Thủ tướng Campuchia Hun Manet hôm thứ Năm (30/5) cho biết, vào tháng Tám năm nay Campuchia sẽ khởi động dự án kênh đào Funan Techo trị giá 1,7 tỷ USD. Dự án kênh đào do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn đã làm dấy lên lo ngại ở nước láng giềng Việt Nam rằng tàu chiến Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào, đồng thời giúp Campuchia giảm thiểu phụ thuộc vào các cảng Việt Nam.

Me kong
Phà trên sông Mê Kông khu chảy qua Phnom Penh vận chuyển hành khách và phương tiện. Cảnh chụp ngày ngày 9/4/2024. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty)

Kênh đào có tên là Funan Techo dài 180 km nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep bao phủ dân số khoảng 1,6 triệu người.

Đài VOA Mỹ dẫn lời nhà nghiên cứu Hoàng Hà Hợp tại một cơ quan cố vấn của Singapore là Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết: “Trong trường hợp xấu nhất, kênh đào này của Campuchia sẽ không chỉ sử dụng cho mục đích dân sự mà còn cho mục đích quốc phòng và quân sự. (Nếu) có hành động quân sự ở Campuchia, Việt Nam sẽ đáp trả bằng cảnh báo và răn đe.”

Dự án kênh đào này là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc – một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô khắp châu Á, nhưng ông Thủ tướng Hun Manet khẳng định nó sẽ chỉ phục vụ Campuchia: “Chúng tôi đang làm điều đó ở Campuchia vì lợi ích của người dân Campuchia”.

Theo AFP, lãnh đạo phe đối lập lưu vong Sam Rainsy cũng cho biết dự án kênh đào sẽ phục vụ lợi ích của ĐCSTQ.

Chính cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen là người đầu tiên đề xuất tên dự án “Kênh đào Funan – Techo”, được đặt theo nhân vật lịch sử trong vùng là tên các chiến binh Techo và vương quốc Phù Nam cổ đại từng tồn tại trong khu vực này.

Campuchia dưới thời Hun Sen là một trong những đồng minh khu vực thân cận nhất của ĐCSTQ, đã nhận được hàng tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc.

Con trai của Hun Sen là Hun Manet cho biết nguồn tài trợ cho kênh đào này chủ yếu của Campuchia, và Chính phủ Campuchia đang đàm phán với các công ty Trung Quốc để đầu tư thêm. Hun Manet nói trong bài phát biểu hôm thứ Năm: “Chúng ta phải làm điều đó ngay bây giờ, chúng ta không thể chờ đợi được nữa”.

Không chỉ khiến Việt Nam hứng chịu thiệt hại

Dự án kênh đào cũng làm dấy lên mối lo ngại của các nhà bảo vệ môi trường, những người lo ngại con kênh rộng 100 m, sâu 5,4 m và dài 180 km có thể làm giảm lưu lượng nước ở sông Mê Kông – con sông dài nhất Đông Nam Á và là một trong những sông có đa dạng sinh học nhất thế giới.

Vào tháng Ba, Giám đốc Brian Eyler của Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững tại Trung tâm Stimson (cơ quan cố vấn có trụ sở tại Washington) nói với VOA rằng việc xây dựng kênh đào này “sẽ gây ra nhiều vấn đề lũ lụt mới không tốt cho Campuchia”.

Ông Eyler cho biết: “Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới. Ví dụ, hai tỉnh ở Việt Nam là An Giang và Kiên Giang nằm ở phía nam kênh đào là những vùng sản xuất lúa gạo lớn, các tỉnh này sẽ bị tác động thiệt hại nặng nề nhất”.

Ngoài khả năng gây tổn hại đến năng suất cây trồng, Eyler còn cho biết, vùng đất ngập nước quan trọng ở Campuchia nằm ở hạ lưu sông Mê Kông là hệ sinh thái Boueng Prek Lapouv cũng có thể bị tổn hại.

TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, nói tại hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ hôm 23/4, rằng vào mùa khô sau khi có kênh Funan Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu – hai phân lưu của sông Mê Kông về đến ĐBSCL có thể giảm khoảng 50% và nghiêm trọng hơn vào những năm khô hạn.

“Sự thay đổi dòng chảy trên sông Mê Kông (qua sông Hậu và sông Tiền) sẽ làm thay đổi đặc điểm thủy văn tự nhiên, một phần dòng chảy sẽ bị kiểm soát bởi con người, cả với những chuỗi đập thủy điện và khai thác nước từ kênh Funan Techo”, ông Tuấn nói.

Thiếu hụt nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng…, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cho rằng trong thông báo của Campuchia có đề cập là tác động của dự án là không đáng kể. Tuy nhiên, các thông tin về dự án rất hạn chế, không đủ cơ sở để đưa ra kết luận như vậy.

Vì vậy, Campuchia cần chia sẻ và minh bạch các thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án cho các bên liên quan.

“Trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan”, ông Tuấn nói.

Trên thực tế, các con đập do ĐCSTQ xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông đã gây ra thiệt hại sinh thái nghiêm trọng cho vùng hạ lưu và đe dọa sinh kế của người dân trong khu vực. Theo Epoch Times đưa tin năm ngoái, tổ hợp đập của Trung Quốc sông Lancang thượng nguồn sông Mê Kông đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đối với các nền kinh tế Đông Nam Á.

Tham vọng quân sự của ĐCSTQ ở Campuchia khiến Mỹ chú ý

Hôm thứ Năm (30/5), quân đội Campuchia và ĐCSTQ vừa kết thúc cuộc tập trận quân sự thường niên với sự tham gia của nhiều tàu chiến và hàng trăm quân nhân ĐCSTQ. Vào ngày 16/5, Campuchia và Trung Quốc tập trận quân sự “Rồng Vàng-2024” kéo dài 15 ngày ở vùng biển gần Biển Đông [của Việt Nam]. Kể từ khi cuộc tập trận bắt đầu vào năm 2016, đây là cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển lớn nhất được hai bên tổ chức.

Vào tháng 12 năm ngoái, hai tàu chiến của ĐCSTQ đã lần đầu tiên đến thăm Căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia và cập cảng kể từ đó. Mỹ cho biết căn cứ này có thể được sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Vịnh Thái Lan. Bộ Quốc phòng Campuchia tuần trước cho biết “họ giúp đào tạo nhân viên hải quân Campuchia và chuẩn bị cho cuộc tập trận Rồng Vàng”.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Tư (29/5), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – là chuyến thăm thứ 10 tại khu vực kể từ khi nhậm chức. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và răn đe trong khu vực. Ông Austin sẽ thăm Campuchia vào thứ Ba (4/6) để gặp gỡ các quan chức cấp cao nước này.

Mộc Vệ (t/h)