Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, các nước giàu có với nguồn cung vắc-xin dồi dào nên tạm dừng việc tiêm liều vắc-xin bổ sung cho đến hết năm 2021, để cho mọi quốc gia có thể tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.

vắc-xin
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Alexandros Michailidis/Shutterstock)

“Ngày hôm nay, tôi kêu gọi gia hạn thêm thời gian ngừng tiêm liều bổ sung cho đến ít nhất là cuối năm, để cho phép mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay hôm 8/9 vừa qua.

Ông cũng cho biết mình cảm thấy “rất sốc” sau khi nghe được thông tin hôm 7/9 từ một hiệp hội dược phẩm hàng đầu, trong đó nói rằng nguồn cung vắc-xin đủ để tiêm mũi thứ 3 cho người dân ở các nước giàu và tiêm liều đầu tiên ở các nước nghèo.

“Tôi sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu cho rằng những người nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần dư thừa lại”, ông nói. “Bởi các nhà sản xuất đã ưu tiên hoặc thực hiện các thỏa thuận song phương với nước giàu sẵn sàng trả nhiều tiền nhất”.

Mặc dù thừa nhận liều thứ 3 có thể cần thiết cho các nhóm có nguy cơ cao, nhưng ông Ghebreyesus vẫn nói rằng: “Chúng tôi không muốn thấy việc tiêm liều bổ sung trên diện rộng cho những người khỏe mạnh đã tiêm chủng đầy đủ”.

Trước đó, ông Tedros đã kêu gọi ngừng cung cấp liều tiêm thứ 3 ít nhất cho đến cuối tháng 9/2021. Dẫu vậy, các quốc gia giàu, trong đó có Anh, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Đức và Tây Ban Nha, đã bắt đầu hoặc đang xem xét kế hoạch tiêm liều thứ 3 cho đối tượng dễ bị nhiễm bệnh như người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.

Các quan chức Mỹ cũng đang đánh giá hiệu quả của việc tiêm liều bổ sung và quốc gia này có thể không triển khai tiêm mũi thứ 3 trên diện rộn dự kiến bắt đầu từ ngày 20/9.

Theo WHO, khoảng 5,5 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã được sử dụng cho đến nay, nhưng 80% trong số này là ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao.

Theo AP,

Phan Anh

Xem thêm: