Nhật Bản sẽ tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho cựu thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 27 tháng 9, chính phủ thông báo hôm thứ Sáu (22/7).

Embed from Getty Images

Buổi lễ sẽ được tổ chức tại Nippon Budokan, Tokyo, một địa điểm lớn đã tổ chức các buổi hòa nhạc và sự kiện thể thao. Địa điểm này cũng đã từng được sử dụng cho lễ tang cấp nhà nước cuối cùng của Nhật Bản dành cho một cựu thủ tướng vào năm 1967.

Người phát ngôn chính phủ Hirokazu Matsuno cho biết việc ông Abe là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản, cũng như những thành tích “thực sự đáng khen ngợi” của ông và mối quan hệ của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã đủ điều kiện để tổ chức một lễ tang cấp nhà nước.

“Chúng tôi cũng sẽ chấp nhận [sự tham dự của] các chức sắc nước ngoài và các quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao sẽ được thông báo chi tiết”, ông nói thêm.

Ông Abe bị bắn trong khi đang vận động cho chiến dịch bầu cử vào ngày 8 tháng 7 ở phía tây thành phố Nara. Kẻ giết người Tetsuya Yamagami hiện đang bị giam giữ và được cho là nhắm vào ông Abe vì tin rằng nhà cựu lãnh đạo có liên hệ với Nhà thờ Thống nhất.

Mẹ của Yamagami được cho là đã quyên góp số tiền lớn cho nhà thờ, và điều này khiến nghi phạm tức giận, cho rằng nó đã gây ra khó khăn tài chính với gia đình.

Một đám tang nhỏ riêng tư đã được tổ chức tại một ngôi đền ở Tokyo ngay sau khi ông qua đời, với hàng nghìn người tập trung bên ngoài để đặt hoa và tỏ lòng tiếc thương.

Buổi lễ vào tháng 9 sẽ là lễ tang cấp nhà nước thứ hai cho một cựu thủ tướng Nhật Bản thời hậu chiến, sau Shigeru Yoshida, người lãnh đạo đất nước sau Thế chiến thứ hai.

Tuy vậy, kế hoạch này vấp phải một số trở ngại, khi các đảng đối lập đặt câu hỏi về việc chi tiền công cho một sự kiện dành cho một nhà lãnh đạo chính trị.

Một nhóm các nhà hoạt động đã yêu cầu tòa án Tokyo ra lệnh dừng tổ chức tang lễ, mặc dù chính phủ cho biết họ không coi sự kiện này là thúc đẩy quan điểm chính trị đối với công chúng.

Ông Abe là chính trị gia nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông duy trì một vị trí nổi bật trong đời sống công chúng ngay cả sau khi từ chức vào năm 2020 vì lý do sức khỏe.

Nhưng ông cũng từng đối mặt với những cáo buộc về chủ nghĩa thân hữu và bị chỉ trích vì quan điểm dân tộc chủ nghĩa kiên định của mình.

Xuân Lan (theo AFP)