Hôm thứ Hai (17/7), “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG) đã công bố lời khai gây sốc của cô Trương Tú Cầm, nạn nhân đầu tiên tự mình vạch trần bí mật bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mổ sống cướp nội tạng trước khi cô qua đời vào tháng 4/2019. Vision Times đã độc quyền phỏng vấn luật sư nhân quyền nổi tiếng David Matas về vấn đề này.

GettyImages 72189815
Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas nói chuyện với giới truyền thông ở Tokyo hôm 17/10/2006. Ông Matas kêu gọi Chính phủ Nhật Bản sửa đổi luật về những người Nhật Bản muốn đến Trung Quốc cấy ghép nội tạng, trấn áp nạn thu hoạch nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. (Ảnh: Yoshikazu Tsuno /AFP qua Getty Images)

WOIPFG tiết lộ họ đang liên hệ với các tổ chức có thẩm quyền, để thẩm định bằng chứng (bao gồm di thể, video lời khai của cô Trương Tú Cầm v.v.) và sẽ công khai vào thời điểm thích hợp trong tương lai.

Theo lời khai của Trương Tú Cầm, khi bị thu hoạch tạng sống, cô ấy 46 tuổi, đến từ thành phố Lai Châu, tỉnh Sơn Đông. Sau khi bị bắt cóc một lần nữa vào cuối năm 2018, cô đã bị tra tấn bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí bị cưỡng hiếp.

Nửa năm sau, cô được chuyển đến Bệnh viện Quân đội Cáp Nhĩ Tân 211. Một quả thận của cô đã bị lấy ra khỏi cơ thể ngay khi cô còn sống. Các nội tạng chính khác cũng bị mổ ra để kiểm tra. Nhưng chúng không được lấy ra vì đã tổn hại nghiêm trọng trong quá trình cô bị tra tấn. Nhiều vết rạch không được khâu lại. Hơn nữa, cô đã bị mổ cướp nội tạng mà không gây mê.

Trương Tú Cầm vẫn còn thở sau khi bị cắt bỏ thận. Trong lúc hấp hối, cô đã nói với một bác sĩ sự thật về Pháp Luân Công, gồm cả sự thật về nạn thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống trong hệ thống ĐCSTQ. Cô đã nhờ vị bác sĩ có lương tâm này truyền đạt lại sự thật, để ngăn chặn tội ác thu hoạch sống. Vị bác sĩ đã hứa sẽ quay video lời khai khi hấp hối của cô.

WOIPFG chỉ ra rằng cho đến nay, những lời trăng trối của cô Trương Tú Cầm là lời khai duy nhất của chính bản thân nạn nhân bị thu hoạch nội tạng sống trực tiếp. Di thể của cô cũng là thi thể duy nhất của một nạn nhân bị thu hoạch nội tạng sống được giữ lại, làm bằng chứng cho tội ác chống lại loài người này.

Ông David Matas là tác giả của báo cáo điều tra thu hoạch nội tạng sống đầu tiên trên thế giới, kiêm luật sư nhân quyền nổi tiếng. Sau đây là phân tích của ông về lời khai chưa từng có này của nạn nhân này.

Phóng viên: Khi ông nhìn thấy bằng chứng mới nhất về nạn thu hoạch nội tạng sống do WOIPFG công bố vào ngày 17/7 (tức lời khai đầu tiên có được do chính nạn nhân Trương Tú Cầm bị mổ cướp tạng sống nói ra trong lúc hấp hối), với tư cách là học giả đầu tiên trên thế giới công bố báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng sống (năm 2006), ông có chia sẻ gì? Ý nghĩa đặc biệt của lời khai này là gì?

Ông Matas: Lời khai khi sắp lâm chung này cho thấy, nạn thu hoạch nội tạng có tồn tại, vẫn đang tiếp diễn, và số lượng khá lớn.

Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận, và nói rằng điều này (mổ cướp nội tạng) là bịa đặt. Họ cũng chưa bao giờ thừa nhận đã lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Họ chỉ từng thừa nhận đã lấy nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết, nhưng bây giờ họ cũng không thừa nhận điều này nữa.

Bằng chứng mà chúng ta thấy chứng tỏ chuyện này đã và đang tiếp diễn. Một trong những vấn đề chúng tôi gặp phải khi truyền đạt bằng chứng cho mọi người, là chủ yếu dựa trên số liệu thống kê. Rất ít người có thể thực sự làm chứng cho sự kiện này, vì không có nhân chứng bên ngoài, chỉ có thủ phạm và nạn nhân.

Quả thực có một bác sĩ thừa nhận đã làm như vậy (thu hoạch tạng), nhưng không có nhiều người đứng ra làm chứng. Hồ sơ đều là nội bộ. Chúng tôi có một số hồ sơ từ nội bộ của ĐCSTQ. Họ tiết lộ rất nhiều dữ liệu, nhưng đôi khi họ xóa chúng sau khi hành sự.

Nạn nhân bị giết và xác được hỏa táng, nên đương nhiên nạn nhân không thể lên tiếng và cũng không có xác để khám nghiệm tử thi. Quả thực chúng tôi có biết một vài trường hợp, đương sự bị đe dọa, nhưng sau này có thể thoát thân và trốn thoát khỏi bàn mổ.

Nhưng những trường hợp như thế này (chỉ đoạn băng ghi lời khai lúc sắp lâm chung của cô Trương Tú Cầm) là rất hiếm. Nó cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về những gì đã xảy ra, cũng cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về cơ chế của quy trình phẫu thuật, về cách tội ác đã xảy ra như thế nào.

Đối với một bộ phận công chúng, những ví dụ trực quan như vậy hiệu quả hơn một đống dữ liệu. Vì dữ liệu mất nhiều thời gian để đọc, mà hiệu quả kết nối không tốt bằng các ví dụ thực tế. Trường hợp này thực sự rất bi thảm, nhưng rất hữu ích từ góc độ của một bằng chứng.

Phóng viên: Khi xem lời khai này của nạn nhân bị mổ cướp tạng, ông có sốc không?

Ông Matas: Tôi biết rằng việc thu hoạch nội tạng sống đang diễn ra. Trường hợp này đối với tôi là tin mới. Nhưng thực tế việc thu hoạch tạng sống xảy ra không phải là tin mới đối với tôi, quả thực rất kinh hoàng, khiến người ta phải ớn lạnh.

Mặt khác, tôi đến từ cộng đồng Do Thái và tôi rất quen thuộc với cuộc đại thảm sát lịch sử chống lại người Do Thái. Điều này khiến tôi nhận ra rằng bản chất con người có thể sa đọa đến mức nào.

Những điều khủng khiếp đang xảy ra, đó là thực tế. Chúng ta không thể phủ nhận nó, cũng không thể giả vờ nhắm mắt làm ngơ. Tôi nghĩ, khi nhìn thấy những trường hợp như vậy bị phanh phui, điều chúng ta nên làm là hành động để thực sự ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục những thảm kịch tương tự của con người.

Sẽ luôn có người hoài nghi, và luôn có những người quá bận rộn hoặc thờ ơ. Hiện giờ trường hợp sống này sẽ giúp nhiều người đứng lên và hành động chống lại sự tàn bạo đó.

Phóng viên: Khi ông đến các quốc gia trên thế giới, gồm cả Quốc hội, để nói với mọi người sự thật về mổ cướp nội tạng sống, ông đã nhận được phản hồi như thế nào? Có ai phủ nhận sự tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng sống không?

Ông Matas: Mọi người sẽ không phủ nhận ngay. Tất nhiên, ĐCSTQ phủ nhận chuyện này, nhưng đây là những lời vô nghĩa đầy bất lực. Không một nhà nghiên cứu độc lập nào phủ nhận rằng (nạn mổ cướp nội tạng sống) thực sự đã xảy ra.

