Ông Đỗ Văn Sơn, SN 1977, cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), là một trong 8 bị cáo đang bỏ trốn đã ra đầu thú.

aic do van son
Ông Đỗ Văn Sơn, SN 1977, cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), là một trong 8 bị cáo đang bỏ trốn đã ra đầu thú. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Thông tin trên do Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, nói tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, hôm 4/7.

“Đỗ Văn Sơn là một trong những mắt xích quan trọng của vụ án”, ông Xô nói và cho biết đã tiến hành thủ tục tố tụng đối với ông Sơn.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm hồi cuối năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC, bị tuyên tổng mức án 30 năm tù cho 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Đỗ Văn Sơn 6 năm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo buộc, năm 2003, với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC, bà Nhàn thiết lập quan hệ với cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với mục đích để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Quá trình đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Ngoài ra, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định. Quá trình tham gia đấu thầu rồi trúng thầu, bà Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại. Nguồn tiền của hoạt động này do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị, hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao. Sau đó, các đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển tiền lại cho Công ty AIC để nhập vào quỹ của Ban thư ký tài chính.

Suốt 12 năm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai đã được AIC bôi trơn hơn 43 tỷ đồng nhằm giúp AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế. Hành vi gian lận này bị các cơ quan tố tụng xác định làm Nhà nước thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.

Đây là vụ án được VKS đánh giá là “minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm”, thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền, cụ thể là công ty AIC và hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai.

Phạm Toàn