Ruslan Stefanchuk — Chủ tịch Quốc hội Verkhovna Rada Ukraine, thành viên trong đảng của Tổng thống Volodymyr Zelensky— có thể sẽ thay vị trí của ông Zelensky nếu có gì bất trắc xảy ra với tổng thống, theo tờ báo bình luận chính trị Politico đưa ra bài phân tích hôm Thứ Ba, cho rằng dù điều bất hạnh xảy ra thì cũng không ảnh hưởng gì lớn. Bất trắc ở đây là nói về nhỡ ông Zelensky bị Nga ám sát, điều kỳ thực đã được nói tới từ lâu rồi. Chuyện cũ. Việc báo chí phương Tây đột nhiên bàn về tình huống thiếu đi sự tồn tại của ông Zelensky khiến giới quan sát cảm thấy có gì đó khác thường.

230802 zel 01
Hôm 1/8, Politico có bài về tình huống nếu Zelensky gặp bất trắc. (Ảnh chụp trang web)
230803 stef 01
Ruslan Stefanchuk, Chủ tịch Quốc hội Ukraine. (Nguồn ảnh Wikipedia)
  • Cư dân mạng cảm thấy có gì đó bất thường khi thời điểm này, báo chí phương Tây đưa chủ đề kế hoạch của Ukraine nếu ông Zelensky bị Nga ám sát:

Câu chuyện ông Zelensky có thể bị Nga ám sát là đề tài mà cả báo chí phương Tây cũng như đích thân ông Zelensky nói tới từ lâu. Ngay trong bài của Politico cũng nhắc tới rằng ông Zelensky đã nói rõ ra cho công chúng về lo lắng này kể từ ngày đầu cuộc chiến 2/2022.

Politico thậm chí có lời rằng phải chăng mất đi ông Zelensky thì đó là mất đi một trong những tài sản quý giá nhất của đầu tư chiến tranh ở Ukraine của phương Tây.

Để tăng tính thuyết phục của giả thuyết rằng ông Zelensky có thể gặp bất trắc, và rằng một khi ông gặp độc thủ, thì mọi người hãy nên nghi ngờ Nga, tờ Politico đã nhắc tới các vụ Alexander Litvinenko, một sĩ quan tình báo Nga đã đào thoát sang Vương quốc Anh và bị đầu độc bằng phóng xạ vào năm 2006, và vụ đầu độc bất thành vào năm 2018 đối với Sergei Skripal, một điệp viên 2 mặt. Theo tờ báo thì 2 vụ đó đều là do Nga đứng sau.

Politico cho rằng dù ông Zelensky gặp nạn thì cũng không ảnh hưởng mấy

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói nhiều lần rằng “Người Ukraine đã có sẵn các kế hoạch —mà tôi sẽ không nói hoặc đi vào bất kỳ chi tiết nào— để ‘bằng cách này hay cách khác’ đảm bảo cái mà chúng tôi gọi là ‘sự liên tục của chính phủ’.”

Mykola Knyazhytsky, một nhà lập pháp từ thành phố Lviv, nói rằng theo luật hiện hành ở Ukraine, thì “khi tổng thống không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Quốc hội Verkhovna Rada Ukraine sẽ đảm nhận trách nhiệm của ông ấy. Do đó, sẽ không có [đứt quãng] khoảng trống quyền lực.”

Ruslan Stefanchuk, một thành viên của Đảng Đầy tớ của Nhân dân của ông Zelensky, không phải là một nhân vật có uy tín lớn trong chính trường Ukraine. Trong các cuộc thăm dò dư luận, ông chỉ đạt khoảng 40% tín nhiệm. Ông cũng không nổi tiếng trong giới các nhà lập pháp.

Tuy nhiên, như Politico dẫn chứng, nếu ông Zelensky có mệnh hệ gì và cần phải thay bằng một nhân vật có uy tín không cao, thì cũng không sao, bởi vì hàng ngũ lãnh đạo của Ukraine đã mạnh mẽ rồi.