Một tòa án độc lập đã tiến hành nghiên cứu độc lập, hoàn toàn không phụ thuộc vào những gì tôi đã làm. Tôi chỉ là nhân chứng trong nghiên cứu của họ. Họ kết luận rằng việc thu hoạch tạng sống chắc chắn đang diễn ra. Những nhà nghiên cứu khác đã nghiên cứu vấn đề này, như Matthew Robertson và Torres Strait.

Tôi muốn nói rằng mọi người không tranh luận về việc chuyện đó không thực sự xảy ra. Thực tế là mọi người không biết gì về nó. Khi được thông báo chuyện này đang xảy ra mà không có bất kỳ bằng chứng nào, họ cảm thấy khó tin vì nó quá kinh khủng.

Trên thực tế, có một bộ phim tài liệu tên là “Hard to Believe” (Điều khó tin). Điều tôi thực sự muốn nói là những hành động tàn bạo quy mô lớn này đang xảy ra ở nhiều quốc gia và diễn ra thường xuyên trên toàn thế giới.

Nhưng hình thức sát hại hàng loạt các tù nhân lương tâm đặc biệt này, để lấy nội tạng của họ có thể khiến những người không hiểu biết về chủ đề này không dám tin.

Việc phát minh ra cấy ghép nội tạng ban đầu được coi là hạnh phúc của nhân loại. Mục đích ban đầu của nó là mang lại lợi ích cho con người, chứ không phải để (giết chóc). Nó không giống với một loại súng máy mới như mọi người liên tưởng (dùng để giết người hàng loạt). Mọi người không thể kết nối sự tiến bộ của công nghệ ghép tạng với các vụ thảm sát.

Vì vậy, trở ngại chủ yếu đến từ khía cạnh này. Nhưng dù là bất kỳ ai, chỉ cần ngồi xuống và đọc một bản báo cáo nghiên cứu đều sẽ không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ vấn đề chính là sự “cô lập” trên bề mặt sự kiện. Mọi người quan tâm đến những gì đang xảy ra trước mặt họ, hơn là những gì đang xảy ra ở một châu lục khác, một ngôn ngữ khác, một nền văn hóa khác.

Một vấn đề phổ biến khi chúng ta đối mặt với các vi phạm nhân quyền trên phạm vi quốc tế, là rất khó thu hút mọi người tham dự, nếu họ không có mối liên hệ cá nhân nào với các hành vi tàn bạo.

Không phải người ta không tin chứng cứ, chẳng qua là cảm thấy đó là chuyện của người khác, không liên quan đến mình, mình cũng không thể làm gì được. Một khi vi phạm nhân quyền không được chú ý, chúng sẽ lan rộng. Vì vậy, hiện giờ, chúng ta đang chứng kiến ​​nhiều nạn nhân hơn trước, chẳng hạn như cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.

Kết quả là, hệ thống thu hoạch nội tạng của Trung Quốc, hệ thống công nghiệp hóa của họ, đang chuyển sang các nguồn nội tạng mới, để duy trì hoạt động của ngành cấy ghép nội tạng.

Một ngày nào đó nguồn nội tạng của người Duy Ngô Nhĩ sẽ cạn kiệt, và chắc chắn họ sẽ chuyển sang những nạn nhân mới. Khi người Duy Ngô Nhĩ thấy nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra trong cộng đồng của họ, họ lo ngại hơn trước về những tội ác chỉ xảy ra với Pháp Luân Công.

Đến thời điểm ngành cấy ghép tạng của ĐCSTQ coi bạn như một nguồn nội tạng thì đã quá muộn. Thời điểm tốt nhất để làm điều đó là khi bạn vẫn còn khả năng đối phó với nó. Nhưng thật không may, không dễ để mọi người hiểu điều này.

Phóng viên: Lời khai của cô Trương Tú Cầm có đề cập rằng lính canh của trại tạm giam và nhà tù biết rằng những nạn nhân này sẽ chết, nên không coi họ là con người, tra tấn họ bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí còn lạm dụng tình dục họ. Ông nghĩ điều gì đã biến những cảnh sát và bác sĩ này thành những kẻ bạo ngược và giết người?

Ông Matas: Thái độ ban đầu của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công là khích lệ. Pháp Luân Công cải thiện sức khỏe của người dân và tiết kiệm chi phí y tế cho chính phủ. Các học viên Pháp Luân Công có mặt khắp nơi trong chính đảng của ĐCSTQ, các đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước ngoài và lan ra cả hải ngoại.

Các quan chức của ĐCSTQ cũng đang tu luyện Pháp Luân Công. Kết quả là nhóm Pháp Luân Công đã nhanh chóng tăng lên hàng chục triệu người. ĐCSTQ chỉ có 60 triệu đảng viên. Vậy nên, ĐCSTQ bắt đầu lo sợ về số lượng và mức độ phổ biến của Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công không phải là một nhóm chính trị, và tất nhiên tư tưởng của họ không tương thích với tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Pháp Luân Công bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của Trung Quốc, trong khi chủ nghĩa cộng sản được du nhập từ phương Tây. Pháp Luân Công là hữu thần, trong khi ĐCSTQ là vô thần.

ĐCSTQ sợ rằng một khi Pháp Luân Công trở nên phổ biến, sự kiểm soát tinh thần của họ đối với người dân sẽ trở nên vô ích.

Đã xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ ĐCSTQ. Cuối cùng ý tưởng đàn áp Pháp Luân Công đã thắng thế. Khi tuyên bố cấm Pháp Luân Công lần đầu tiên được ban hành, không hề có bất kỳ lý do gì.

ĐCSTQ tin tưởng một cách ngây thơ và tàn bạo rằng chỉ cần họ muốn làm điều gì đó, họ nhất định sẽ làm được. Nhưng mọi người không hiểu vì sao phải đàn áp một môn rèn luyện sức khỏe, họ đã bắt đầu phản đối. Lúc này, ĐCSTQ thay đổi giọng điệu và bắt đầu ma quỷ hóa Pháp Luân Công.

Những người hiểu biết về Pháp Luân Công đương nhiên không tin điều này. Nhưng lính canh trong tù và những người trong hệ thống của ĐCSTQ lại tin, dẫn đến việc họ không coi các học viên Pháp Luân Công là con người. Chúng ta đã thấy điều đó trong trường hợp này.

Mặc dù đây là một trường hợp cá nhân, nhưng nó mang tính đại diện. Tôi đã liên lạc với nhiều học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. Tất cả họ đều đề cập đến những người trong hệ thống của ĐCSTQ và các cai ngục. Đây là bầu không khí bên trong ĐCSTQ.

Cộng đồng quốc tế nên thiết lập các cơ chế khắc phục hậu quả. Luật hiện hành chắc chắn là tốt, nhưng để việc thực thi có hiệu quả thì phải bổ sung cơ chế báo cáo bắt buộc.

Pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi người tham gia lấy, ghép tạng trái phép. Nhưng với tư cách là một bệnh nhân cá nhân (người nhận tạng), không ai biết họ đã làm gì, ngoại trừ các bác sĩ trong nước tham gia điều trị, sẽ tiêm mũi chống đào thải sau khi bệnh nhân trở về.

Để luật có hiệu lực, phải yêu cầu những người trong ngành y tế báo cáo các trường hợp “du lịch nước ngoài để cấy ghép nội tạng” cho chính phủ của họ. Nếu không, các bác sĩ sẽ không chủ động khai báo, dựa trên quy tắc nghề nghiệp bảo mật cho bệnh nhân.

