trong bài phát biểu của mình, ông Dutton không nói rõ quốc gia có “dã tâm” ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là quốc gia thế nào. Nhưng Sky News Australia, The Australian Financial Review và trang trang web tại Úc của The Guardian đều chỉ ra, điều mà ông Dutton nói đó là dã tâm của ĐCSTQ, và dã tâm đó không chỉ giới hạn ở Đài Loan.
Ông Dutton tin rằng kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ của Úc có thể khiến Úc trở thành đồng minh đáng tin cậy hơn đối với Mỹ cũng như NATO, Nhật Bản, Ấn Độ và các đối tác khác ở Đông Nam Á.
Ông nhấn mạnh rằng nếu Úc cần dựa vào các đồng minh của mình, thì cần phải làm cho các đồng minh cảm thấy cần phải dựa vào Úc.
Thụy Điển tuyên bố tăng ngân sách quân sự, mức tăng lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh
Vào ngày 10/3/2022, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố trong một cuộc họp báo về chiến lược quân sự rằng Thụy Điển sẽ tăng ngân sách quân sự. Ngân sách quân sự mới sẽ chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội của Thụy Điển, và tăng cường lực lượng quốc phòng để chống lại các mối đe dọa an ninh mà hiện nay phải đối mặt.
Bà Andersson nói rằng để duy trì an ninh của Thụy Điển, hỗ trợ Ukraine và tăng cường năng lực quốc phòng của Thụy Điển, chính phủ sẽ tăng ngân sách quân sự. Thụy Điển dự kiến sẽ tăng ngân sách vũ khí lên 108 tỷ kronor (tương đương 11,16 tỷ USD) từ 66 tỷ vào năm 2021, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Điển. Lần cuối cùng Thụy Điển tăng đáng kể ngân sách quân sự của mình là trong những năm 1950.
Chính phủ Thụy Điển trước đó đã lên kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 91 tỷ kronor, tương đương 1,5% GDP vào năm 2025.
Bà Andersson cho biết Thụy Điển sẽ tăng cường lực lượng phòng thủ quân sự và dân sự. Quân số dự kiến sẽ tăng từ 60.000 lên 100.000 người, và có lẽ sẽ cần nhiều nam thanh niên hơn nhập ngũ để tham gia vào lực lượng phòng vệ lãnh thổ, nhưng con số thực tế sẽ phụ thuộc vào tình trạng phòng thủ dân sự.
Để duy trì sự ổn định trong nước (Thụy Điển) và giành đa số trong quốc hội, bà Andersson nói rằng chính phủ sẽ đạt được mục tiêu tăng ngân sách quân sự thông qua các biện pháp ổn định vững vàng, lâu dài và khả thi, vì vậy không có giới hạn về thời gian mục tiêu sẽ đạt được.
Các đảng đối lập của Thụy Điển đã đồng ý với quyết định của bà Andersson.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quân sự của Thụy Điển đã giảm kể từ năm 1997, từ 2% tổng sản phẩm quốc nội xuống 1,1% vào năm 2011, và đến năm 2021 chỉ tăng nhẹ lên 1,2%.
Đan Mạch tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng để đáp lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine
Ngày 6/3/2022, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, Đan Mạch sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng để đáp trả hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine. Bà chỉ ra rằng đây sẽ là khoản đầu tư quốc phòng lớn nhất của Đan Mạch trong thời hiện đại.
Theo thỏa thuận giữa các đảng chính trong quốc hội, Đan Mạch sẽ tăng dần chi tiêu quốc phòng để đạt 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2033. Điều này tương đương với mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm khoảng 18 tỷ krone Đan Mạch (tương đương 2,65 tỷ USD).
Các bên cũng nhất trí phân bổ 7 tỷ krone Đan Mạch trong hai năm tới để tăng cường các nỗ lực quốc phòng, ngoại giao và nhân đạo của Đan Mạch.
Bà Mette Frederiksen phát biểu trong một cuộc họp báo ở Copenhagen rằng: “Những khoảnh khắc lịch sử đòi hỏi những quyết định lịch sử, và đây là khoản đầu tư quốc phòng lớn nhất của Đan Mạch trong thời hiện đại.”
