Nếu dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua mà không sửa đổi, người lao động có thể phải nộp khoản tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng mới đủ điều kiện để nhận tiền lương hưu và các khoản trợ cấp khác theo quy định. 

dai bieu nguyen hoang bao tran
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) tại buổi họp Quốc hội, chiều 27/5. (Ảnh chụp màn hình/quochoi.vn)

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội ngày 27/5, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề xuất bổ sung cơ chế bảo vệ lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH (chậm đóng, trốn đóng), hoặc không còn khả năng đóng BHXH (như phá sản, giải thể, bỏ trốn), tại Điều 41 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo nội dung đề xuất, cơ quan BHXH sẽ tạm thời xác nhận thời gian đã đóng BHXH nếu lao động có yêu cầu để làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH. Khi người sử dụng lao động đóng bù, cơ quan BHXH sẽ xác nhận thời gian đóng bổ sung làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH cho người lao động.

Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí và các chế độ khác thì lao động có thể chọn nộp số tiền bị chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để được xác nhận hưởng. Số tiền đóng thêm không bao gồm số tiền nộp phạt của người sử dụng lao động là 0,03%/ngày trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ BHXH.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) – Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đồng ý với đề xuất có cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, bà Trân băn khoăn với quy định người lao động phải đóng bù tiền BHXH mà người sử dụng còn thiếu mới được nhận tiền lương hưu và các khoản trợ cấp khác.

“Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì người lao động đã mất một khoản tiền lớn rồi. Để được hưởng [tiền lương hưu] thì phải đóng bù cho phần của doanh nghiệp và đóng cả phần của mình đã bị doanh nghiệp trừ vào lương của họ trước đó để đóng BHXH nhưng không nộp vào quỹ. Nhìn chung, người lao động muốn được hưởng hưu trí phải đóng hơn 40% tiền lương của mình vào quỹ [thực tế gồm 8% tiền lương tháng lần đầu, 22% khoản đóng bù lần hai].

Nếu quy định như trên sẽ gây bức xúc lớn hơn cho người lao động và dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan nhà nước không có biện pháp xử lý lại để cho người lao động phải bỏ tiền đóng thay? Đây cũng là nguyên nhân khiến người lao động rời bỏ BHXH”, nữ đại biểu nhận định.

Bà Trân đồng tình với đề xuất có nguồn quỹ hỗ trợ cho người lao động, trích từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận đầu tư của Quỹ BHXH. Đồng thời, bà Trân đề nghị cần đánh giá tính hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH đã thực sự hiệu quả chưa.

“Nếu hiệu quả, tại sao đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH không hề giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Nếu hiệu quả, tại sao để xảy ra tình trạng cán bộ chiếm đoạt tiền đóng BHXH” – bà Trân nói, dẫn vụ chiếm đoạt gần 70 tỷ đồng của nữ kế toán viên BHXH quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong tháng 5 vừa qua.

“”Liệu còn bao nhiêu trường hợp như trên chưa bị phát hiện trong hệ thống cơ quan BHXH, khi chúng ta vẫn thực hiện công tác thanh tra, giám sát thường xuyên? Người đứng đầu cơ quan BHXH phải chịu trách nhiệm đến đâu?” – nữ đại biểu đặt câu hỏi, nêu thêm hiện trạng thu sai, chi sai chưa được giải quyết, trước nan đề “vì sao người dân suy giảm niềm tin vào BHXH”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho hay hiện việc giải quyết nợ bảo hiểm, nợ lương của người lao động chưa được ưu tiên. Theo Điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, những chi phí mà doanh nghiệp cần ưu tiên thanh toán trước là chi phí quản tài viên doanh nghiệp quản lý, chi phí kiểm toán, chi phí thanh lý tài sản…. Việc thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, và những quyền lợi khác theo hợp đồng lao động, hoặc thỏa ước lao động tập thể mà công ty đã kí kết, được sắp xếp sau.

Bà Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm, và trách nhiệm của doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT với doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị mở rộng nguồn lực để hỗ trợ lao động yếu thế trong khoảng thời gian bị công ty chậm, trốn đóng BHXH mà chưa xử lý được. Nhất là đối với người bị suy giảm khả năng lao động do tai nạn, ốm đau, bệnh nền, khi họ đã trích đóng BHXH thông qua doanh nghiệp mà chưa nhận được khoản hỗ trợ tương ứng.

Theo thống kê hết năm 2022, số tiền nợ BHXH là hơn 4.000 tỷ đồng, do doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn; khiến hơn 213.000 lao động tại các doanh nghiệp trên không thể chốt sổ BHXH để xin vào công ty mới và đóng bảo hiểm tiếp, không được giải quyết hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất.

Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã đề nghị BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội chủ trương xóa khoản nợ xấu bằng tiền lãi từ kết dư Quỹ BHXH.

Nguyễn Quân