Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định Cảnh sát giao thông không được kiểm tra giấy tờ người ngồi sau xe máy. 

bo cong an viet nam de xuat csgt khong duoc kiem tra giay to nguoi ngoi sau xe may
Bộ Công an Việt Nam đề xuất CSGT không được kiểm tra giấy tờ người ngồi sau xe máy. (Ảnh: vovgiaothong.vn)

Bên cạnh đề xuất thêm trường hợp Cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng xe kiểm tra từ ngày 1/7/2024, mới đây, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ còn đưa ra 5 quyền hạn của CSGT như sau:

Dừng xe để kiểm soát người, xe, hàng hoá, hành lý, giấy tờ của xe và người lái xe nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật (theo quy định cũ tại Điều 8 Thông tư 65/2020, CSGT có quyền dừng xe để kiểm soát người, xe, giấy tờ của người, xe và giấy tờ tùy thân của người trên xe đang kiểm soát).

Dự thảo đã bỏ quyền CSGT được kiểm tra giấy tờ tùy thân của người ngồi trên xe và thêm quy định, nếu giấy tờ của xe, người lái xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra thông tin giấy tờ trên đó.

CSGT có quyền xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vi phạm khác (quy định cũ là áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm giao thông đường bộ, trật tự xã hội, vi phạm khác).

CSGT có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển xe vi phạm dừng, đỗ trên đường gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn (theo quy định cũ, trường hợp cấp bách phải để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội…, CSGT mới được thực hiện những công việc này).

CSGT có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm giao thông, vi phạm khác (quy định cũ phân định cụ thể thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm: Phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ).

Hiện dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến góp ý với nhiều điểm mới.

Đề xuất bốn trường hợp bắt buộc người lái xe phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần

Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an đang lấy ý kiến có nhiều đề xuất mới. Một trong các điểm mới là các trường hợp tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần theo quy định; thêm trường hợp giấy phép lái xe không có hiệu lực và một số điểm mới khác.

Đề xuất 4 trường hợp phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần

Theo dự thảo, đề xuất quy định về sử dụng đèn xe như sau:

Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau: Đèn chiếu sáng phía trước là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; Đèn soi biển số sau; Đèn vị trí được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây: Khi gặp người đi bộ qua đường; Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động; Khi gặp xe đi ngược chiều; Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.

Đề xuất cụ thể các trường hợp giấy phép lái xe không có hiệu lực

Theo Khoản 5 Điều 39 của Dự thảo thì giấy phép lái xe không có hiệu lực trong các trường hợp: Giấy phép lái xe đang trong thời gian áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng; Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng; Giấy phép lái xe có Quyết định thu hồi theo quy định tại khoản 4 Điều 43 của Dự thảo.

4 trường hợp CSGT dừng xe theo Dự thảo Luật mới

Theo Điều 55 của Dự thảo cũng quy định CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.

Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được.

Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.

Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

So với hiện hành, những trường hợp CSGT được dừng xe có nhiều điểm mới như việc dừng xe để phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh; có “tố giác” về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;…

Một số đề xuất quan trọng khác

Dự thảo cũng đề xuất một số quy định mới khác như quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Dự thảo bổ sung hai quy định về sử dụng làn đường: Trên làn đường dành riêng cho một loại phương tiện, người điều khiển loại phương tiện khác không được đi vào làn đường đó. Nơi có làn đường dành cho xe ưu tiên, chỉ xe ưu tiên mới được đi vào làn đường ưu tiên.

Trên đường hai chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại.

Khánh Vy (t/h)