Đan Mạch là một thành viên NATO. Năm 2019, quốc gia này đã đồng ý tăng chi tiêu quân sự từ 1,35% GDP lên 1,5% vào năm 2023, nhưng Mỹ đã gây sức ép buộc Đan Mạch phải đạt được mục tiêu 2% do NATO đặt ra.
Để đối phó với mối đe dọa của Nga, Đức phá vỡ điều cấm kỵ và sẽ mở rộng đáng kể quân đội
Vào ngày 27/2/2022, Quốc hội Đức đã tổ chức một phiên họp đặc biệt để thảo luận về việc Nga triển khai quân đội tới Ukraine. Khi chủ tọa cuộc họp giới thiệu ông Andriy Melnyk, Đại sứ Ukraine tại Đức, người đang ngồi ghế dự thính, toàn hội trường đã vỗ tay hoan nghênh để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine bị xâm lược.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ngày Nga xâm lược Ukraine 24/2 là một “bước ngoặt của thời đại”. Ông Putin muốn quay ngược thời gian và khôi phục đế chế của thế kỷ 19; đối thoại với Nga, an ninh của châu Âu có thể được đảm bảo, nhưng trong tương lai gần, Putin sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với châu Âu.
Do đó, ông tuyên bố rằng Đức sẽ phân bổ một ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro vào năm 2022 để tăng cường lực lượng quốc phòng và mua sắm vũ khí. Ngân sách quốc phòng của Đức cũng sẽ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm trong tương lai để xây dựng một quân đội tiên tiến và mạnh mẽ hơn.
Ông Scholz nhấn mạnh rằng Đức cần có lực lượng mạnh hơn để bảo vệ nền dân chủ và tự do của mình, cũng như đảm bảo một trật tự hòa bình ở châu Âu.
Ông cũng cho biết châu Âu cần nhiều vũ khí tiên tiến hơn, vì vậy Đức sẽ làm việc với các đồng minh EU và NATO để mua máy bay chiến đấu và xe tăng thế hệ mới, đồng thời cân nhắc mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ để mang bom hạt nhân.
Trước bài học đau đớn của Thế chiến thứ Hai, Đức luôn chống lại yêu cầu tăng chi tiêu quân sự của các đồng minh NATO, và dư luận không ủng hộ chính phủ nước này tăng ngân sách quốc phòng. Do đó, thông báo của ông Scholz về việc mở rộng đáng kể lực lượng quân đội được cho là đã phá vỡ một điều cấm kỵ trong nhiều thập kỷ.
Nhiều nước như Pháp, Canada cân nhắc tăng chi tiêu quân sự
Romania và Ba Lan, có biên giới với Ukraine, cũng đã thông báo tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Romania, ông Johannes đã thông báo rằng ông sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP từ mức 2% hiện tại. Ba Lan có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP. Ba Lan cũng là một thành viên của NATO, và theo cam kết, chi tiêu quốc phòng hiện tại của Ba Lan được duy trì ở mức 2% GDP.
Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết sẽ cân nhắc việc tăng chi tiêu quốc phòng. Chi tiêu quốc phòng hiện tại của Canada là 1,39% GDP.
Một bài báo trên tạp chí The Economist số ra ngày 5/3/2022 trích dẫn phân tích của Citibank cho biết, chi tiêu quân sự của các thành viên NATO dự kiến sẽ tăng nhanh hơn, với 2% là mức thấp nhất trên thực tế đối với toàn NATO. Một ngân hàng khác, đó là ngân hàng Jefferies, chỉ ra rằng nếu tất cả các thành viên NATO đều đạt chỉ tiêu, tổng ngân sách quốc phòng của họ (không bao gồm ngân sách khổng lồ của Mỹ) sẽ tăng 25%, lên khoảng 400 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Bên ngoài NATO, Phần Lan nằm trong phạm vi tấn công của Nga, cho nên nước này cũng có thể tăng chi tiêu quân sự.
Ông Garret Martin, đồng phó giám đốc Trung tâm Chính sách Xuyên Đại Tây Dương tại Đại học American, nói với VOA rằng việc Nga xâm lược Ukraine là một mối đe dọa thực sự đối với các nước châu Âu, có thể là kết quả của việc các nước châu Âu quyết định tăng chi tiêu quốc phòng.