“Nhưng tôi không nghĩ điều đó quan trọng,” theo Adrian Karatnycky, một thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương. “Có một đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ và tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy chính phủ tập thể.”

Nhóm lãnh đạo hàng đầu rất có thể sẽ bao gồm Stefanchuk như một nhân vật bù nhìn, khi thực quyền vẫn ở trong tay Andrii Yermak, cựu nhà sản xuất phim và luật sư, người đứng đầu văn phòng tổng thống, Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao, Oleksii Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng, và Valery Zaluzhny, vị tướng nắm thực quyền quân đội Ukraine.

Ông Karatnycky kỳ vọng sẽ chứng kiến sự lên ngôi của nhân vật truyền hình Serhiy Prytula, người hiện đang điều hành các sáng kiến ​​từ thiện lớn và có tỷ lệ tín nhiệm cao ngất ngưởng của công chúng.

Ông Karatnycky tin rằng Ukraine “đã đạt đến điểm đoàn kết và thống nhất,” cho nên dù đột nhiên mất đi ông Zelensky thì “điều đó sẽ không mang tính quyết định như bạn tưởng.”

Ukraine đã tạo ra một bộ máy hành chính, quân sự và ngoại giao “được mài dũa tốt,” ông bình luận.

Chết nguyên thủ quốc gia nào thì sẽ gây xáo trộn?

Politico dẫn nguồn các học giả Benjamin Jones và Benjamin Olken nghiên cứu cho Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) về tác động đối với các thể chế và cuộc chiến của 59 vụ ám sát các nhà lãnh đạo quốc gia diễn ra từ năm 1875 đến 2004: “Các vụ ám sát các nhà chuyên quyền tạo ra những thay đổi đáng kể trong các thể chế của đất nước, trong khi các vụ ám sát các nhà dân chủ thì không.”

Vậy thì chế độ Kyiv là chế độ chuyên quyền hay là chế độ dân chủ? Đây là chủ đề gây tranh cãi.

Nhiều báo chí phương Tây cho rằng chế độ Zelensky là chế độ dân chủ. Đặc biệt là truyền thông ủng hộ luận điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông chuyển vũ khí vào chiến trường Ukraine là để bảo vệ nền dân chủ cho thế giới.

Nhưng cũng có những quan điểm cho rằng chế độ Zelensky là chế độ độc tài, vì ông Zelensky đã dập tắt các phe đối lập, truyền thông đối lập, và đang tiến hành đàn áp tôn giáo nào mà không nghe theo ông. Đại tá về hưu Mỹ Douglas Macgregor nhiều lần nói rằng chế độ Zelensky là chế độ độc tài nhất thế giới kể từ thời Stalin. Bình luận viên gạo cội Tucker Carlson cũng cho rằng chế độ Kyiv là chế độ độc tài chứ không phải chế độ dân chủ.

“Vụ ám sát chưa bao giờ thay đổi lịch sử thế giới,” Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli tuyên bố vài tuần sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị bắn chết khi đang xem một vở kịch tại Ford’s Theater ở Washington D.C. Vụ ám sát thực sự có rất ít tác dụng trong việc đảo ngược những cải cách trong chính quyền của ông.

Theo ông Karatnycky, mặc dù cái chết của ông Zelensky sẽ là một cú sốc tâm lý, nhưng sẽ không làm thay đổi nhiều ở Ukraine. Theo ông, chính chiến tranh là nhân tố khiến bộ máy của Ukraine được rèn dũa để chịu được các cú sốc, “Điều quan trọng cần nhớ là các yếu tố chính trong cuộc đấu tranh của Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga là khả năng phục hồi của các lực lượng vũ trang, kỹ năng chỉ huy và những chiến thắng trên mặt trận. Đây là điều quan trọng nhất đối với sự ổn định chính trị của Ukraine.” 

Nhật Tân