Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên đề xuất quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Dự thảo đang lấy ý kiến từ ngày 15/3.

bo ld tbxh de xuat hoc sinh sinh vien lam them khong qua 20 gio moi tuan
Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên đề xuất quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Dự thảo đang lấy ý kiến từ ngày 15/3. (Ảnh minh họa: Dragon Images/shutterstock)

Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.

Tiền công của học sinh, sinh viên sẽ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động, căn cứ thời gian, khối lượng và chất lượng công việc. Các em được bình đẳng về cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử, được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Trên thực tế, quy định khống chế thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên và du học sinh đã được áp dụng tại nhiều quốc gia. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, sinh viên chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần. Tại Nhật Bản, học sinh, sinh viên chỉ được phép làm thêm từ 28 giờ/tuần trở xuống. Đối với các kỳ nghỉ sẽ được phép làm nhiều giờ hơn khi có sự cho phép từ phía trường học, thường lên tới 40 giờ/tuần. Còn tại Úc, từ 1/7/2023, nước này tăng thời gian trên cho học sinh, sinh viên lên 48 giờ/2 tuần.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào trên quy mô cả nước về việc học sinh, sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, một số đề tài khảo sát ở cấp trường đại học cho thấy 70-80% sinh viên đang hoặc từng đi làm thêm.

Theo quy định, mức thù lao tối thiểu với lao động hiện nay là 15.600 đến 22.500 đồng một giờ, tùy theo vùng.

Trước đề xuất trên, tài khoản DucNguyen nhận định: “Lo được học phí cho sinh viên không mà đòi cấm. Nhà nghèo, chẳng có gì thì vay gì để học”.

Tài khoản hoakhanharcheage0: “Nước mình kinh tế chưa bằng các nước phát triển, nhiều học sinh sinh viên hoàn cảnh còn rất nghèo khó, phải chật vật với tài chính để đóng học phí, bây giờ giới hạn thời gian rồi thì làm sao các em tận dụng được hết thời gian vào những ngày nghỉ để làm, mình thấy chưa phù hợp”.

Tài khoản bio2medpharm: “Nên thế, không những quy định về số giờ mà còn quy định về mức thu nhập (nếu minh chứng được) để còn nộp thuế thu nhập cá nhân. Việt Nam cũng nên làm như một số nước, trong đó có Đức, quy định về số giờ và mức thu nhập đối với cả sinh viên bản địa và nước ngoài”.

Tài khoản richan265: “Giống tây cũng tốt mà, nên giống luôn khoảng free học phí từ nhỏ tới 18 tuổi để phụ huynh có tiền cho sinh viên học đại học thì quá tốt. Còn hạn chế khoản giờ làm thì không đủ tiền cho sinh viên có tiền đóng tiền học”.

Tài khoản binh tong: “Học hỏi không đúng chỗ, sinh viên đi làm thêm cơ bản là rất khó khăn, hạn chế giờ làm chẳng khác nào tước đi tương lai của các em. Chưa kể nguy cơ bị lạm dụng lao động khi phải làm chui sau thời gian cho phép. Đề nghị xem xét lại”.

Tài khoản Lưu Lương: “Sinh viên các nước phát triển làm thêm dưới 20 tiếng/1 tháng nhưng đủ ăn trong tháng. Còn sinh viên Việt Nam làm 20 tiếng/1 tháng lương từ 400-500 nghìn, tiết kiệm lắm cũng chỉ ăn được từ 4-5 ngày. Thế nên hãy tính toán sao cho phù hợp để các cháu và gia đình trang trải cuộc sống và tích lũy kinh nghiệm. Không phải đất nước nào cũng giống nhau”.

Minh Long