Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm thứ Hai (ngày 4/9) thông báo, Thủ tướng Lý Cường sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Điều này chứng thực tin đồn ông Tập Cận Bình sẽ vắng mặt. Bà Mao Ninh từ chối giải thích lý do hay trả lời các câu hỏi về ông Tập. 

Tap Can Binh
Ông Tập Cận Bình tại hội nghị BRICS ở South Africa hôm 24/8/2023. (Nguồn ảnh: er-Anders Pettersson/Getty Images)

Hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ sự thất vọng trước việc ông Tập Cận Bình có thể không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Sự thay đổi lớn trong phong cách ngoại giao của ông Tập Cận Bình

Trước khi dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi năm ông Tập Cận Bình ra nước ngoài 14 lần, nhưng hiện ông đã tiết chế việc đi lại quốc tế, chỉ rời Trung Quốc 2 lần trong năm nay.

Bloomberg đưa tin, việc ông Tập Cận Bình từ chối sang Ấn Độ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là do tranh chấp ngoại giao với Ấn Độ; hoặc ông muốn ủng hộ diễn đàn BRICS mới được mở rộng; hoặc ông muốn ở trong nước để giải quyết các vấn đề kinh tế. Sự vắng mặt của ông đánh dấu thay đổi lớn trong phong cách ngoại giao.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình chưa bao giờ vắng mặt Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tại cuộc gặp năm ngoái ở Bali (Indonesia), ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với các nước khác, đồng thời yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden “sống hòa hợp với các nước khác”.

Giờ đây, chính ông lại đang thực hiện một cách tiếp cận khác, bỏ qua cuộc họp G20 đầy thách thức, trong đó ông có thể phải đối mặt với các vấn đề như sự sụp đổ kinh tế của Trung Quốc, tham vọng quân sự của Bắc Kinh đối với Đài Loan và thái độ của nước này đối với cuộc chiến với Nga – Ukraine.

Động thái của ông Tập cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự khó lường của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ). Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raymond Raimondo cho biết, các công ty Mỹ đã nói với bà rằng những biến động chính sách khó lường của Trung Quốc khiến “không thể đầu tư” vào nước này.

Làm nổi bật sự mong manh của nội bộ nhóm BRICS

Theo phân tích của Bloomberg, ông Tập Cận Bình mới đây đã tới Nam Phi để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị này. Nhưng bây giờ ông Tập Cận Bình không đến Hội nghị G20, đồng nghĩa với việc không nể mặt ông Modi, điều này càng làm nổi bật sự mong manh của nội bộ nhóm BRICS.

Sự kiện lớn tiếp theo của ông Tập trên trường quốc tế sẽ là Diễn đàn “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh vào tháng 10. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận ông sẽ tham dự diễn đàn này.

Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết ông Tập hiện đang trong tâm thái đế quốc và muốn các nhân vật chính trị quan trọng của nước ngoài đến thăm ông. Các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp cũng như các giám đốc điều hành cấp cao của Anh và Mỹ đều đã đến thăm Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh kiểm soát virus COVID-19.

Ông Alfred Wu nói thêm, “Ông ấy cũng nhận được sự đối xử đặc biệt tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, nhưng khó có khả năng ông ấy sẽ nhận được (sự đối xử) tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.”

Quá nhiều kẻ thù quốc tế?

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc (ĐCSTQ) và một số thành viên của G20 như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada, v.v., ngày càng gia tăng.

Nhóm an ninh “Bộ tứ” mà Ấn Độ tham gia (bao gồm cả Mỹ, Úc và Nhật Bản) đã xích lại gần hơn với phương Tây. Ngoài ra, hai nước Trung – Ấn cũng có những khác biệt nghiêm trọng về vấn đề biên giới chung. Tuần trước, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của ĐCSTQ công bố bản đồ mới, đưa khu vực tranh chấp vào lãnh thổ Trung Quốc, gây ra làn sóng phản đối giận dữ từ các nước như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, v.v. Mỹ cũng cho rằng đó là “chủ trương không phù hợp với thực tế trên biển”.