Các nước phương Tây tăng chi tiêu quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga
Việc Nga xâm lược Ukraine cũng khiến cường quốc quân sự số một thế giới là Mỹ cân nhắc việc tăng chi tiêu quốc phòng. Chính quyền Biden đã đề xuất Quốc hội tài trợ 10 tỷ USD cho cuộc chiến Ukraine, trong đó có 4,8 tỷ USD cho Lầu Năm Góc. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mỹ, đảng viên Dân chủ Adam Smith, cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine chắc chắn sẽ có nghĩa là ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính 2023 sẽ lớn hơn dự đoán ban đầu.
Theo VOA đưa tin, trong một hoạt động được tổ chức bởi Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute, có trụ sở tại Washington), ông Adam Smith nói rằng: “Việc Nga xâm lược Ukraine đã thay đổi cơ bản trạng thái an ninh quốc gia của chúng ta, và cả trạng thái phòng ngự mà chúng ta cần. Nó khiến chúng quốc phòng của chúng ta trở lên phức tạp hơn và tốn kém hơn.”
Ngoài cuộc khủng hoảng Ukraine, sự tăng trưởng thực lực quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng là một yếu tố quan trọng khiến các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ cân nhắc việc tăng chi tiêu quân sự.
Dân biểu Elaine Luria, một thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, cho biết bà không hài lòng với ngân sách mà Nhà Trắng gửi vào năm ngoái, đặc biệt là nhắm vào Trung Quốc và hải quân hoặc đóng tàu.
Ông Anders Corr, nhà xuất bản “Tạp chí Rủi ro Chính trị” (Journal of Political Risk) và là một nhà phân tích chiến lược quốc tế, cũng tin rằng kế hoạch tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng của các nước phương Tây cũng là cần thiết để ứng phó với thách thức của ĐCSTQ.
Ông nói với VOA qua email: “Lý do trực tiếp khiến chi tiêu quốc phòng ở phương Tây tăng lên là Nga, đây là mối đe dọa rõ ràng trong ngắn hạn sau cuộc xâm lược Ukraine, nhưng cũng là đến từ cách nhìn nhận rằng mối đe dọa từ Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng tăng lên. Kể từ năm 2016, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng khoảng 7% đến 8% mỗi năm. Điều này khiến chúng ta lo ngại vì nó cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát hàng năm của (Trung Quốc). Vào đầu nhiệm kỳ Tổng Bí thư ĐCSTQ của ông Tập Cận Bình vào năm 2012, mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc thậm chí còn cao hơn, khoảng 10% đến 12% mỗi năm. Ông Tập Cận Bình tăng chi tiêu quân sự không phải xuất phát từ mối đe dọa chủ quyền của Trung Quốc, mà là vì ông ấy muốn tăng cường sự kiểm soát và ảnh hưởng của Bắc Kinh ra phần lớn thế giới, và nó phù hợp với mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc (ĐCSTQ) là đạt được quyền bá chủ toàn cầu.”
Tại kỳ họp “lưỡng hội” mới đây của ĐCSTQ, ĐCSTQ cũng đã công bố ngân sách quốc phòng năm 2022 tăng 7,1%, không chỉ cao hơn mức tăng 6,8% của năm 2021 mà còn cao hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc là 5,5%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vượt 7%, đồng thời là mức tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này sẽ tăng cường huấn luyện quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Quân đội Giải phóng Nhân dân, lực lượng đang phát triển một loạt vũ khí từ máy bay chiến đấu tàng hình cho đến hàng không mẫu hạm.
Ông Phó Tiền Tiêu, một chuyên gia quân sự ĐCSTQ, tuyên bố với Thời báo Hoàn cầu của giới chức ĐCSTQ rằng trong 2 năm qua, chi tiêu quân sự của ĐCSTQ “vẫn còn rất hạn chế”, và rằng “mức này không hề cao”, đồng thời bác bỏ mạnh mẽ rằng gia tăng chi tiêu quân sự không liên quan gì đến tình hình ở Nga và Ukraine.
Báo cáo công tác chính phủ của ĐCSTQ năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%. Chi phí quân sự của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn GDP.
Tuy vậy theo Reuters, nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia nước ngoài tin rằng Bắc Kinh báo cáo dưới con số thực. Ngân sách quốc phòng được báo cáo của Trung Quốc vào năm 2022 chưa bằng một nửa chi tiêu đề xuất của Hoa Kỳ.
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa chạy đua vũ trang Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Ngân sách quân sự Ngân sách quốc phòng