Mục tiêu chính của “chiến dịch quân sự đặc biệt” là xóa bỏ đe dọa quân sự từ phía Ukraine, và người Nga đã đạt được điều đó rồi, Tổng thống Belarus Alexander Grigoryevich Lukashenko nói với phóng viên và blogger nổi tiếng Ukraine Diana Panchenko trong video vừa mới đăng hôm 17/8. Bài phỏng vấn gần 2 giờ, và được phóng viên bình luận: “Alexander Lukashenko là một người độc nhất vô nhị… Năm 1994, khi ông lên nắm quyền, Ukraine vẫn là một đất nước của hy vọng. Bây giờ, chúng ta đã mất một phần lãnh thổ, [bớt đi] 30 triệu người, [mất] quyền tiếp cận một trong các vùng biển. Trong khi đó Belarus tăng GDP bình quân đầu người tới cao gấp đôi chúng ta. [Belarus] có trật tự kỷ cương trong nước [khác hẳn Ukraine], và quan trọng nhất là có hòa bình… Tôi đã hỏi ông ấy: TẠI SAO điều này lại xảy ra?”

230818 luca 01
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh từ video phỏng vấn 17/8)

“Tính đến hôm nay, các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt đã đạt được,” ông Lukashenko nói. “Ukraine sẽ không bao giờ hung hăng với Nga sau khi cuộc chiến này kết thúc như trước đây. Ukraine sẽ khác. Những người nắm quyền [ở đó] sẽ thận trọng hơn, thông minh hơn, thủ đoạn hơn nếu bạn muốn.”

Đó là cách ông trả lời cô Panchenko khi được hỏi liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có bao giờ tiết lộ các điều kiện mà theo đó Moskva sẽ cho rằng chiến dịch đã đạt được mục tiêu hay không. 

“Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về chủ đề này theo tinh thần đó,” ông chia sẻ với phóng viên, “nhưng tôi có thể nói góc nhìn của tôi về chủ đề này.” 

Theo RT, Belarus là đồng minh của Nga, và đã bị các nước Âu Mỹ trừng phạt do ủng hộ Nga trong chiến tranh Ukraine. Tuy quân đội Belarus không tham chiến, nhưng Belarus cho phép quân Nga dùng lãnh thổ của Belarus để triển khai các lực lượng quân sự.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 6, ông Lukashenko bày tỏ quan điểm rằng chiến tranh Ukraine kỳ thực không bắt đầu vào tháng 2/2022 như phương Tây miêu tả, hoặc thậm chí  có mầm mống từ trước cuộc đảo chính năm 2014 do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Kiev, mà là từ “Cách mạng Cam” năm 2004 ở Ukraine.

“Mọi thứ đã dẫn đến điều này. Có lẽ sai lầm duy nhất mà chúng tôi mắc phải là đã không giải quyết vấn đề này vào năm 2014–2015, khi Ukraine chưa có quân đội cũng như chưa có quyết tâm [như bây giờ]”, ông nói.

Những năm đó Nga đã chọn con đường ngoại giao với Hiệp định Minsk do Đức và Pháp làm trung gian. Các cựu lãnh đạo của hai nước, Angela Merkel và Francois Hollande, đã thừa nhận vào mùa Thu năm ngoái rằng lộ trình hòa bình của hiệp định Minsk kỳ thực là cú lừa để phương Tây để có thời gian xây dựng lực lượng vũ trang ở Ukraine.

Phương Tây và Ukraine miêu tả chiến tranh Ukraine là do dã tâm của ông Putin, muốn tái hiện thời Đế chế Nga Sa hoàng, và nói cuộc chiến bắt đầu năm 2022, đồng thời hầu như không nhắc tới những sự kiện Cách mạng Cam 2004 và đảo chính 2014.

Nhật Tân