Nếu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình cũng sẽ phải đối đầu với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang bước vào thời điểm căng thẳng. Do Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý của nhà máy điện Fukushima ra biển, nên ĐCSTQ đã thực thi lệnh cấm đối với sản phẩm thủy hải sản của Nhật Bản, đồng thời kích động người dân thóa mạ, đe dọa Nhật Bản, các cuộc điện thoại quấy rối đến từ Trung Quốc Đại Lục tràn vào khắp các vùng của Nhật Bản như lũ lụt.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tổ chức cuộc gặp lịch sử vào tháng 8 năm nay, để chống lại ĐCSTQ và Triều Tiên, họ đã đạt được một thỏa thuận chưa từng có. ĐCSTQ tức giận chỉ trích  Mỹ, Nhật và Hàn lập “bè nhóm”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada cũng căng thẳng, vào tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Canada đã tuyên bố một viên chức Lãnh sự Trung Quốc là người không được chào đón. Sau khi Trung Quốc công bố danh sách du lịch quốc tế vào tháng 8, số quốc gia trong danh sách lên tới 138, nhưng không có Canada, việc này được cho là ĐCSTQ đã cố tình gây khó dễ để trả đũa Canada.

Ông Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm Góc và là thành viên cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng ĐCSTQ có khuynh hướng tham gia vào các cuộc họp mà họ có thể chủ đạo. Ông nói: “Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách thống trị các nước nhỏ hơn, kém phát triển hơn như BRICS hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nơi (họ) có thể đóng vai trò chủ đạo chương trình nghị sự.”

Ông Lý Cường trở thành con rối ngoại giao?

Tờ New York Times phân tích, việc ông Tập Cận Bình kiểm soát quyền lực chặt chẽ đồng nghĩa với việc lãnh đạo các nước G20 khác sẽ không chắc chắn liệu ông Lý Cường có quyền đưa ra các quyết định thực chất tại hội nghị thượng đỉnh hay không.

“Mỗi lần [ông Tập] vắng mặt thì đều có những suy đoán như thế này, điều này cho thấy rằng không chỉ sự mờ ám về chính trị [của ĐCSTQ] tạo ra sự bất ổn, mà còn cho thấy mọi thứ dường như phụ thuộc vào Tập Cận Bình với quyền lực tập trung của ông ấy,” ông Ian Chong, phó giáo sư Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Ông nói thêm: “Nếu lực lãnh đạo bên ngoài cũng như lực lãnh đạo bên trong phụ thuộc quá nhiều vào một người, thì dù người đó có quyền lực đến đâu cũng sẽ tạo ra một tình thế khá mong manh.”

Vào thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20, nền kinh tế Trung Quốc Đại Lục đang rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm. Khủng hoảng bất động sản leo thangnợ xấu nặng nề của các địa phương đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của ông Tập Cận Bình. New York Times phân tích, sự vắng mặt của ông Tập cho thấy có thể ông cần giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách ở Bắc Kinh.

Chế độ của ĐCSTQ không minh bạch, hành vi của lãnh đạo ở cao tầng ĐCSTQ khó dự đoán

Quyết định không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của ông Tập cũng nêu bật sự thiếu minh bạch trong thể chế của ĐCSTQ. Vào tháng 7, ông đột ngột sa thải ông Tần Cương, Bộ trưởng Ngoại giao được ông lựa chọn kỹ lưỡng và nhậm chức được 7 tháng, mà không đưa ra bất kỳ giải thích hợp lý nào.

Tháng trước, ông Tập Cận Bình bất ngờ vắng mặt và bỏ lỡ bài phát biểu dự kiến ​​tại Diễn đàn Công nghiệp và Thương mại BRICS, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào đã đọc bài viết thay cho ông. Ngoại giới liên tiếp thảo luận về vấn đề này, trong khi truyền thông của ĐCSTQ lại cố gắng hết sức để che đậy ở trong nước.

Ông Neil Thomas, nghiên cứu viên của Trung tâm Phân tích Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết phong cách lãnh đạo của ông Tập Cận Bình ngày càng giống ông Mao Trạch Đông – thích “chỉ rõ phương hướng” các vấn đề vĩ mô hơn là tham gia vào công việc chính trị hàng ngày, nhưng cách làm này có nhiều rủi ro.

Thomas nói thêm: “Ông Tập Cận Bình càng đi xa vào con đường này thì việc hoạch định chính sách sẽ càng trở nên tách rời khỏi những thách thức ngày càng gia tăng.”

Lần xuất hiện quan trọng tiếp theo ở nước ngoài của ông Tập dự kiến ​​sẽ là tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC ở San Francisco vào tháng 11. Nhưng Nhà Trắng đã cấm đặc khu trưởng bị trừng phạt của Hồng Kông Lý Gia Siêu tham dự, điều này cũng khiến giới quan sát nghi ngờ về việc ông Tập liệu có tham dự hội nghị này hay không.