Chúng ta cần một hệ thống báo cáo bắt buộc. Hiện tại, hơn 20 quốc gia đã ban hành luật chống ghép tạng bất hợp pháp, nhưng chỉ có Đài Loan đồng thời thực hiện cơ chế báo cáo bắt buộc. Điều thú vị là Đài Loan có lẽ là nơi biết rõ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Báo cáo bắt buộc không chỉ được nhắm đến hệ thống y tế, mà còn phải công bố dữ liệu tổng thể, để chúng ta có thể công khai xem có bao nhiêu người đang quá cảnh từ Canada sang Trung Quốc, từ Mỹ sang Trung Quốc để cấy ghép nội tạng v.v. Nhưng những thống kê này hiện không có sẵn.

Hiện giờ chúng ta chỉ có thể nhận được một số thông tin cá nhân, chẳng hạn như một bác sĩ nói với bạn rằng có một bệnh nhân ở Trung Quốc, nhưng bạn sẽ không nhận được dữ liệu tổng hợp chính xác. Nhà đầu tư yêu cầu bắt buộc phải báo cáo. Đây là một điều có thể được thực hiện.

Có nhiều cách khác để giải quyết vấn đề thông qua pháp luật. Trong luật pháp ở nhiều quốc gia cũng công bố danh sách công khai những kẻ bức hại, nhằm ngăn chặn họ nhập cảnh vào quốc gia đó. Đây là những biện pháp có thể thực hiện được.

Tôi nghĩ có một biện pháp khắc phục khác. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã viết một báo cáo về mối quan tâm của Tòa án Trung Quốc (tức tòa án nhân dân độc lập điều tra nạn mổ cướp nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ), yêu cầu Trung Quốc trả lời các bằng chứng được đưa ra, nhưng Trung Quốc đã không phản hồi.

Tôi nghĩ rằng cần theo dõi thêm về điều này. Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo về Trung Quốc, nói về người Duy Ngô Nhĩ chứ không phải về Pháp Luân Công, nhưng tôi nghĩ Cao ủy Nhân quyền hiện tại có thể theo dõi điều đó.

Về lý thuyết, có thể đưa vụ việc ra “Tòa án Công lý Quốc tế” theo “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng”…

Tôi nghĩ chúng ta cần thử mọi cách và làm mọi cách để thu hút sự chú ý của càng nhiều người càng tốt về vấn đề này. Biện pháp nào cũng có hạn chế của nó. Kể từ khi những luật này được thông qua, theo như tôi biết, không có vụ truy tố nào. Vì vậy, dù có tiến bộ, nhưng chúng không phải là giải pháp hoàn chỉnh.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến đạo đức ngành y, và đạo đức của các trường đại học, bệnh viện và trung tâm đào tạo. Một số việc được làm rất nhiều, nhưng vẫn còn nhiều việc hơn có thể làm. Chúng ta chỉ cần tiếp tục cố gắng.

Phóng viên: Cuộc bức hại đã kéo dài 24 năm, hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại. Trong một thời gian dài như vậy, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc.

Hơn nữa, như ông từng đề cập trước đây, cuộc đàn áp (bao gồm việc thu hoạch nội tạng sống) đã mở rộng đến người Duy Ngô Nhĩ. Gần đây, nhiều sinh viên đại học và thanh niên đã biến mất một cách khó hiểu ở Trung Quốc. Vì sao nhân loại lại dung túng cho những tội ác chống loài người như vậy? Những bài học nào chúng ta nên rút ra từ lịch sử? Cộng đồng quốc tế nên làm gì?

Ông Matas: Tôi nghĩ chúng ta nên hành động nhiều nhất có thể. Đây nên là một vấn đề được quan tâm liên tục. Tôi không nghĩ rằng nên đánh đổi lợi ích chính trị hay kinh tế để che đậy những tội tác này. Hơn nữa, tôi nghĩ những tội ác này đã xâm nhập vào toàn bộ hệ thống của Trung Quốc.

Một ví dụ rất rõ ràng là Ủy ban Đầu tư Kế hoạch Hưu trí Canada có những khoản đầu tư rất lớn vào Trung Quốc. Họ không nên đầu tư vào Trung Quốc. Tôi không nghĩ rằng đó là một khoản đầu tư tốt về mặt tài chính. Trung Quốc (ĐCSTQ) là một hang ổ hắc ám, không thích hợp để đầu tư.

