Trong thời gian trước và sau khi ông Tập Cận Bình đến San Francisco tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, tại đây đã xảy ra các cuộc biểu tình phản đối liên tục. Bên cạnh đó, đối đầu giữa những người ủng hộ và phản đối ĐCSTQ cũng nóng lên, đã xảy ra nhiều vụ tấn công người biểu tình và xung đột bạo lực.

p3416862a128139094
Vào ngày 15/11, ngày diễn ra cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình, nhiều tổ chức đã biểu tình ở San Francisco. (Ảnh tổng hợp)

Người biểu tình liên tục bị tấn công

Kể từ khi ông Tập Cận Bình đến San Francisco, nhiều người biểu tình đã phải chịu sự “duy trì ổn định” do ĐCSTQ ‘xuất khẩu’.

Khoảng 3h chiều ngày 14/11 (thứ Ba), cô Giả Tuấn Vĩ (Jia Junwei) một người dân oan ở Cáp Nhĩ Tân, đã giơ biểu ngữ kêu oan gần khách sạn St. Regis nơi ông Tập Cận Bình đang trú ngụ. Cô đã bị nhiều người cầm cờ 5 sao tấn công, khiến bị thương ở đầu. Cô kể rằng khi đoàn xe của ông Tập Cận Bình đi ngang qua, cô đã bị một nhóm người cầm cờ máu 5 sao bao vây, bị xô ngã xuống đất và đánh đập trong vòng vây, lúc đó cảnh sát Mỹ cũng ở gần đó. Sau khi cô ngất đi trên mặt đất, chính cảnh sát đã giúp cô tỉnh dậy. Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times tối hôm đó, Giả Tuấn Vĩ nói rằng đầu cô vẫn còn choáng váng và cảm thấy buồn nôn.

id14118753 7b78b11e862786ae6ee79
Vào ngày 14/11/2023, bên ngoài khách sạn St. Regis ở San Francisco, Giả Tuấn Vĩ, đến từ Cáp Nhĩ Tân, bị tấn công bị thương và được đưa đi cấp cứu. (Ảnh do cô Giả Tuấn Vĩ cung cấp)

Anh Trần Tường Uy (Chen Xiangwei) ở Chiết Giang cũng bị 3, 4 người lao tới bao vây và tấn công, cảnh sát ập đến và tách họ ra. Trần Tường Uy cho biết anh bị đánh vào đầu, mặt và tai. Một người dân khiếu kiện khác là Cát Khai Anh (Ge Kaiying) đến can nhưng cũng bị đánh.

Chiều hôm đó, bên ngoài khách sạn St. Regis, người dân khiếu kiện là Lý Hoán Quân (Li Huanjun) cũng bị một nhóm người mang cờ 5 sao chặn lại và tấn công. Cô cũng kể rằng đã nhiều lần bị cấu vào tay và thắt lưng, đồng thời bị một người đàn ông đội mũ cầm cán cờ đập vào đầu.

Vào khoảng 11h sáng ngày 15/11, nhà hoạt động nhân quyền Vương Duy (Wang Wei) đã bị một nhóm người bao vây bên ngoài khách sạn St. Regis; từ video đăng trên mạng xã hội X có thể thấy, ông kể đã nói với một nhóm người rằng “Ai cầm tiền của ĐCSTQ người đó sẽ tuyệt tử tuyệt tôn”. Sau khi nghe xong, một người phụ nữ lao tới đánh ông trước, sau đó nhiều người vây quanh và đánh ông ngã xuống đất. Một lúc sau có hai người phụ nữ da trắng đến ngăn cản, ông mới có thể thoát thân.

id14118755 9119f57928dc2db113d00
Vào ngày 15/11/2023, ông Vương Duy có vết máu trên mặt sau khi bị một nhóm người vây đánh bên ngoài khách sạn St. Regis. (Ảnh: Trần Sấm Sáng cung cấp)

Sáng 16/11, ông Trần Sấm Sáng (Chen Chuangchuang), giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc, bị một người đàn ông xịt hơi cay vào mắt.

id14118757 1cc55f97c8db6e5b882c3
Vào ngày 16/11/2023, luật sư Trần Sấm Sáng ở New York đã báo cảnh sát sau khi bị xịt hơi cay. (Ảnh chụp màn hình mạng)

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), các phóng viên của đài này đã cố gắng phỏng vấn nhiều người chào đón ông Tập tại hiện trường, nhưng đều bị họ từ chối trả lời.

Một người thuộc phe chào đón đã quát phóng viên “im đi” khi được hỏi liệu anh ta có thể trả lời phỏng vấn hay không. Những người chào đón đã cầm một số lượng lớn cờ đỏ 5 sao của ĐCSTQ và giăng các biểu ngữ có nội dung “Hiệp quán Phúc Kiến tại Mỹ”“Hội đồng hương Phúc Kiến tại Pennsylvania, Mỹ”, v.v, cũng như các biểu ngữ có dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ”.

Tại sự kiện này, một số người biểu tình đã hóa trang thành Gấu Pooh và hoàng đế, phi tần nhà Thanh để chế nhạo ông Tập Cận Bình. Người ăn mặc như hoàng đế là Vương Trung Vĩ (Wang Zhongwei), giám đốc Ban Truyền thông Mới Los Angeles của Đảng Dân chủ Trung Quốc. Anh nói với các phóng viên RFA rằng mục đích ăn mặc như thế này là: “Trước đây ông Tập Cận Bình đã tùy tiện sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc, khiến nhiệm kỳ của ông ta không giới hạn, phá hủy hệ thống chính trị của Trung Quốc và buộc Trung Quốc quay trở lại thời đại của các hoàng đế. Vậy nên, ông ấy đã là hoàng đế trên thực tế của Trung Quốc.”

