Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ Nhật (2/7) nói rằng Berlin lưỡng lự cung cấp tên lửa tầm xa cho Kyiv là xuất phát từ quan ngại về khả năng leo thang xung đột nếu Ukraine quyết định sử dụng vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhiều chủ đề với kênh truyền hình ARD của Đức hôm Chủ Nhật (2/7), Thủ tướng Scholz đã được hỏi tại sao Berlin từ chối cung cấp cho Kyiv tên lửa hành trình tầm xa.

Ông Scholz nói với nhà báo Tina Hassel của ARD rằng: “Chúng tôi xem xét cẩn thận tất cả những yêu cầu chúng tôi nhận được. Nhưng với chúng tôi có một nguyên tắc mà tôi chia sẻ với Tổng thống Mỹ: Chúng tôi không muốn những vũ khí mà chúng tôi cung cấp bị sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga”.

Tổng thống Ukraine Zelensky được cho là đã nói với Thủ tướng Scholz trong cuộc họp chung tại Berlin hồi tháng Năm rằng Kyiv “cực kỳ muốn” tên lửa Taurus KEPD 350 do Thụy Điển và Đức hợp tác sản xuất. Vũ khí phóng từ trên không này được trang bị đầu đạn nặng 500kg và có thể bay xa tới 500km.

Trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine, chính quyền Kyiv ngày càng đòi hỏi được nhận những hệ thống vũ khí phức tạp từ các quốc gia phương Tây hậu thuẫn họ. Kyiv trong những tháng gần đây đã tăng cường kêu gọi NATO cung cấp cho họ phi cơ chiến đấu, đặc biệt là F-16 do Mỹ sản xuất, sau khi họ đã nhận được cam kết sẽ được cung cấp hàng chục loại xe tăng chiến đấu chính như Leopard 2 và 1, M1 Abrams, và Challenger 2 từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh Quốc.

Chính phủ Đức nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định gây ra rủi ro leo thang với Nga khi một mình gửi các loại vũ khí mới cho Ukraine mà không thống nhất trước với các đối tác khác cùng thuộc NATO.

Đức trong nhiều tháng liền đã khước từ lời kêu gọi “chuyển xe tăng Leopard” cho Ukraine cho đến khi Mỹ hứa rằng họ cũng sẽ chuyển một vài chiếc xe tăng Abrams vào một thời điểm nào đó cuối năm nay. Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã loại trừ ý tưởng chuyển cho Ukraine tên lửa Taurus trong tương lai gần.

Cho đến nay, chỉ có Anh Quốc đã cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa. Theo quân đội Nga, lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow có tầm bắn hơn 250km để tấn công vào các cơ sở dân sự tại thành phố Lugansk và một số nơi khác nằm sâu trong lãnh thổ Donbass, miền Đông của Ukraine và đang do Nga kiểm soát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã theo gót Anh Quốc với hứa hẹn rằng Paris sẽ cung cấp cho Kyiv các loại tên lửa Storm Shadow của họ, được gọi là SCALP-EG. Tuy nhiên, ông Macron không nói rõ khi nào Pháp sẽ chuyển cho Ukraine những tên lửa tầm xa này.

Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa duyệt kế hoạch chuyển Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân sự (ATACMS) cho Ukraine. MGM-140 ATACMS do công ty Lockheed Martin sản xuất là tên lửa đạn đạo chiến thuật với tầm xa lên tới 300km. Loại tên lửa này có thể được bắn từ các hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS. Mỹ đã chuyển cả hai hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS cho Ukraine rồi.

Quyết định chuyển ATACMS cho Ukraine hiện đang phải “chờ phê duyệt từ các cấp cao nhất”, theo Wall Street Journal đưa tin tuần trước.

Hải Đăng (Theo RT)