Như “Tòa án Trung Quốc” (tức tòa án nhân dân độc lập điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ) đã nói, khi giao dịch với Trung Quốc, trên thực tế là đang giao dịch với một tổ chức tội phạm. Hầu hết mọi người không nhận ra điều này.

Tôi nghĩ chúng ta phải làm vậy. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang giao thiệp với một người thẳng thắn, trung thực, thì chúng ta đang lừa mình dối người, có thể sẽ làm tổn thương chính mình.

Các vấn đề của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Trung Quốc đang thâm nhập ra nước ngoài, can thiệp vào Canada và nhiều nước. Nạn nhân thường không chỉ giới hạn ở các cựu công dân Trung Quốc hoặc người gốc Hoa, nó trải rộng khắp các lĩnh vực. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên tự lừa dối mình, để giải quyết ổn thỏa các vấn đề với Trung Quốc.

Phóng viên: Hiện nay có 416 triệu người đã lựa chọn thoái ĐCSTQ. Nhiều nhà bình luận chính trị nói rằng ĐCSTQ sắp sụp đổ. Ông nghĩ sao?

Ông Matas: Quan điểm của tôi là không nên dự đoán tương lai, mà là tạo ra tương lai. Trong hàng chục năm gắn bó với các hoạt động nhân quyền, tôi đã chứng kiến ​​những chế độ vi phạm nhân quyền dường như không thể xuyên thủng, lại sụp đổ chỉ sau một đêm hoặc rất nhanh chóng. Tôi đã chứng kiến ​​sự sụp đổ của toàn bộ (Đảng cộng sản) Đông Âu và Liên Xô.

Còn có là nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Tôi đã tham gia vào phong trào chống phân biệt chủng tộc, và đối phó với nhiều chế độ độc tài quân sự Mỹ Latinh. Tôi đã thử giải quyết một vài vấn đề.

Tôi nhớ cũng đến Chile để quan sát cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Về cơ bản, những chính quyền này là chính quyền của các nạn nhân, bao gồm những người trong và ngoài thể chế. Theo thời gian, những người bên ngoài thể chế sẽ trở thành người trong cuộc, họ không muốn tiếp tục bức hại vì chính họ đã từng là nạn nhân.

Vì vậy, đây là xu hướng tất yếu và có thể xảy ra rất nhanh. Ví dụ, tại một hội nghị mà tôi tham dự gần đây, có người đã đề cập đến sự thức tỉnh của công chúng. Có người trèo tường, nhảy rào, bắt đầu đình công, sau đó cả một chế độ sụp đổ.

Một số chuyện có thể xảy ra rất nhanh, chẳng hạn như các vụ hỏa hoạn trong đại dịch COVID đã giết chết rất nhiều người. Đó là khi đảng chính trị thay đổi chính sách COVID, vì nó khiến tất cả mọi người đều trở thành nạn nhân.

Ngay cả ở Trung Quốc, một số người có thể nói đó là chuyện của Pháp Luân Công, đó là chuyện của người Duy Ngô Nhĩ, không liên quan đến chúng tôi. Nhưng cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng vấn đề không phải của ai khác, mà là của mỗi chúng ta. Khi đó, chế độ sẽ sụp đổ. Nhưng tôi nghĩ công việc của chúng ta là đẩy nhanh quá trình này càng sớm càng tốt.

Phóng viên: Cuối cùng, ông có muốn nói vài lời với các học viên Pháp Luân Công không? Trong 24 năm qua, họ không ngừng nói với mọi người những gì đã thực sự xảy ra. Họ đã mạo hiểm đánh đổi mọi thứ, thậm chí cả sinh mạng, dù ở Trung Quốc hay nước ngoài.

