Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng tăng cường xây dựng các mối quan hệ về thương mại, đầu tư, và công nghệ với các quốc gia Đông Âu theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng đáng chú ý là Nga đang phá hủy hết thảy điều đó. Khi từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đàn áp những lời chỉ trích trong nước đối với Nga, Bắc Kinh đang khiến nhiều quốc gia Đông Âu xa lánh.

Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua Finance Agency, 2015).
Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua Finance Agency, 2015).

Ukraine nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến đường sắt, đường bộ và các đường ống dẫn năng lượng nối Nga với phần còn lại của châu Âu. 

Kể từ khi Ukraine tham gia vào chính sách cơ sở hạ tầng mang dấu ấn của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vào năm 2017, các công ty Trung Quốc tiến hành nâng cấp hệ thống các cảng biển và tàu điện ngầm của quốc gia Đông Âu này. 

Năm 2020, Kiev đã ký một biên bản ghi nhớ với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, đây là công ty mà Hoa Kỳ đang cố gắng loại khỏi các mạng lưới trên toàn thế giới. Với dân số 44 triệu dân, Ukraine cung cấp thị trường hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc như nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, đồng thời quốc gia này cũng là nguồn cung cấp nông sản quan trọng cho Trung Quốc. Trung Quốc mua 30% sản lượng ngô nhập khẩu từ Ukraine vào năm 2021.

Khi các đoàn xe quân sự của Nga đang tiến về thủ đô Kiev của Ukraine, Trung Quốc cảm thấy rất khó xử khi chứng kiến các tên lửa của Nga phá hủy một quốc gia đang ủng hộ các động thái toàn cầu đầy tham vọng của mình. 

Các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khơi dậy động thái chống Trung Quốc trên khắp châu Âu, bởi vì quốc gia cộng sản này từ chối gọi hành động của Nga là cuộc xâm lược. Khi phương Tây và Moscow gây khó khăn cho các công ty tư nhân trong giao dịch, dòng chảy hàng hóa theo “Con đường Tơ lụa sắt” có khả năng sẽ chậm lại. Đây là tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu, đã đưa lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 75 tỷ đô la đến châu Âu vào năm 2021.

Cuộc xâm lược của Nga có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với Ba Lan, quốc gia đã và đang cố gắng cân bằng mối quan hệ của mình với cả Bắc Kinh và Washington.

Ba Lan giữ vị trí quan trọng trên tuyến đường sắt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường và là nơi Huawei đặt trụ sở chính trong khu vực. Từng trải qua những khổ đau dưới sự thống trị của Nga, Ba Lan hiện đang tràn ngập người tị nạn  Ukraine, những người chỉ trích Trung Quốc vì ủng hộ Tổng thống Putin. Việc các quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ đang liên kết chặt chẽ hơn với NATO và Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục phá vỡ chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực này.

Đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đang trở nên nguội lạnh. Các thương vụ mua bán và sáp nhập của Trung Quốc ở châu Âu giảm xuống còn 6,5 tỷ Euro vào năm 2020, mức thấp nhất trong 10 năm. Mặc dù tính toán sai lầm khi công khai ủng hộ Tổng thống Putin, nhưng Bắc Kinh hiện đang cố gắng bảo vệ quan điểm đó của mình. Tuy nhiên, trừ khi ĐCSTQ có thể dàn xếp hòa bình chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, nếu không, những thiệt hại về ngoại giao và thương mại đối với quốc gia cộng sản này khó mà tránh khỏi.

Hôm 1/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ông khẳng định với Ngoại trưởng Kuleba, Trung Quốc luôn ủng hộ tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của tất cả các quốc gia, nhưng ông lại nói thêm “An ninh khu vực không thể đạt được bằng cách mở rộng các khối quân sự,” ám chỉ sự phản đối của Nga đối việc Ukraine gia nhập NATO.

Gia Huy (Theo Reuters)