Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn giám sát đề nghị Bộ GD-ĐT tạo biên soạn một bộ SGK phổ thông là quay lại tình trạng độc quyền, đi ngược xu hướng quốc tế.

bo gd bien soan sgk se quay lai doc quyen di nguoc xu huong quoc te
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội. Về việc Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ SGK hay không, ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng điều này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019.

Theo ông Thanh, về cơ sở thực tiễn, việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK không phù hợp chủ trương xã hội hóa.

“Tôi tin rằng nếu đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ thông tin về chính sách biên soạn sách giáo khoa của các nước trên thế giới thì sẽ không nêu kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông”.

“Việc này dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa và đi ngược lại xu hướng quốc tế”, ông Thanh nói.

Dẫn báo cáo của đoàn giám sát nêu giai đoạn 2015-2022, Chính phủ bố trí 213.400 tỷ đồng cho đổi mới sách giáo khoa phổ thông, trong đó chi thường xuyên 81.000 tỷ đồng, chi đầu tư 131.600 tỷ đồng, ông Thanh đề nghị cung cấp số liệu cho biết mức chi nói trên vượt bao nhiêu so với chi bình thường hàng năm cho giáo dục phổ thông theo quy định.

“Chi đổi mới sách giáo khoa là bao nhiêu, gồm những khoản nào? Nếu không tách bạch các khoản chi này sẽ gây hiểu nhầm về số tiền khổng lồ và cách Chính phủ chi tiêu ngân sách”, ông Thanh nói.

Ông Thanh đề nghị làm rõ trong việc xã hội hóa sách giáo khoa, đóng góp của doanh nghiệp bao nhiêu, nhà nước chi bao nhiêu và ngân sách tiết kiệm được bao nhiêu tiền, từ đó đánh giá đầy đủ chủ trương này.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Sở KH&CN Lạng Sơn) cũng cho rằng thời điểm này, không nên giao cho Bộ GD-ĐT biên soạn SGK mà Bộ nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn hiệu quả các bộ SGK đã và đang sử dụng hiện tại.

Theo ông Mạc, việc biên soạn bộ SGK mới tại thời điểm này là không thực sự cấp thiết. Trên cơ sở các bộ SGK hiện tại, lựa chọn bộ SGK phù hợp với năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập của học sinh từng trường, từng địa phương.

Minh Long