Hôm 9/7 Washington Post báo cáo một số bất đồng trong NATO trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối liên minh này và trong bối cảnh khối đang đối đầu với Nga: Vấn đề gia nhập của Thụy điển, vấn đề thành viên của Ukraine và việc Mỹ gửi bom chùm (bom bi) cho chính quyền Kyiv.

shutterstock 2284750031
(Nguồn: Andrzej Rostek/ SHutterstock)

Theo tờ báo, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng các đồng minh khi gặp nhau ở Vilnius (Litva) đầu tuần này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ nhất tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng phương Tây đoàn kết chặt chẽ chống Nga, đặc biệt ở chiến trường Ukraine.

Tuy nhiên, dường như có một số rạn nứt trong nội bộ NATO, ảnh hưởng tới hình ảnh đoàn kết nhất trí của khối.

Về vấn đề Thụy Điển trở thành thành viên mới nhất của NATO gồm 31 quốc gia thành viên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã lên tiếng phản đối, mặc dù những lý do được đưa ra khác nhau.

Các lý do Thổ Nhĩ Kỳ phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển bao gồm điều mà Ankara nói là từ chối dẫn độ các cá nhân mà nước này coi là khủng bố, bao gồm các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và một phong trào bị cáo buộc tìm cách lật đổ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phàn nàn về các cuộc biểu tình chống ông Erdogan được tổ chức ở Thụy Điển và các cuộc biểu tình đốt kinh Koran.

Những lời phàn nàn đó ăn khớp với lối hùng biện dân túy mà Erdogan đã sử dụng ở quê nhà, bao gồm cả trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5, khi ông miêu tả các đối thủ của mình là những người có thiện cảm với các chiến binh người Kurd và là kẻ thù của các giá trị gia đình Hồi giáo truyền thống, những chủ đề gây được tiếng vang với các cử tri theo chủ nghĩa dân tộc và những người ủng hộ của ông Erdogan.

Ông Erdogan đã nhắc lại những chủ đề đó vào đầu tuần này, gọi việc đốt kinh Koran ở Stockholm trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo vào tháng trước là “một hành động tàn ác” không phải là một “sự cố cá biệt”.

Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích cho rằng kỳ thực cái giá phải trả để Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý dường như là một thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, một thỏa thuận mà chính quyền Biden đã ủng hộ với lý do nó sẽ tăng cường khả năng phòng thủ ở phía đông của NATO nhưng từ lâu đã vấp phải sự phản đối ở Đồi Capitol.

Ở giai đoạn này, việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận ứng cử viên NATO của Thụy Điển “có liên quan nhiều hơn đến những gì Mỹ sẽ làm và không làm, chứ không phải những gì Thụy Điển đã làm,” theo ông Sinan Ulgen, một thành viên cấp cao tại Carnegie Europe ở Brussels.

Lập luận của ông Erdogan đối với Thụy Điển thể hiện mối quan hệ phức tạp của đất nước ông với Nga. Trong khi cả ông Erdogan và ông Putin đều coi mình là đối trọng với sức mạnh của Mỹ, thì các quốc gia của họ đang đối lập nhau trong các cuộc xung đột, bao gồm cả ở Libya và Syria.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga vào năm 2015, Nga đã đình chỉ dòng khách du lịch béo bở đến bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ và việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là một điểm gây tranh cãi thường xuyên với Washington. Khi Ankara có được một hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, Washington đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35, mang lại cho ông Putin một chiến thắng kép: Vụ việc đã tạo ra sự chia rẽ trong NATO và ngăn cản việc triển khai máy bay tiên tiến đến gần quân đội Nga ở Syria.

Những lần khác, những liên kết đó đã mang lại lợi ích cho phương Tây, chẳng hạn như khi Thổ Nhĩ Kỳ giúp môi giới một thỏa thuận giữa Moscow và Kyiv để nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, hoặc gần đây nhất Thổ Nhĩ Kỳ đã cho nhóm Lữ đoàn Azov trở về Ukraine. Nga đã gọi việc này là trắng trợn vi phạm thỏa thuận, đặc biệt là khi Lữ đoàn Azov được coi là nhóm quân sự phát xít mới.

Trong khi đó, các quan chức ở Hungary đã viện dẫn nhiều lý do khiến đất nước của họ từ chối phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển, từ điều mà một phát ngôn viên của chính phủ cho biết là sự háo hức của Stockholm nhằm “hạ gục Hungary” cho đến “ngai vàng về đạo đức đang sụp đổ” của quốc gia Bắc Âu này.

Peter Kreko, giám đốc của tổ chức tư vấn chính trị Political Capital có trụ sở tại Budapest, tin rằng sự cản trở của Hungary không phải vì Thụy Điển mà là do mối quan hệ thân thiết của ông Orban với ông Erdogan. “Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ là một hình mẫu,” ông nói. “Thứ hai, đó là một nguồn cảm hứng tư tưởng. Thứ ba, [Thổ Nhĩ Kỳ] là một đối tác rất quan trọng trong thương mại, không chỉ ở cấp quốc gia, mà còn cả giới kinh doanh thân cận với gia đình Erdogan và gia đình Orban”.

Có không ít người cho rằng Hungary là một ngoại lệ của NATO do mối quan hệ nồng ấm của ông Orban với ông Putin. Ông Orban đang đối mặt với những lời chỉ trích về các hoạt động quản lý của mình, xung đột nhiều lần với Liên minh Châu Âu về cách tiếp cận của ông đối với vấn đề di cư và pháp quyền. Và giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary vẫn duy trì một số quan hệ kinh tế với Nga.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng Budapest sẽ không cản trở nỗ lực của Thụy Điển một mình, và hễ một khi có sự thay đổi trong lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ, thì “tất nhiên chúng tôi sẽ giữ lời hứa rằng Hungary sẽ không cản trở bất kỳ quốc gia nào về tư cách thành viên,” ông nói với các phóng viên vào tuần trước.

Nhật Tân