Nhân quyền TQ: Hoa Kỳ có dám nhìn thẳng vào sai lầm lịch sử?
- Minh Nhật
- •
Ba mươi năm trước, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào Bắc Kinh. Binh lính bắn bừa bãi vào các sinh viên tay không tấc sắt. Xe tăng nghiền nát những người vô tội dưới làn xích. Hàng ngàn người trẻ tuổi đã bị sát hại, trong khi nhiều người khác bị tống vào tù trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ – một số người nhận bản án chung thân. Một số cá nhân đã hoàn toàn bốc hơi khỏi mặt đất. Đó là một thảm án nhân quyền.
Cộng đồng quốc tế đã đáp trả bằng sự phẫn nộ – một sự phẫn nộ đến nhanh chóng và ra đi trong ảo tưởng…
Tổng thống George H. W. Bush cử cố vấn an ninh quốc gia của mình, Brent Scowcroft, bí mật tới Bắc Kinh vào tháng 7, chỉ vài tuần sau khi tổng thống tuyên bố đình chỉ các cuộc họp cấp cao để phản ứng lại trước vụ thảm sát vào tháng 6.
Mục đích không thể nhầm lẫn của ông Bush là giữ cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc luôn ổn định, bất chấp vụ thảm sát Thiên An Môn. Một tài liệu của Bộ Ngoại giao mà Brent Scowcroft mang theo đã nói bằng ngôn ngữ xoa dịu rằng việc chính phủ Trung Quốc xử lý “những công dân có liên quan đến các sự kiện gần đây ở Trung Quốc” là một “vấn đề nội bộ”, và làm rõ các ưu tiên của Tổng thống Bush.
Ông Bush cho rằng mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc là lợi ích sống còn của cả hai nước. Về phần mình, tổng thống dự định sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì một phương hướng ổn định vì ông tin tưởng sâu sắc rằng mối quan hệ vững chắc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là vì lợi ích của hòa bình thế giới và ổn định quốc tế.
Vậy là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biết hậu quả của vụ thảm sát Thiên An Môn chỉ là sự đổ vỡ “tạm thời” trong quan hệ song phương Hoa Kỳ – Trung Quốc.
Không lâu sau đó, với việc hỗ trợ Trung Quốc vào WTO và bình thường hóa quan hệ thương mại, tổng thống kế nhiệm Bill Clinton trao cho Trung Quốc cành ô-liu để bước vào thế giới tự do. Phần còn lại của thế giới – cả các chế độ độc tài cũng như dân chủ – đều âm thầm chú ý đến tiền lệ này.
Ba mươi năm sau, châu Á nằm trong một cuộc khủng hoảng nhân quyền. Các tổ chức dân chủ ở Philippines căng thẳng với cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. Hun Sen xóa sạch phe đối lập ở Campuchia trong khi đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập và tiếp tục thắt chặt quyền lực của chính mình. Các lực lượng vũ trang Miến Điện thanh trừng sắc tộc đối với người Rohingya. Một báo cáo năm 2014 của ủy ban điều tra về quyền con người ở Bắc Triều Tiên cho thấy Tội ác chống lại loài người đã được thực hiện. Những tội ác đó bao gồm “tiêu diệt, giết người, bắt làm nô lệ, tra tấn, cầm tù, hãm hiếp, cưỡng bức và bạo lực tình dục; đàn áp về mặt chính trị, tôn giáo, chủng tộc và giới tính; cưỡng bức di dân; bắt cóc; cố tình gây ra nạn đói chết người.”
Và tất nhiên, tâm điểm của thảm trạng nhân quyền vẫn là Trung Quốc: đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp Duy Ngô Nhĩ, đàn áp Tây Tạng, đàn áp bạo lực biểu tình Đông Châu, đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp luật sư nhân quyền, đàn áp người bất đồng chính kiến, kiểm soát dân chúng với hệ thống thang điểm công dân và hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt…
Tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang viết lại Kinh thánh, phá nát các nhà thờ, và ném các mục sư và linh mục vào tù. Cụm từ “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số” đi vào kho từ vựng. Đảng Cộng sản Trung Quốc len lỏi vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.
Rồi đến tội ác thu hoạch tạng từ nhóm Pháp Luân Công, điều mà Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, Benedict Rogers, phải than thở là thứ mà “các chính phủ và Liên Hợp Quốc đã nhút nhát lảng tránh”. Nó đã khiến hàng chục nghìn tù nhân lương tâm tại Trung Quốc bị thiệt mạng hàng năm.
Và trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hủy hoại Tây Tạng, nghiền ép sự tự do của Hồng Kông, tống người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung, bước đầu đẩy mạnh việc giết người tại Tân Cương để bán tạng, thì những nhà lãnh đạo của Mỹ – những người đứng đầu thế giới tự do – vẫn đang dừng lại ở mức “lên án mạnh mẽ”, “kêu gọi chấm dứt” thay vì hành động thiết thực để bảo vệ tự do và công lý.
Mỹ đã có đạo luật Magnitsky, nó có thể sử dụng để cấm vận những cá nhân hay tổ chức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Không chỉ vậy, trong đạo luật Ngân sách hợp nhất 2019 (H.R.648) phần “Anti-Kleptocracy And Human Rights”, Mỹ còn có thể cấm visa đối với quan chức và người nhà trực tiếp của các quan chức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột, vợ, chồng, con cái họ.
Dù điều luật trên có ý nhắm tới gia đình quan chức cấp cao của các quốc gia vi phạm nhân quyền đặc biệt nghiêm trọng như Trung Quốc, nhưng chỉ lập pháp thôi thì rõ ràng là chưa đủ.
Tài sản tham nhũng từ người dân Trung Quốc có một bộ phận lớn đang nằm ở phương Tây. Con cái và dòng tộc những kẻ tham ô cũng có một bộ phận lớn nằm ở phương Tây. Nếu phương Tây thực sự hành động vì công lý, và hành động một cách đồng loạt, thì mọi việc sẽ khác.
Hoa Kỳ phải là quốc gia đi đầu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là Trung Quốc. Toàn thể người dân Trung Quốc xứng đáng được tự do, xứng đáng thoát khỏi sự tẩy não trong hơn 1 thế kỷ dưới cỗ máy độc tài.
Hoa Kỳ cần phải đối diện với sai lầm nhân quyền lịch sử hơn 30 năm về trước.
Thời điểm này vẫn chưa phải là quá muộn.
Minh Nhật
Dựa theo bài viết “China must pay for its brutal human rights record” (The National Interest)
Xem thêm:
Từ khóa Phật giáo Tây Tạng Thảm sát Thiên An Môn Đàn áp Thiên An Môn Kitô giáo Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công Duy Ngô Nhĩ