Khi đang thực hiện cuộc phỏng vấn với RFA, anh cho phóng viên thấy vết thương và nói rằng đó là do xung đột bạo lực với nhóm người chào đón ông Tập Cận Bình. Anh nói: “Tôi còn khá ổn, trên người có khoảng 5, 6 vết thương. Tại sao tôi lại đeo kính râm? Đây là kính cận thị. Hôm qua kính của tôi bị đập vỡ, mắt tôi cũng bị thương.” Anh cũng bỏ kính xuống và cho phóng viên xem vết thương trên mắt.

Trong số những người biểu tình ngày hôm đó, ngoài những người bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc, còn có người Tây Tạng, người Hồng Kông và người tập Pháp Luân Công. Trong các cuộc biểu tình, một số người đã giẫm đạp lên quốc kỳ Trung Quốc và ảnh ông Tập Cận Bình, trong khi những người khác mang theo tranh biếm họa chế nhạo ông Tập. Người biểu tình và người chào đón tập trung trong thành phố cho đến lúc xế chiều. Cuối cùng, cả hai bên rời khỏi hiện trường theo yêu cầu của cảnh sát.

Trước đó, khoảng 11h sáng ngày 13/11, người khiếu kiện Triệu Yên (Zhao Yan) bị đánh vào lưng gần khách sạn St. Regis. Không lâu sau, nhiều người lao ra khỏi khách sạn St. Regis để tấn công Triệu Yên, nhưng sau đó đã bị cảnh sát Mỹ chặn lại.

Phân tích: Người biểu tình đông đảo đông hơn các nhóm thân cộng

Nhà bình luận thời sự Lam Thuật (Lan Shu) nói với tờ Epoch Times rằng kiểu tấn công “duy trì ổn định” này của ĐCSTQ hoàn toàn phớt lờ nền dân chủ và tự do của Mỹ, hoàn toàn phớt lờ nền dân chủ và pháp quyền của Mỹ. Những ủng hộ ĐCSTQ phát động cuộc tấn công chắc chắn đã nhận được chỉ thị từ các Đại sứ quán của ĐCSTQ ở nước ngoài, hoặc cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ. Tuy nhiên, kết cục của những kẻ tấn công này rất đáng buồn, họ không tuân thủ luật pháp của Mỹ, tấn công vào các cuộc biểu tình ôn hòa và bất bạo động, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; một số người vẫn còn là sinh viên, một khi họ bị bắt vì vấn đề này sẽ bị đưa ra tòa, “liệu có thể tốt nghiệp (ở Mỹ) hay không vẫn là một dấu hỏi”.

Ông Lam Thuật cũng cho biết, năm nay số người thuộc phe chào đón ĐCSTQ ít hơn rất nhiều so với những năm trước, một số sinh viên thậm chí còn nói với giới truyền thông rằng họ đã nhiều lần được huy động và bất đắc dĩ mới đến. Đây là “một hiện tượng rất thú vị”. Số người chống cộng thì ngược lại: “Năm nay có nhiều người phản đối ĐCSTQ hơn, nhiều hơn những năm trước”. Ngoài các nhà hoạt động dân chủ và người Tây Tạng có lịch sử chống lại chủ nghĩa cộng sản, còn có nhiều người Duy Ngô Nhĩ, những người vượt biên đến Hoa Kỳ, nhiều người Hồng Kông và người trẻ. “Đám người biểu tình năm nay rất đông”, và phe ủng hộ ĐCSTQ đã bị cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ xúi giục tấn công đám đông biểu tình, khiến đối đầu giữa hai bên leo thang đáng kể và xảy ra nhiều xung đột hơn.”

Luật sư: Nhất định phải truy cứu trách nhiệm pháp luật của kẻ đánh người

Luật sư Trần Sấm Sáng cho biết, xét theo cách đối phương dùng cờ để che lại một cách rất thuần thục khi tấn công từng nạn nhân, rõ ràng họ đã được đào tạo liên quan trước đó. Ông nói rằng ĐCSTQ rất coi trọng chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, và đã dành nhiều nguồn lực để chiêu mộ một số lượng lớn các phần tử thân cộng địa phương, không chỉ ở San Francisco, mà còn từ những nơi khác như Los Angeles, New York, TP. Salt Lake, Philadelphia. Họ sợ ông Tập Cận Bình sẽ đối mặt với đám đông biểu tình, nên muốn kiểm soát việc “chào đón nồng nhiệt” một cách giả dối. “Đây là nguyên nhân sâu xa của xung đột giữa 2 phe”, “Ở xã hội bình thường thì có ai bỏ tiền ra để mời nhiều người đến chào đón nguyên thủ quốc gia?”

Ông cũng cho rằng cảnh sát San Francisco đã không bảo vệ được các nạn nhân của cuộc xung đột, họ có “ý kiến ​​​​rất mạnh mẽ về việc này”; nếu cảnh sát San Francisco không hành động kịp thời, ông sẽ cân nhắc việc đoàn kết tất cả các nạn nhân và kiện cảnh sát San Francisco vì không bảo vệ được họ.

Trí Đạt (t/h)