Ngày 20/8, Tạp chí Phố Wall (WSJ) có bài với tiêu đề “Tại sao chiến tranh của Nga ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm” kèm bình luận rằng đó không phải chỉ do kết quả giao tranh ở chiến tuyến, mà còn do cả Moskva và Washington đều không có mục tiêu chiến lược rõ ràng về cuộc xung đột này. Cùng ngày, tờ Pravda của Ukraine trích dẫn bài của WSJ, nói rằng phương Tây có thể dùng ‘thành viên NATO’ cho Ukraine để đổi lấy việc Ukraine từ bỏ theo đuổi đòi lại lãnh thổ đã mất vào tay Nga.

230820 nato 01
Chụp màn hình bài của Pravda Ukraine hôm 20/8.

Theo Pravda dẫn lời các quan chức giấu tên mà WSJ phỏng vấn, thì trong các cuộc trao đổi riêng tư, nhiều quan chức phương Tây tin rằng Mỹ và các đồng minh kỳ thực không muốn để Kiev tự mình quyết định mục tiêu cuối cùng là gì và chấm dứt chiến tranh như thế nào.

Một mặt, phương Tây gồm Mỹ và đồng minh, muốn nâng đỡ chính quyền Kiev giành chiến thắng, nhưng vấn đề đã xuất hiện ở chỗ chi phí và các rủi ro để có được một chiến thắng toàn diện theo các tuyên bố của Kiev.

Những người cầm đầu chính quyền Kiev thời gian qua vẫn luôn kiên quyết tuyên bố rằng họ muốn lấy lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý, gồm cả bán đảo Crimea được sáp nhập vào 9 năm trước.

Những gì diễn ra ở chiến trường Ukraine với các kết quả không được khả quan, đã khiến các quan chức Âu Mỹ cho rằng “các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa” của Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh kéo dài nhiều năm.

Giới chức phương Tây e ngại họ sẽ mất dần ủng hộ của cử tri nếu họ tiếp tục đầu tư cho chính quyền Kiev theo hình thức viện trợ như hiện nay.

Theo tờ báo phân tích, có những ý kiến cho rằng tư cách thành viên NATO hoặc EU, hoặc các cam kết hỗ trợ quân sự và kinh tế liên tục sẽ có thể thuyết phục được chính quyền Kiev ngừng chiến kèm với việc mất một phần lãnh thổ cho Nga.

Giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Chicago của Mỹ đã nhiều lần nói về sự khác biệt trong cách nhìn nhận chiến tranh Ukraine từ phía Mỹ và từ phía Nga. Nga cho rằng đây là cuộc chiến sống còn vì họ coi một Ukraine vũ trang mạnh mẽ thuộc NATO là một đe dọa tới sự tồn vong của Nga. Trong khi đó Mỹ chỉ coi Ukraine là một bàn đạp cho chiến tranh tiêu hao mà thôi, do đó độ cam kết vào chiến tranh từ phía Mỹ sẽ không thể nào cao bằng Nga được.

Như tin đã đưa, Stian Jenssen, Chánh văn phòng của Tổng thư ký NATO, sáng hôm 15/8 đã nói trong một cuộc thảo luận nhóm ở Arendal (Na Uy), “Tôi nghĩ rằng một giải pháp khả dĩ là Ukraine từ bỏ lãnh thổ và đổi lấy tư cách thành viên của NATO.”

Ngay lập tức bình luận này đã gặp phải các phản đối mạnh mẽ từ giới chức Kiev.

Chính cấp trên của ông Jenssen, Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, lâu nay đều tránh nói trực tiếp về quyết định kết thúc cuộc chiến như thế nào, mà trái lại, thường nhấn mạnh rằng chính chính quyền Kiev cần “quyết định thời gian hay điều kiện” đàm phán với Nga.

Sáng hôm sau, 16/8, ông Jenssen nói rằng tuyên bố trước đó của ông là sai lầm. Không phải nội dung nói sai, mà là cách nói chưa phù hợp. Theo ông, có nhiều phương án kết thúc chiến tranh, mà trong đó tuyên bố hôm 15/8 của ông chỉ là 1 trong số đó.

Ông nói, “Tuyên bố của tôi về điều này là một phần của cuộc thảo luận lớn hơn về các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai ở Ukraine, và lẽ ra tôi không nên diễn đạt theo cách đó, đó là một sai lầm.”

Sự kiện lời qua tiếng lại này —về cách thức kết thúc cuộc chiến, và về ai là người chân chính đứng ra quyết định (Kiev hay Washington)— tưởng chừng đã kết thúc. Nhưng bài viết hôm 20/8 của WSJ dường như lại khơi lại vấn đề này.

Trước đó, như bài phỏng vấn đăng hôm 12/8, giáo sư Mearsheimer đã tiên đoán rằng sự thất bại của sự kiện sẽ dẫn tới màn “đổ lỗi” cho nhau. Nhưng bất kể thế nào, cách làm đổ lỗi sẽ không thể che giấu bản chất của sự kiện và tại sao nó thất bại.

Cả giáo sư Mearsheimer và đại tá Mỹ về hưu Douglas Macgregor đều cho rằng bản chất sự thất bại là do phương Tây đánh giá thấp khả năng quân sự của Nga, và tưởng rằng các trừng phạt kinh tế sẽ thành công làm Nga kiệt quệ.

Ngoài ra, cả 2 ông đều nói rõ Nga kỳ thực có mục tiêu chiến lược rõ ràng cho cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, chứ không phải như WSJ miêu tả. Mục tiêu đó là loại bỏ đe dọa quân sự từ Ukraine.

Sự “không rõ ràng” như phương Tây miêu tả cũng là do tuyên truyền của phương Tây mà thành. Truyền thông phương Tây thường xuyên miêu tả mục đích của Tổng thống Nga Vladimir Putin là muốn tái hiện Đế chế Nga Sa Hoàng, mà bắt đầu là chiếm hết Ukraine.

Cũng trong phỏng vấn nói trên, giáo sư Mearsheimer nói rằng tuyên truyền đó của phương Tây là vu khống. Không có bất kỳ bằng chứng gì. Ngoài ra, trên thực tế, đợt tấn công 2022 của Nga, theo các ước tính lớn nhất là Nga đưa vào 190.000 quân. Trong khi đó, ông Mearsheimer đưa ra con số để so sánh, năm đó vào Đại Thế chiến II, để đánh chiếm Ba Lan, phe Đức phải đổ vào đó trên 1 triệu quân.

Điều đó chứng tỏ ông Putin năm 2022 không hề dự định chiếm hết Ukraine như truyền thông phương Tây miêu tả. Truyền thông phương Tây sau đó tuyên bố Nga đã thất bại vì không đạt được mục tiêu quân sự của mình. Đó là trên cơ sở tuyên truyền không đúng sự thật ngay từ đầu.

Nhật Tân