Ông Matas: Tôi muốn nói rằng tôi có thể thấy tác động của những cuộc biểu tình này. Tôi không phải là một học viên [Pháp Luân Công], tôi là một luật sư ở thành phố Winnipeg, Cananda. Tôi có thể thấy rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công là sai trái và bất công, nhưng tôi chỉ là một con người.

Tuy nhiên, khi có một lượng lớn người trên khắp thế giới luôn đứng lên và nói đi nói lại những điều giống nhau, sẽ có kết quả. Hiện nay đã có một hiệp ước của Nghị viện Châu Âu, tức Công ước về Cấm Buôn bán Nội tạng Con người. Chính vì những hành động này mà 20 quốc gia hiện đã ban hành luật chống tham gia thu hoạch nội tạng sống.

Cuộc bức hại thật khủng khiếp, nhưng sự kiên trì này đang làm nên lịch sử, lịch sử về cách ngăn chặn và khắc phục cuộc bức hại này. Điều đó sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho các học viên Pháp Luân Công mà là cho toàn nhân loại. Đây chắc chắn là một sự nghiệp đáng được theo đuổi.

Phóng viên: Là một luật sư nhân quyền, ông có nghĩ rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công có ảnh hưởng đến toàn thế giới không?

Ông Matas: Thông thường, chúng ta thấy các công nghệ mới, không chỉ là công nghệ cấy ghép nội tạng, ban đầu được phát triển cho một mục đích cụ thể và sau đó bị lạm dụng. Những nhà phát triển công nghệ cũng không lường trước được rằng chúng sẽ được sử dụng cho một cuộc đại thảm sát, và công nghệ không hề bài Do Thái.

Các công nghệ mới vào thời điểm đó bao gồm micrô, radio, xe lửa, xe tăng, khí độc, v.v. Toàn bộ các thiết bị hiện đại, gồm cả súng máy đã giúp cho việc tàn sát hàng loạt trở nên khả thi. Điều này cũng đúng với Internet và truyền thông xã hội hiện nay. Chúng ta đã thấy các hành vi lạm dụng như can thiệp bầu cử, thù hận, lừa đảo, v.v.

Những nhà phát triển Internet sinh ra chúng không vì những mục đích này. Những công nghệ mới này trung lập về mặt đạo đức. Các nhà phát triển đã không thực hiện những biện pháp ngăn chúng bị lạm dụng. Vì vậy mọi người sẽ sử dụng chúng cho những mục đích không phù hợp. Điều này thật tồi tệ. Chúng ta luôn cố gắng theo kịp công nghệ mới.

Đó cũng là những gì chúng ta đang thấy trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, bản thân việc này là có ích, nhưng lại bị lạm dụng. Các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân, nhưng họ vẫn đang cảnh báo nhân loại. Những nỗ lực của họ nhằm tạo ra một hệ thống ngăn chặn lạm dụng không chỉ mang lại lợi ích cho các học viên Pháp Luân Công, mà là cho toàn nhân loại.

Phóng viên: Vâng, hôm nay tôi chỉ hỏi về những vấn đề này thôi. Ông có bổ sung thêm điều gì nữa không?

Ông Matas: Tôi muốn nói đây là một nỗ lực không ngừng. Tôi đã theo đuổi lĩnh vực này 17 năm và tôi sẽ không dừng lại.

Phóng viên: Vậy kế hoạch tiếp theo của ông là gì?

Ông Matas: Tôi dành phần lớn thời gian để nói và viết về chủ đề này. Tôi vừa đến nước Anh, phát biểu tại một sự kiện ở Thượng viện. Gần đây tôi cũng đã phát biểu tại một cuộc mít tinh gần dinh thự của Thủ tướng ở Phố Downing, diễn thuyết tại một hội nghị và hội thảo giáo dục.

Vào tháng 8, tôi sẽ tham dự một hội nghị về đạo đức sinh học ở Latvia. Vào tháng 9, tôi sẽ tham dự một hội nghị ở Ba Lan về vấn đề này. Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng và viết nhiều nhất có thể.

Được đề cử Giải Nobel Hòa bình 2010 từ việc Điều tra Thu hoạch Sống

Theo thông tin công khai, ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada gốc Do Thái, 79 tuổi, đã được trao Huân chương Canada năm 2008 và Giải thưởng Nhân quyền của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế năm 2009. Tháng 11/2009, ông được Chính phủ Canada bổ nhiệm làm Giám đốc của Trung tâm Quốc tế về Nhân quyền và Phát triển Dân chủ.

Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) đã trao Giải thưởng Nhân quyền năm 2009 cho ông David Matas và ông David Kilgour – cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương. Họ ngưỡng mộ những nỗ lực của hai ông trong việc điều tra thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm. Vì điều này họ đã giành được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Ngày 6/7/2006, sau 2 tháng thu thập chứng cứ và giải thích chứng cứ, hai luật sư người Canada là ông David Kilgour và David Matas đã đề xuất một bản báo cáo điều tra độc lập có tựa đề “Báo cáo cáo buộc mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc”.

Báo cáo chỉ ra rằng thảm kịch mổ cướp nội tạng quy mô lớn đang xảy ra tại Trung Quốc, và những cáo buộc mổ cướp nội tạng có hệ thống đối với các học viên Pháp Luân Công là xác thực. Báo cáo cũng cho biết, cuộc đàn áp các nạn nhân vô tội ở Trung Quốc do chính phủ lãnh đạo là một tội ác chưa từng có trên thế giới. Ngày 31/1/2007, họ đã công bố một phiên bản sửa đổi của báo cáo với nhiều bằng chứng hơn.

Một trong số nhân chứng đó là vợ cũ của một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Tô Gia Đồn ở thành phố Thẩm Dương. Bà nói rằng chồng bà đã đích thân lấy giác mạc của khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công trong 2 năm trước tháng 10/2003. Trong một vài trường hợp, trước khi hỏa táng, người nhà của học viên Pháp Luân Công đã nhìn thấy thi thể tàn khuyết của người thân họ. Tất cả nội tạng đều bị lấy đi.

Ngoài ra, các điều tra viên qua điện thoại còn giả vờ rằng họ hoặc người thân của họ cần cấy ghép nội tạng, và gọi điện đến các bệnh viện trên khắp Trung Quốc để điều tra. Nhân viên bệnh viện đã tuyên bố rằng nguồn nội tạng của họ là từ các học viên Pháp Luân Công (Các cuộc nói chuyện đã được ghi âm lại làm bằng chứng).

  • Năm 2015, bộ phim tài liệu “Human Harvest” (Thu hoạch nội tạng sống) của đạo diễn người Canada gốc Trung Quốc Lý Vân Tường đã giành được Giải thưởng Peabody của năm và Giải thưởng Phim tài liệu Điều tra Quốc tế AIB của Mỹ. Bộ phim đã ghi lại cuộc điều tra độc lập của hai ông David Matas và David Kilgour về nạn thu hoạch nội tạng sống:

  • Bộ phim tài liệu “Human Harvest” (Thu hoạch nội tạng sống) từng đoạt giải thưởng:

  • Cùng năm đó, bộ phim tài liệu “Hard to Believe” (Điều khó tin) do Đài truyền hình công cộng PBS của Hoa Kỳ sản xuất, thông qua điều tra của nhiều chuyên gia, đã tiết lộ chuỗi công nghiệp nội tạng. ĐCSTQ mổ cướp gan, thận và giác mạc của các học viên Pháp Luân Công còn sống. Bộ phim đã giành được 11 giải thưởng từ 5 cuộc thi phim tài liệu quốc tế vào năm 2015 và 2016.

Tiêu Nhiên / Vision Times

  • Mời quý vị xem video: Đức Quốc Xã, Liên Xô và ĐCSTQ: Bi kịch lớn nhất không phải là chế độ độc tài