Gần đây, tờ Nikkei Asia tiết lộ, kể từ năm tài chính 2023, Tokyo đang có kế hoạch cho phép chi tiêu quốc phòng 5 năm lớn nhất trong lịch sử, với tổng giá trị hơn 264 tỷ USD (30 nghìn tỷ yên).

p2984221a336500190
Phó Tư lệnh (ở giữa) Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) trò chuyện với các thành viên của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. (Ảnh: Public Domain / U.S. Marine Corps)

Trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, các tin tức hàng đầu gần đây của Nhật Bản đều tập trung vào việc tăng ngân sách quốc phòng. Hiện nay tất cả các nước đều liên tục tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng việc tăng chi tiêu quân sự của Nhật Bản là rất dễ nhận thấy. Bởi gần 50 năm qua, Nhật Bản vẫn luôn tuân thủ thông lệ dành 1% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, khi lực lượng quân sự của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga tiếp tục gia tăng và căng thẳng khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng, thông lệ 1% này có thể bị phá vỡ. Tờ Nikkei Asia đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng 5 năm lên 30 nghìn tỷ Yên (khoảng 264 tỷ USD).

Theo Wikipedia, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm ngoái đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 0,9% GDP, đứng thứ 9 trên thế giới. Tuy đứng sau nước Anh, nhưng Nhật Bản vẫn không thể so sánh với mức chi tiêu quốc phòng hơn 260 tỷ USD của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên

Tờ EurAsia Info đưa tin, với sự phát triển vũ khí và trang bị của Bắc Triều Tiên, tình hình trên bán đảo này ngày càng trở nên căng thẳng. Trong trường hợp xảy ra xung đột, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản chắc chắn sẽ được sử dụng để tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Bắc Triều Tiên. Ngược lại, Bình Nhưỡng cũng sẽ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung vào các mục tiêu tại Nhật Bản. Ngoài ra, cần đề phòng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa siêu thanh.

Trên biển, Trung Quốc và Triều Tiên mỗi nước có 60-70 tàu ngầm. Nga cũng đã triển khai khoảng 20 tàu ngầm ở khu vực Thái Bình Dương. Nhật Bản quả thực đang có nhu cầu mở rộng khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW).

Ở miền bắc Nhật Bản, tranh chấp giữa Tokyo-Moscow đã vươn đến quần đảo Kuril. Ở đầu phía nam của lãnh thổ, khả năng tác chiến hải quân của ĐCSTQ được mở rộng nhanh chóng, khiến tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) được đưa vào chương trình nghị sự.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn một lượng lớn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Trung Quốc và Nga tấn công Nhật Bản, Tokyo cũng đang nỗ lực chuẩn bị hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp. Trong khi đó, các máy bay Trung Quốc và Nga ngày càng tuần tra dày đặc gần không phận Nhật Bản, buộc Tokyo phải nâng cấp khí tài quân sự đất đối không.

Ngân sách tăng thêm được sử dụng vào đâu?

Theo EurAsia Info, số tiền bổ sung mà Nhật Bản rót vào chi tiêu quốc phòng chủ yếu sẽ được sử dụng để mua thiết bị mới, triển khai quân đội đến các đảo phía tây nam gần Trung Quốc và Đài Loan, và tăng cường phòng thủ tên lửa.

Các vấn đề cấp thiết cần giải quyết hiện nay gồm nâng cấp tàu hải quân, thay thế tên lửa đánh chặn trên mặt đất Aegis, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 triển khai vào khoảng năm 2035. Ngoài ra, Tokyo còn có kế hoạch mua máy bay tuần tra hàng hải P1 và máy bay vận tải C2.

Đáng chú ý là ngân sách quốc phòng lần này cũng bao gồm các lĩnh vực mới như phòng thủ mạng, vũ trụ và sóng điện từ. Vệ tinh có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa và công nghệ chống tấn công mạng cũng nằm trong chương trình nghị sự của dự án.

Ngưỡng 1% và các giới hạn quân sự

Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đã hứa trong cuộc bầu cử cách đây 2 tháng rằng ngân sách quốc phòng chỉ có thể tiếp tục tăng. Thậm chí có thể vượt ngưỡng “1% GDP” trong hơn 40 năm qua.

Từ năm 1975, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản không vượt quá 1% GDP. Đây luôn là một thông lệ phi chính thức. Nguyên nhân là do ông Kakuei Tanaka, Thủ tướng của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) nắm quyền khi đó, bị phát hiện đã nhận hối lộ từ công ty Lockheed Martin.

Từ đó, Đảng Dân chủ Tự do thay thế ông Tanaka bằng ông Takeo Miki, và hứa sẽ thực hiện một nền “chính trị liêm chính”. Đồng thời tuyên bố trong Quốc hội Nhật Bản rằng chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ không vượt quá 1% GDP. Kể từ đó, 1% là mức trần ngân sách quốc phòng trong thực tế.

Tờ EurAsia Info chỉ ra rằng căng thẳng địa chính trị leo thang đã khiến Nhật Bản liên tục tăng chi tiêu quốc phòng và thực hiện cải cách quân đội trong những năm qua. Vào năm 2013, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới.

5 năm sau, kế hoạch quốc phòng 10 năm và kế hoạch mua sắm trung hạn đã được thông qua. Sau đó, ông Abe còn diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, cho phép Lực lượng Tự vệ của nước này hợp tác với quân đội nước ngoài, bảo vệ đất nước.

Trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 10 năm nay, Đảng Dân chủ Tự do đã đưa vào tuyên ngôn của mình 2% GDP, tức là thêm 100 tỷ USD sẽ được phân bổ mỗi năm cho các mục tiêu quân sự.

Tuy nhiên, khả năng tăng chi tiêu quốc phòng cũng đi kèm với một loạt vấn đề. Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, Thủ tướng mới đắc cử Fumio Kishida sẽ khó tăng chi tiêu quốc phòng lên 2%. Nguyên nhân chủ yếu là do nền tài chính công nợ nần chồng chất và đại dịch COVID đã khiến nền kinh tế Nhật Bản suy giảm 29%. Ngoài ra, việc gia tăng chi tiêu quân sự cũng vấp phải sự phản đối chính trị cả bên trong và bên ngoài.

Tuy nhiên, vũ khí trang thiết bị của ĐCSTQ, Nga và Triều Tiên đang không ngừng gia tăng. Nhật Bản, quốc gia theo đuổi chủ nghĩa hòa bình, có khả năng sẽ từ bỏ mức trần 1% trong tương lai.

Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang gây áp lực lên các đồng minh chính của mình, yêu cầu họ tăng chi tiêu quốc phòng. Nếu Nhật Bản, với tư cách là một đối tác quân sự của NATO, có thể tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, thì nước này sẽ ngang bằng với các quốc gia thành viên của NATO.

Cổ Vọng Cầm / Vision Times

Xem thêm: